Đến với bài thơ hay: Nặng một lời thề nước non!

GD&TĐ - “Tây Tiến” ra đời như một bài ca bất tử về lòng yêu nước của những con người nặng một lời thề với nước non.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Quang Dũng

Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

*

Doanh trại bừng lên hội đuốc, hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

*

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

*

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

(Phù Lưu Chanh, 1948, rút trong tập “Mây đầu ô”)

Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khó, “Tây Tiến” ra đời như một bài ca bất tử về lòng yêu nước của những con người nặng một lời thề với nước non. Là thành viên trong đoàn quân Tây Tiến, Quang Dũng thấu hiểu những gian lao, vất vả của cuộc hành quân mà những người lính trải qua và làm sống dậy trong thơ.

Đoàn quân Tây Tiến gồm những thanh niên, học sinh, sinh viên Hà thành gác lại giấc mơ đèn sách để lên đường kháng chiến. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào đánh Pháp để giải phóng biên giới Việt – Lào.

Qua những câu thơ được gợi lên từ nỗi nhớ “chơi vơi” trong hồn thơ Quang Dũng, người đọc phần nào hiểu được nỗi vất vả, khó nhọc trên đường hành quân của những người lính Tây Tiến:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.

Cuộc hành quân đầy vất vả, trải qua bao núi cao, vực sâu, bao chặng đường heo hút chỉ có bát ngát là rừng già và “cọp trêu người”. Nỗi vất vả, gian nan đó không chỉ được thể hiện ở ngoại cảnh, địa hình mà còn hiện ra ngay trên những người lính: “đoàn quân mỏi”, “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Và rồi “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, các anh mãi nằm lại nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc.

Cái chết nào chẳng gợi những đau thương, xót xa. Nhưng qua cách nói của Quang Dũng, ta thấy được, những người lính ở đây coi cái chết nhẹ tựa lông hồng: “bỏ quên đời, anh về đất”. Chính bởi vậy, dù trên bước đường hành quân có phải trải qua bao gian lao, khó khăn, thiếu thốn thì những người lính ấy cũng tuyệt nhiên không thốt ra lời than vãn hay tiếng thở dài mỏi mệt. Chỉ là sự tinh nghịch “súng ngửi trời” đầy chất lính, và vẻ kiêu bạc “bỏ quên đời” để về với Đất Mẹ khi đã mỏi gối chùn chân.

Nhưng ngay cả khi họ đã chết đi rồi thì cũng không phải là sự kết thúc của cuộc hành trình gian khổ cùng đất nước đánh đuổi giặc giã mà là sự tiếp nối. Anh linh họ vẫn tiếp tục hành quân cùng đồng đội của mình, bởi lời thề với nước non còn đó:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Trên bước đường hành quân gian nan đó, có biết bao người lính ngã xuống, mãi mãi nằm lại nơi núi rừng bạt ngàn, heo hút bởi khó khăn, thiếu thốn. Bằng những ngôn từ vừa chân thật vừa tinh tế, Quang Dũng vẽ lên bức chân dung về những người lính Tây Tiến thời ấy, sống động cả về ngoại hình lẫn nội tâm:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Hiện thực gian khổ hằn lên hình hài “không mọc tóc”, “xanh màu lá” của người lính. Đó là hậu quả để lại của những cơn sốt rét rừng hành hạ. Họ lên đường, không chỉ là đối mặt với kẻ thù, với súng ống, đạn bom mà trên con đường hành quân xuyên qua những khu rừng thiêng nước độc, ăn gió nằm sương, bệnh tật mà lại thiếu thốn thuốc men khiến họ trở nên những hình hài kì dị.

Nhưng có lẽ tất cả không thể làm họ chùn bước, tất cả chỉ là thử thách để tôi rèn ý chí quyết tâm ra trận của họ càng thêm rực lửa. “Không mọc tóc, xanh màu lá” có hề chi! Họ vẫn một lòng hướng đến một mục tiêu chung: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Đó là mộng lập chiến công. “Không mọc tóc, xanh màu lá” cũng không thể ngăn được niềm mơ mộng của những trái tim tha thiết yêu đời, yêu người.

Đêm đêm, giữa đại ngàn gió hú, họ vẫn “mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Đó là một bóng hình quen thuộc họ lưu giữ trong tim, bóng hình tiếp thêm sức mạnh chiến đấu và thắp lửa niềm tin cho họ về một ngày về.

Chính bởi lòng yêu nước, ý chí giết giặc sục sôi và niềm mơ - mộng (mơ bóng hình nơi quê nhà - mộng lập chiến công) trong tâm hồn những người lính trẻ, nên họ sẵn sàng hi sinh tuổi xuân, cuộc đời của mình để đổi lấy mùa Xuân cho đất nước:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Dường như lời thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành mạch huyết quản trong mỗi người dân yêu nước. Ngay cả khi đã hi sinh thì ý chí chiến đấu của họ vẫn luôn sục sôi, quyết liệt: “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Đó là khẳng định chắc nịch về một lời thề được khởi phát từ trái tim yêu nước.

Khép lại “Tây Tiến”, ta như thấy dư âm của nỗi nhớ trong tâm hồn Quang Dũng quyện cả vào mình. Hình ảnh người lính Tây Tiến với những khó khăn gian khổ, những tinh nghịch yêu đời, những quyết tâm quả cảm vẫn hiển hiện rõ nét. Xin gửi tới anh linh những người nằm xuống một nén tâm nhang thành kính để tri ân và để báo với các anh rằng đất nước ta nay đã tràn ngập những mùa Xuân và Đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ