Đến với bài thơ hay: Miền thiêng liêng tháng Bảy

GD&TĐ - “Ru nôi” là bài thơ dành cho thiếu nhi với đề tài khai thác không mới nhưng đặc biệt.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Ngọc Hưng

Ru nôi

Ru cái cò lặn lội

Ru chim vịt kêu chiều

Ru con tằm chín đỏ

Ngủ ngoan nào, cháu yêu!

Gió nhón chân nhè nhẹ

Lưng trời rón rén mây

Dịu dàng ông đưa bé

Bằng đôi vai guộc gầy.

Hai cánh tay tuổi trẻ

Ông gửi lại chiến trường

Để bây giờ các cháu

Có đất trời quê hương...

Dù đưa nôi ru trẻ

Vai chẳng khéo bằng tay

Ấm tình ông che chở

An lành bé ngủ say!

Xưa nay, các nhà thơ, nhà văn đều tập trung khai thác vào lời ru của bà, của mẹ hay của chị, ít ai viết về lời ru của ông và bố. Thế nhưng, bằng trái tim yêu thương con trẻ, bằng sự quan sát tỉ mỉ xung quanh cuộc sống đời thường, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã khắc họa bức chân dung về người ông là thương binh ngồi bên nôi hát ru cho cháu ngủ thật thiêng liêng, ấm áp và xúc động biết bao.

Khổ thơ đầu tiên là những hình ảnh quen thuộc trong ca dao, tục ngữ, bài hát Việt Nam mà ở đó hiện lên tình cảm của người con nhớ mẹ như chim vịt kêu chiều, hiện lên bóng hình của bà, của mẹ lặn lội, tảo tần trên đồng sâu ruộng cạn như thân cò cõng mưa, cõng nắng, như con tằm rút ruột nhả tơ cho đàn con được no cơm, ấm áo.

Lời ru không chỉ là giai điệu du dương đưa cháu vào giấc mơ êm đềm, đẹp đẽ mà còn là nỗi ước mong, khao khát gieo lên cánh đồng tâm hồn con trẻ hạt giống của lòng thánh thiện, sự biết ơn và trân quý, yêu thương đối với người thân yêu, ruột thịt của đấng sinh thành.

Tác giả thật tinh tế và khéo léo khi lựa chọn, chắt lọc những tinh hoa trong kho tàng đồ sộ của ca dao, tục ngữ Việt Nam để mở đầu thật súc tích và ấn tượng, chạm ngay vào miền cảm xúc thiêng liêng của trái tim người đọc khiến họ cuốn theo từng câu chữ và tự hỏi: Có điều gì thú vị tiếp theo đây?.

Rồi khi đọc những câu thơ:

“Gió nhón chân nhè nhẹ

Lưng trời rón rén mây

Dịu dàng ông đưa bé

Bằng đôi vai guộc gầy”

Lòng ta trào dâng nỗi nghẹn ngào trước tình yêu thương vô hạn ấy. Mỗi chữ, mỗi từ là một cung bậc yêu thương bao la mà ông dành cho cháu nhỏ.

Chỉ với hai câu thơ 5 chữ mà người viết vận dụng tối đa sự tuyệt diệu của phép tu từ nhân hóa, ẩn dụ và từ tượng hình, tượng thanh để lột tả trọn vẹn tình cảm thiêng liêng của một đấng sinh thành. Là gió nhón chân, là mây rón rén hay chính là từng cử chỉ, thao tác cố nén mình cho thật khẽ, thật êm của ông khi đưa nôi để cháu được ngủ thật ngon trong không gian tĩnh lặng, êm đềm nhất.

Các động từ, từ tượng hình và tượng thanh như “nhón”, “rón rén”, “nhè nhẹ”, “dịu dàng” được chắt lọc một cách tinh tế nhất, bổ sung, hỗ trợ cho nhau để diễn tả sự chăm chút, nâng niu, âu yếm, ân cần mà đôi vai guộc gầy ông dành cho cháu thật làm ta cảm phục biết bao.

Và câu cuối khổ thơ “bằng đôi vai guộc gầy” cũng mở ra cho người đọc nhiều chiều suy ngẫm. Vì sao lại bằng đôi vai chứ không phải đôi tay, vì sao lại guộc gầy, vì sao ông lại làm công việc mà đáng ra bà và mẹ thường hay làm nhỉ?.

Không bắt người đọc phải chờ đợi lâu, tác giả giải đáp ngay điều ấy. Đó là:

“hai cánh tay tuổi trẻ

ông gửi lại chiến trường

để bây giờ các cháu

có đất trời quê hương”

Đành là ông tàn tật, mất đi thứ tài sản quý nhất trên thân thể nhưng cái cách mà ông hy sinh sao nhẹ nhàng đến thế. Là “gửi” chứ không phải bỏ hay mất. Đó là một sự tự nguyện dâng hiến, sự hy sinh quên mình không hối tiếc để gìn giữ đất trời quê hương cho các cháu.

“Gửi” có nghĩa cất, là dành dụm, là không vĩnh viễn mất đi mà còn trường tồn mãi mãi trong màu xanh cây trái, trong màu cờ, sắc áo của non sông, trong nụ cười vui tươi của đàn con cháu và lòng ông luôn cảm thấy mãn nguyện, tự hào.

Ông là đại diện của lớp người yêu nước, thương nòi, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền dân tộc, độc lập tự do cho con Lạc, cháu Hồng.

Mỗi khi đất nước mừng kỉ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của cha ông, hình ảnh những người chiến sĩ năm xưa vào sinh ra tử nơi chiến trường bom rơi, đạn lạc lại khiến lòng ta bồi hồi niềm thương, nỗi nhớ.

Giữa đất trời quê hương từng ngày đổi mới, giữa cuộc sống thanh bình hạnh phúc, ấm no, nhà nhà vang tiếng cười vui còn sót lại đâu đó hình ảnh người thương binh già nua, còm cõi, thân thể tật nguyền vẫn âm thầm chịu đựng đớn đau, dành chút sức lực cuối cùng để phụ giúp người bà, người mẹ chăm lo cho đàn cháu nhỏ là bức tranh vô cùng xúc động.

Và bài thơ là một sự phát hiện tinh tế, sâu sắc về điều thiêng liêng ấy mà tác giả vẽ bằng ngòi bút tài hoa, khắc họa thành công tấm gương sáng ngời về đức hạnh cho hậu thế noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.