Đến với bài thơ hay: Thấm tạc vào mỗi dáng sông, hình núi

GD&TĐ - Nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại vốn là một nhà báo nên thơ ông giàu chi tiết.

Núi Chung là nơi lúc còn thơ ấu, Bác và các bạn thường lên chăn trâu, thả diều, đánh trận giả. Ảnh: visitnghean.vn
Núi Chung là nơi lúc còn thơ ấu, Bác và các bạn thường lên chăn trâu, thả diều, đánh trận giả. Ảnh: visitnghean.vn

Nguyễn Sỹ Đại

Bác vĩnh hằng như thế

giữa nhân dân

Nghe Bác về, nhà khách được xây lên

Nhưng Bác nói: Bác không phải là khách, Bác đi về nhà Bác

Nếp tranh nhỏ, đỏ một bờ râm bụt

Bác nhổ rào, đi lối những ngày xưa.

Nơi chân trần chạy nắng dưới đường trưa

Cánh diều nhỏ xanh suốt ngày tuổi nhỏ

Năm mươi năm xa, vẫn bồi hồi lối ngõ

Cái gáo dừa, chum nước trắng hoa cau...

Giếng Cốc trước nhà, cây mít đằng sau

Lò rèn nhỏ ông Điền, Bác thường ra thụt bễ

Đỉnh núi Chung chăn bò, cùng bạn bè một thuở

Chí anh hùng phơ phất ngọn cờ lau

Những đêm nào tuyết lạnh trắng trời Âu

Làng quê nhỏ bập bùng sân ánh lửa

Đêm phường vải, mắt người gieo câu ví

Ánh trăng ngời vạt áo lúc chia tay...

Nhà Bác nghèo, vườn chỉ bấy nhiêu thôi

Đừng khoanh rộng những điều không phải lẽ!

Đừng huyền thoại thay cho điều giản dị

Khiến Bác thành xa lạ giữa quê hương!

Bác từ Làng Sen về với Núi Sông

Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở

Ai cũng thấy đời riêng trong cuộc đời lãnh tụ

Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân!

Những chi tiết được chọn lọc, qua lăng kính tâm hồn của nhà thơ đã ánh xạ, tỏa sáng chất nhân văn ấm áp tình người. Đó là tấm lòng chân thành, tha thiết, tôn kính vị lãnh tụ kính yêu vĩ đại, lớn lao từ những điều nhỏ nhất được thể hiện trong bài “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân”.

Tứ thơ là câu chuyện Bác về thăm quê sau 50 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đã lãnh đạo đất nước thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Bác về thăm lại làng Sen thân yêu nơi mình đã sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm, bao kí ức, bao sâu lắng bồi hồi. Tên bài thơ như một mệnh đề khẳng định để từ đó lan tỏa những hình ảnh thuyết phục, đồng cảm: “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân”.

Sự vận động cảm xúc của bài thơ theo trục tuyến tính nhưng trường liên tưởng lại tỏa ra nhiều mạch nhánh đan xen giữa quá khứ và hiện tại để vươn tới một tầm văn hóa tương lai. Thật xúc động khi nghe Bác nói: “Bác không phải là khách, Bác đi về nhà Bác”. Đó là sự trở về trong tình cảm lớn lao, gần gũi của một vị lãnh tụ về với nhân dân, về với làng quê thân thiết, bao cảnh vật thiên nhiên quen thuộc.

Và cũng chỉ một hành động nhỏ: “Bác nhổ rào, đi lối những ngày xưa” thật hồn hậu, thật tự nhiên, thật tin cậy nhường nào. Cả một không gian văn hóa của kí ức ùa về thật cụ thể mà sinh động biết bao, quấn quýt bên Người. Đó là: Cánh diều nhỏ, cái gáo dừa, chum nước trắng hoa cau, cây mít; là giếng Cốc, lò rèn cố Điền… Tất cả vẫn vẹn nguyên gợi nhớ những tháng năm tuổi nhỏ, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và tạo ra khí phách mang truyền thống hùng khí anh hùng Đinh Bộ Lĩnh:

“Đỉnh núi Chung chăn bò, cùng bạn bè một thuở

Chí anh hùng phơ phất ngọn cờ lau”

Bằng bút pháp tự sự xen lẫn trữ tình, nhà thơ đã tái hiện khách quan chân thực những tư liệu sống có sức ngân rung lay động sâu xa trái tim người đọc. Không gian văn hóa làng Sen ấy còn có cả đậm đà phi vật thể. Đó là nguồn mạch ca dao, dân ca đã ngấm vào Người như một bầu sữa ngọt ngào ân tình mà giàu sức gợi cảm, nhân lên tình yêu quê hương đất nước từ:

“Làng quê nhỏ bập bùng sân ánh lửa

Đêm phường vải, mắt người gieo câu ví

Ánh trăng ngời vạt áo lúc chia tay...”

Tôi rất thích hình ảnh: “Mắt người gieo câu ví” có gì vừa nồng nàn vừa kín đáo vừa đằm thắm tươi trẻ với một giăng mắc tơ duyên, một hẹn hò lặng lẽ, một bâng khuâng xao xuyến. Chính những cung bậc rung cảm này càng làm nổi bật tình cảm của Người với quê hương xứ sở, với những điều sâu thẳm tinh tế nhất.

Bác Hồ đã sống một cuộc đời thanh cao và giản dị vô cùng với ước muốn của Người:

“Đừng khoanh rộng những điều không phải lẽ!

Đừng huyền thoại thay cho điều giản dị

Khiến Bác thành xa lạ giữa quê hương!”

Ở đây, ta có cảm giác không phải là thơ nữa mà là những tâm tình được đúc kết, những chiêm nghiệm rất đỗi chân thành mà có sức thuyết phục. Sự trường tồn vĩnh hằng của Người đã thấm tạc vào mỗi dáng sông, hình núi. Cấu tứ bài thơ được phát triển nhất quán, logic trong mạch cảm xúc thành kính thiêng liêng: “Bác từ Làng Sen về với Núi Sông” giữa cõi trường sinh của: “Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở” nên: “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân!”.

Bài thơ khép lại nhưng ý tưởng và hình ảnh đạo đức phong cách sống của Người vẫn sống mãi trong lòng nhân dân cả nước, trong lòng nhân loại bằng sự hóa thân của vĩ nhân vào quê hương, vào Tổ quốc như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng ca ngợi:

“Trong trang sách mỗi em thơ đều có Bác

Tổ quốc ấy hình hài là di chúc

Ta nghe tiếng Người trong mỗi điệu dân ca”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ