Đến với bài thơ hay: Góc nhìn sáng tạo

GD&TĐ - Mẹ là con đường kì diệu dẫn lối, nâng bước con đi từ những bước đi đầu tiên êm đềm nhất.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Phan Tuấn Bảo

Con đường và mẹ

Con đường sáng hôm nay

Cây xanh tỏa bóng mát

Như mẹ cười dịu dàng

Xua tan ngàn cơn khát

Còn vào khi đêm tối

Cây lá ngủ say sưa

Con đường vẫn thức chờ

Chú chim non say ngủ

Em muốn mình đi mãi

Trên con đường thênh thang

Giữa xanh thẳm bạt ngàn

Tình yêu thương của mẹ

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào/Tình mẹ tha thiết như dòng suối biển ngọt ngào/Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào…”

Và: “Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu/ Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ/ Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ”...

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân vang lên làm trái tim người nghe rưng rưng xúc động. Bởi những gì đẹp đẽ lớn lao nhất trên thế gian này đều được ông đưa vào để so sánh với tình cảm thiêng liêng, sự hy sinh cao cả mà tất thảy người mẹ trên thế gian này dành cho con cái.

Chúng ta càng yêu và biết ơn mẹ bao nhiêu càng thán phục sự sáng tạo tài ba của người nhạc sĩ bấy nhiêu.

Tuyệt phẩm ấy vang lên, ta ngỡ như trên đời không còn gì tuyệt vời như thế nữa để so sánh với tình yêu thương của mẹ. Vậy mà, bạn nhỏ Phan Tuấn Bảo, học sinh lớp 6/1 Trường THCS Lê Văn Thiêm, TP Hà Tĩnh đã có một góc nhìn đầy sáng tạo khi so sánh hình tượng mẹ với con đường, chạm đến trái tim người yêu mến thơ ca.

Con đường là một khái niệm rộng, bao hàm nhiều ý nghĩa. Đó là không gian để con người đi lại hiện hữu ngay trước mắt ta, là tượng trưng cho đường đời buồn vui, sướng khổ của một kiếp người, là hướng đi quyết định vận mệnh của một quốc gia, dân tộc... Nó là thứ dẫn dắt ta từng bước đi cả đôi chân và khối óc trong suốt cuộc đời mình.

Càng ngẫm về con đường, ngẫm về mẹ, ta càng ngưỡng mộ sự tư duy của một cậu bé mới hơn mười tuổi, chưa kinh qua gian khó cuộc đời.

Bảo mở đầu bài thơ bằng vẻ đẹp diệu kì của con đường thực để làm đòn bẩy so sánh với sự hy sinh âm thầm của mẹ:

“Con đường sáng hôm nay

Cây xanh tỏa bóng mát

Như mẹ cười dịu dàng

Xua tan ngàn cơn khát

Còn vào khi đêm tối

Cây lá ngủ say sưa

Con đường vẫn thức chờ

Chú chim non say ngủ”

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Buổi sáng, khi chú bé đi trên con đường rợp bóng cây xanh, tận hưởng bầu không khí mát lành mà con tim liên tưởng đến nụ cười của mẹ ở nhà. Nụ cười ấy không chỉ đẹp mà dịu dàng đến nỗi “xua tan ngàn cơn khát” cho em trong mọi lúc nắng nôi oi bức và mệt mỏi.

Chọn số từ “ngàn” chứ không phải là “từng” để diễn tả trong trường hợp này là một sự lựa chọn thông minh khi bạn ấy muốn khái quát và nhấn mạnh tình yêu vô bến, vô bờ của mẹ

Còn khi đêm tối, Bảo lại có những câu thơ thật nhiều chiêm nghiệm. Cây lá ngủ say sưa là đại diện cho tất cả vạn vật ở xung quanh. Khi cảnh vật đã im lìm chìm vào giấc ngủ thì con đường vẫn thao thức chờ đợi chú chim non say ngủ.

Con đường ở đây chính là mẹ và chú chim non chính là những đứa con đang thời kì thơ ấu. Đứa trẻ nào chẳng quấy khóc, làm tội mẹ vào những đêm khuya chứ. Nhưng những người mẹ cứ chờ đợi, thao thức để vỗ về dành dỗ đến lúc nào con ngủ thật say thì mình mới yên tâm chợp mắt. Hình ảnh ấy tuy không thật mới lạ nhưng với cảm nhận của một cậu bé lên mười thì quả là đáng ngưỡng mộ biết bao.

Miêu tả không gian, thời gian rồi liên tưởng để sau cùng thốt lên khao khát của mình là muốn đi mãi trên con đường thênh thang tình yêu thương của mẹ. Phép ẩn dụ xuyên suốt bài thơ như cánh cửa thần kì lôi cuốn người đọc vào trường liên tưởng thú vị giữa ý nghĩa của khái niệm con đường và công ơn, đức hy sinh của mẹ.

Mẹ là con đường kì diệu dẫn lối, nâng bước con đi từ những bước đi đầu tiên êm đềm nhất. Chỉ cần có mẹ, mọi con đường dù chông gai, thử thách, nghiệt ngã đến bao nhiêu con cũng sẽ vượt qua.

Tình yêu của mẹ là ánh hào quang dẫn con đi về phía Mặt trời. Nỗi khát khao của Bảo nói lên tình yêu cậu bé dành cho mẹ, nhưng vì sao em phải muốn. Bởi mẹ của chúng ta không thể sống mãi cùng con được mà đến một ngày rồi mẹ phải rời xa. Vậy nên câu thơ còn mang thông điệp nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe lời mẹ, hiếu thảo, nâng niu từng phút giây được bên mẹ trong đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ngày tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón hàng chục đoàn du khách từ khắp nơi tìm về mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn học sinh cùng thầy cô giáo. Ảnh minh họa: ITN

Cảm thụ văn học: Khúc tráng ca bất tử

GD&TĐ - Với lòng xúc động và cảm kích về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, nhà thơ Vương Trọng đã sáng tác “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”...

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Tri ân những mất mát, hy sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, trường học đã có nhiều hoạt động để lan tỏa lòng biết ơn đến gia đình có công.

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...