Lời bình của Đặng Toán
Ai đã từng đến đồng sen vào thời điểm cuối vụ, lúc mà mùa sen đã bắt đầu tàn úa, hẳn không tránh khỏi cảm giác hẫng hụt xen lẫn nuối tiếc. Vì khi mà chỉ mới mấy ngày trước thôi, cả một đồng sen mênh mông với “nhị vàng bông trắng lá xanh”, giờ chỉ còn những chiếc lá sém vàng, sạm đen rũ gục xuống mặt nước.
Những đài gương trơ trụi, lác đác vài chiếc còn sót lại mấy cánh hoa đã bắt đầu nhăn nhúm, lả tả bay theo làn gió. Nhưng riêng có một thứ hầu như không mất đi, vẫn thơm thoảng dịu dàng, quyến luyến đâu đây như chẳng nỡ rời xa cái nơi mà nó đã được sinh ra - Đó chính là mùi hương:
“Cánh tàn hương vẫn còn lưu
Còn bâng khuâng biết bao nhiêu nồng nàn”.
Đến với cánh đồng sen, mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra mùi thơm rất riêng còn lưu giữ lại khi sen mới vừa tàn cánh. Nhưng với riêng nhà thơ, với tâm hồn nhạy cảm bỗng chợt nghe lòng man mác, ngậm ngùi bởi nhận thấy, cái mùi hương da diết kia như còn muốn nói nhiều hơn thế.
Phải tinh ý lắm người thơ mới có thể “đong đếm” được, để thấy ngoài hương thơm dịu dàng ấy, sen “còn bâng khuâng biết bao nhiêu nồng nàn”. Vậy là chỉ với một từ láy “bâng khuâng” được đặt rất đúng chỗ, đã khiến sen như được mang tâm trạng của con người, biết lưu luyến, biết nâng niu những giá trị tinh thần hết sức quý giá và thuần khiết.
“Con người trên khắp thế gian
Học sen, học cả cách tàn của sen”.
Hoa sen đã được chọn là quốc hoa của Việt Nam. Chỉ những quốc gia mang khí hậu nhiệt đới mới có loài hoa này. Bởi vậy, sẽ có độc giả bắt bẻ câu “Con người trên khắp thế gian” là chưa sát thực tế lắm. Song thiển nghĩ, thơ được phép thậm xưng, tức nói quá lên một chút. Đó là điều có thể chấp nhận được.
Trở lại văn bản thơ. Trước nay, hẳn là có rất nhiều người cũng muốn học theo sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nhưng học “cách tàn của sen” thì bây giờ, chắc mới chỉ có nhà thơ Ánh Tuyết nói đến.
Nghe thì đơn giản, song đó là nỗi khát khao cả một đời người có khi cũng không đạt được. Sen tàn để lại hương thơm, người “tàn” để lại tiếng thơm. Tới được điều đó thì cuộc đời của con người ta mới thực sự có ý nghĩa.
Kể chuyện sen tàn nhưng không chủ đích nói về giai đoạn kết thúc vòng sinh trưởng của một loài hoa trong quy luật phát triển tự nhiên. Nhà thơ Ánh Tuyết muốn qua đó diễn tả nỗi bâng khuâng, tiếc nuối của lòng người trước những dự định, những khát khao còn chưa kịp thực hiện, cùng mong ước cũng như nhắn gửi con người hãy biết sống có ích, có ý nghĩa trong thế gian này.
“Sen tàn” là một bài thơ tứ tuyệt. Nếu được phép góp ý tôi vẫn muốn tác giả đổi tên bài thành “Học sen” để tác phẩm vừa có sự chặt chẽ hơn về cấu tứ vừa giầu sức gợi, phù hợp khi đề cập đến một loài hoa đẹp, đã có mặt từ rất lâu trong kho tàng văn học nghệ thuật của dân tộc.
Nhưng có thể tác giả cố ý đặt nhan đề như vậy để tạo yếu tố bất ngờ cho câu kết? Điều cũng rất cần có trong một thi phẩm viết theo thể loại này.