Đến với bài thơ hay: Một tiếng nấc nghẹn

GD&TĐ - Tiếng nấc nghẹn trong cái ngày anh đã mất em, ngày em tham phú phụ bần, ngày em không còn yêu anh nữa...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Khoa Điềm

Có một ngày

Có một ngày em không yêu anh

Em đi thật xa

Và mặc chiếc áo

Anh chưa từng thấy bao giờ

Em mang cái cười

Bằng ánh sáng của cái hôn khác

Chia niềm vui, nỗi buồn

Trong màu mưa khác

Những buồn vui anh không có được bao giờ...

Có một ngày

Em đầy hạnh phúc

Ngày em không yêu anh

Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy

Và chiếc áo sờn vai ấy

Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc

hàng ngày

Em xóa mình đi

Bằng chiếc khăn màu thơm ngát.

Cái ngày đó

Anh sẽ bắt đầu

Với anh

Những bước chân ngày đón em

Anh - một chàng trai

Với màu tóc khác

Riêng năm tháng cuộc đời

Thì vẫn như xưa...

(12/1982)

Nhớ đến Nguyễn Khoa Điềm là tôi nhớ ngay đến thi phẩm “Có một ngày”:

“Có một ngày em không yêu anh

Em đi thật xa

Và mặc chiếc áo

Anh chưa từng thấy bao giờ

Em mang cái cười

Bằng ánh sáng của cái hôn khác

Chia niềm vui, nỗi buồn

Trong màu mưa khác

Những buồn vui anh không có được bao giờ...”

Tôi rất muốn gọi cái ngày mà nhà thơ đã phát hiện ra sự thật phũ phàng là ngày được mang tên “Định Mệnh”. Ngày định mệnh là ngày em không còn của riêng anh nữa, ngày anh đã vĩnh viễn mất em ở cõi đời này. Em vẫn còn đó, vui niềm vui, buồn nỗi buồn cùng người khác nhưng tình hai ta thì thật sự đã chết rồi.

“Chiếc áo” mà thi nhân nói ở đây, tôi tin nó “ôm đồm” cả nghĩa đen lẫn bóng. Hiểu theo nghĩa nào cũng được. Mà hiểu theo cả hai nghĩa cũng chẳng hề sai: Em đi với người đàn ông khác, em mặc chiếc áo thật đẹp thật thời trang, chiếc áo lạ lẫm mà “anh chưa từng thấy bao giờ”. Và, thay áo cũng có nghĩa là thay tình, một sự mặc định, ví von mà nhân gian từ bao đời nay đã ám chỉ, dành cho những con người bội bạc.

“Có một ngày

Em đầy hạnh phúc

Ngày em không yêu anh

Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy

Và chiếc áo sờn vai ấy

Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày

Em xóa mình đi

Bằng chiếc khăn màu thơm ngát”

Đọc đoạn thơ này, lòng ta quặn thắt, tâm tư trĩu nặng, rưng rưng. Ta đau nỗi đau cùng thi nhân, ta buồn nỗi buồn cho nhân tình thế thái. Và, ta cũng dám quả quyết rằng họ chính là vợ chồng của nhau chứ chẳng phải đang trong giai đoạn yêu đương, hò hẹn. Những chi tiết như “mái nhà xưa cũ”, “chiếc áo sờn vai ấy”... đã nói lên điều đó.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Bao trùm lên tất cả mọi yêu thương mà nhà thơ đã dành cho người vợ của mình bằng câu thơ đầy thương cảm, thiết nghĩ khó có thể viết hay hơn được nữa: “Anh đã từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày”.

“Cái ngày đó

Anh sẽ bắt đầu

Với anh

Những bước chân ngày đón em

Anh - một chàng trai

Với màu tóc khác.

Riêng năm tháng cuộc đời

Thì vẫn như xưa”

Ôi, cái ngày anh đã mất em, anh bỗng “được” hoàn nguyên lại thời trai trẻ. Từng bước chân của anh lại gõ nhịp trên những nẻo đường xưa. Anh đi đón em trong tưởng tượng, trong huyễn hoặc chính mình, y như thể “những ngày xưa thân ái”, ngày hai ta tay trong tay, hạnh phúc bên nhau.

Vẫn là anh đây - chàng trai trẻ của ngày nào với trái tim yêu cháy bỏng. Cuộc đời dường như chẳng có gì thay đổi. Chỉ khác là, giờ đây, mái tóc của anh đã không còn xanh nữa, tóc đã đổi màu quá nhanh bởi thời gian khắc nghiệt, bởi hệ lụy đau buồn...

Có thể thấy, thể thơ tự do được phát huy hiệu quả trong “Có một ngày”. Từng câu thơ dài, ngắn xuống dòng đắc địa, nhịp thơ thể như tiếng nấc nghẹn của thi nhân. Tiếng nấc nghẹn trong cái ngày anh đã mất em, ngày em tham phú phụ bần, ngày em không còn yêu anh nữa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.