Đến với bài thơ hay: Nhân lên khúc khải hoàn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà thơ Chính Hữu là một người lính tham gia trực tiếp cầm súng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Chính Hữu

Thư nhà

Một lá thư nhà

hôm nay ta đọc

Trong chiến hào chuẩn bị tiến công,

Ta mới hiểu thêm

từng chữ, từng dòng

Chưa bao giờ hiểu hết,

Ta mới biết

Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông,

Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết.

Thư người hậu phương gánh gạo

đưa chồng,

Hai vai khó nhọc,

Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét

Như gồng như gánh dân công,

Ánh mực lập loè đường xa lửa đuốc.

Lặn lội đi theo cả nước

Lên đây đánh giặc cùng ta

Đêm nay ở đâu?

lưng đèo?

cuối dốc?

Một lá thư nhà

Chia đôi nhiệm vụ

Hai người đoàn tụ

Hai đầu chiến công.

(1954-1961)

Ông được chứng kiến sự khốc liệt của chiến trường, sự hy sinh của đồng đội và đã viết nên bài thơ “Giá từng thước đất”. Nếu bài thơ như một điệu thức trưởng trong không gian bi tráng của khói lửa chiến tranh thì “Thư nhà” như một gam điệu thứ làm lắng dịu bao cung bậc tâm trạng.

“Thư nhà” là một chứng kiến, một phát hiện khá tinh tế đằm thắm sâu sắc tình cảm vợ chồng của người vợ dân công hỏa tuyến gửi đến người chồng đang ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Đó cũng là nét riêng của chiến dịch Điện Biên Phủ cả nước cùng ra trận, hậu phương tiếp viện cho chiến trường bằng tất cả các phương tiện như xe đạp thồ, gồng gánh chi viện sức người sức của để làm nên chiến thắng vang dội lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Bài thơ như một âm bản không trực tiếp miêu tả cuộc chiến mà bằng thủ pháp liên tưởng so sánh để nêu bật được ý chí và hào khí, không khí sục sôi những ngày ấy mà cũng rất lãng mạn.

Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu rất bình dị thân thiết, gần gũi yêu thương: “Một lá thư nhà hôm nay ta đọc

Trong chiến hào chuẩn bị tiến công”.

Ở đây, nhà thơ dùng đại từ danh xưng “ta” như muốn nói rằng đây không chỉ là lá thư của một người mà là tình cảm của hậu phương lớn đến với tiền tuyến lớn vừa nâng niu trân trọng vừa chia sẻ cảm thông.

Từ một lá thư nhà tâm trạng của người lính được nâng lên cụ thể đến khái quát với một tầm nhìn, tầm nhận thức mới: “Ta mới hiểu thêm từng chữ, từng dòng”. “Chữ” và “dòng” đã không còn là tình cảm riêng tư nữa mà hòa với khí thế chung, tình cảm lớn chứa chan gửi gắm với những chiều kích mới không chỉ của tâm trạng con người mà còn nới rộng biên độ địa lý:

“Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông,

Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết”.

Tất cả những hình ảnh đan xen đó đã tạo nên tấm phông lớn để ống kính tâm hồn cận cảnh được:

“Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng

Hai vai khó nhọc

Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét

Như gồng như gánh dân công”.

Ở đây, ta chú ý thời điểm này phần đông nhân dân ta vừa thoát nạn mù chữ bằng những lớp bình dân học vụ, vì thế nét chữ của người vợ mới tập viết chưa được nắn nót mà còn xiêu vẹo.

Nhưng cái hay của thi ảnh là nhà thơ liên tưởng với “gồng gánh dân công” viết trong đêm “Ánh mực lập loè đường xa lửa đuốc”. Tứ thơ khắc nét giàu tính hội họa vẽ nên những chập chùng gian khó của con đường tiếp viện lên mặt trận.

Những câu hỏi: “Đêm nay ở đâu? Lưng đèo? cuối dốc?” như những bậc thang dốc của khí thế: “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ - Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” (Tố Hữu) đã hòa âm thành một bản giao hưởng đồng lòng, đồng sức tất cả cho mặt trận. Đó là một Điện Biên Phủ tạo ra sức mạnh bàn đạp tấn công nuôi những bào thai chiến dịch để cho mặt trận trút xuống đầu thù những đòn sấm sét. Một “Điện Biên Phủ” của cả một hậu phương và cụ thể hơn là những người phụ nữ cũng lên đường tiếp viện không còn là hình ảnh chinh phụ tựa cửa đợi chồng.

Thơ Chính Hữu thường kiệm lời, những ý tưởng đan xen tạo ra sức lan tỏa, sự hào sảng. Ngôn ngữ thơ giàu tính tượng hình và nhạc điệu thơ có sức cuốn hút ma lực tạo ra một trường thơ độc đáo. Sự vận động cảm xúc luôn bất ngờ, đặc biệt là kết cấu của bài thơ ở khổ thơ cuối:

“Một lá thư nhà

Chia đôi nhiệm vụ

Hai người đoàn tụ

Hai đầu chiến công”.

Dư âm của bài ca tình nghĩa, bài ca ra trận, bài ca chiến thắng đã thành một thanh âm của hạnh phúc của tình yêu từ hai đến một, từ riêng đến chung, đó chính là tổng thành của số cộng, của niềm tin để nhân lên khúc khải hoàn ca chiến thắng Điện Biên Phủ âm vang và bất diệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.