Đến với bài thơ hay: Khát vọng vượt qua chính mình

GD&TĐ - Nhà thơ có đủ nội lực để điều binh khiển tướng con chữ không khi mỗi một câu thơ đòi hỏi sức chịu đựng, độ nén kinh người đến như thế?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đinh Nho Tuấn

Tôi thách tôi

Đặt tay lên câu thơ thấy ta vẫn thở

Nặng nhọc khò khè tự do

Mỗi một bài thơ như sinh tử

Danh dự lấy chữ làm thước đo

Sờ vào câu thơ, sờ vào lửa nóng

Không may lửa táp cháy vào xương

Khi dây thép gai hoà vào không khí

Phổi nhà thơ hít thứ khó lường

Tôi vẫn viết như ngày mai tuyệt chủng

Đâu phải trêu ngươi, tôi tự thách mình

Bớt màu mè, xanh vàng tím đỏ

Thêm cái riêng, không lẫn bởi cái chung

Bài thơ về tự do dậy thì cảm xúc

Như mưa xuân, như hoa lá đâm chồi

Cuộc đời tự do là huyền thoại

Xin kể cho người bằng cách của tôi.

Xưa nay từng nghe người ta thách đố với ai đó, thách bạn bè, thách đối thủ chứ tuyệt nhiên chưa từng nghe mình tự thách mình bao giờ! Bởi thế, bài thơ “Tôi thách tôi” tựa đề nghe là lạ có thể được xem như một tuyên ngôn về lối viết cần phải làm mới mình trong thi ca của nhà thơ Đinh Nho Tuấn.

Ngay từ khổ thơ đầu, tác giả đã cho xuất hiện ý thơ rằng, bài thơ phải được xem như một sinh thể sống, có sinh có tử “mỗi một bài thơ như sinh tử”.

Quan điểm thẳng tưng, ý thơ rõ ràng ngay từ đầu là cốt cũng chỉ muốn bộc bạch chữ nghĩa thi ca đâu chỉ là thần thái mà nó còn là sức vóc, danh dự và cả trách nhiệm nữa chăng? Bởi thế, danh dự chữ nghĩa đã được đẩy lên rất cao, nó được xem như là một thứ giá trị hàng đầu cho thơ “danh dự lấy chữ làm thước đo”.

Ngẫm cũng phải thôi, câu chữ viết ra không phải bằng danh dự, không vì danh dự thì sao có thể gọi là một sinh thể sống mà tồn tại? Vẫn biết công việc viết văn, làm thơ không hề dễ mà rất “nặng nhọc”. Do đó, ngay từ dòng thơ đầu tiên, sự tách mình ra để cảm, để viết, để tác tạo sao cho ra một tác phẩm ưng bụng, có sức sống đã được lưu ý “đặt tay lên câu thơ thấy ta vẫn thở” là cũng thấy nằng nặng trách nhiệm với thi ca rồi.

Sang đến khổ thứ hai thì thơ được nhìn bằng con mắt của sự thử thách: “sờ vào câu thơ, sờ vào lửa nóng”. Đó là sự so sánh tỉnh lược nhưng vẫn lộ ra cái nghĩa rằng sức nóng và cũng là sức ép của thơ, sức cập nhật thế sự cuộc sống của thơ quả là rất lớn. Nhà thơ có đủ nội lực để điều binh khiển tướng con chữ không khi mỗi một câu thơ đòi hỏi sức chịu đựng, độ nén kinh người đến như thế?

Hình ảnh ẩn dụ “khi dây thép gai hòa vào không khí” là cách nói lấy hình ảnh chiến tranh, sự ngăn cách con người xã hội đang hiện hữu như một phần của cuộc sống này thì liệu anh sẽ hít thở nó ra sao khi hiện hữu ấy là cả một thực tại đầy thử thách “phổi nhà thơ hít thứ khó lường”?. Một cách đặt vấn đề rất độc đáo, giàu thi ảnh cho những lúc nhà thơ đối mặt với cuộc sống và thể hiện nó ra sao bằng câu chữ? “Khó lường” diễn tả rất hay những trăn trở, suy tư về con người, về cuộc sống mà thi nhân (và tất cả chúng ta) đang phải đối mặt với bao nhiêu những thứ oái oăm thậm chí là nghịch cảnh để vượt qua đặng tồn tại mà vươn lên.

Ý thơ như một nốt lặng để lắng suy. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng bình yên, lặng lẽ! Nếu thi nhân không thể nhìn thẳng vào cuộc sống để đối mặt với nó hàng ngày thì sao anh có thể viết ra được những dòng thơ gan ruột? Một sự thách thức đã bắt đầu thấy ló dạng “khi dây thép gai hòa vào không khí/ phổi nhà thơ hít thứ khó lường”.

Cái quan trọng là một khi anh đã “hít thở” nó, có nghĩa là anh đang sống với nó, đồng hành, đồng hiện với nó thì anh phải xử lí nó như thế nào và ra làm sao thôi, có phỏng?

Sang khổ thơ thứ ba ý thơ xoay quanh nội dung phải viết như thế nào, viết ra sao được bật ra như những câu hỏi thường trực và riết róng cho thi nhân. Điều này, phía trên đã sẵn đà phóng thì ý thơ phía dưới phải tung mình lao theo cái thế ấy mà thể hiện ra bằng thi ảnh.

Rõ ràng, ý thơ không mới nhưng vẫn có cái đáng cho chúng ta chú tâm. Viết và viết mặc cho cuộc sống có thế nào, có thể “ngày mai tuyệt chủng” thì nhà thơ vẫn viết. Cái đam mê ấy là hẳn rồi, vì nếu không có đam mê viết lách thì nhà thơ sao có thể tạo ra câu chữ có hồn mà mơ đụng đến trái tim con người? Nhu cầu thể hiện bản thân được nhắc đến rằng “tôi” viết “đâu phải trêu ngươi, tôi tự thách mình”.

Thách thức để vượt qua mình, róc tỉa bớt đi những cái không cần thiết “bớt màu mè, xanh vàng tím đỏ” là cũng để nhắm đến cái đích chung của tất cả những ai từng cầm bút (hoặc gõ phím) “thêm cái riêng, không lẫn bởi cái chung”. Đích ấy luôn luôn vẫy gọi mỗi người viết. Thì tất nhiên, đến đây khát vọng viết đã bật ra khá rõ, anh không viết để có được tiếng nói cho riêng anh trong trập trùng cái chung kia thì anh khó có thể tồn tại trong nỗi khát khao thể hiện được là mình! Một khao khát đâu chỉ cho riêng ai, khát khao ấy là một khát khao định vị được mình, nó ẩn chứa mục tiêu phải đạt được trong công việc viết lách mà đam mê câu chữ đang hàng ngày thúc bách.

Do thế, lời thơ chân tình và reo vui ở đoạn kết trong cái cách ngộ giải: “bài thơ về tự do dậy thì cảm xúc/ như mưa xuân, như hoa lá đâm chồi/ cuộc đời tự do là huyền thoại/ xin kể cho người bằng cách của tôi”. Hướng đi là ở chỗ này, thơ luôn mới và có thể sẽ hay nếu cảm xúc khi viết luôn được đặt vào cái thế “dậy thì”.

Cảm xúc tươi ròng kia “như mưa xuân”, “như hoa lá đâm chồi” là cũng để ngợi ca và tỏa xanh “cuộc đời tự do và huyền thoại” này mà thôi. Đương nhiên, nền tảng ấy phải được “kể cho người bằng cách của tôi” là lời thơ muốn khẳng định lại một lần nữa, viết ra sao, viết như thế nào cho ra cái chất riêng tư đó vậy. Sản phẩm thi ca kia đặt trong nền tảng của cảm xúc, của chất tươi ròng cuộc đời và của cách nói riêng mình thì chắc chắn mong ước ấy sẽ là một thách thức không hề đơn giản cho mỗi một thi nhân. Một cách dọn đường và tuyên bố như một lời hứa là rất đáng cho chúng ta trân trọng và suy ngẫm!

Cũng cần nhắc lại điều này, nếu phía trên là thách thức thì phía dưới là lời tự hứa. Hứa với lòng mình để quyết tâm hơn thôi. Bởi thế, lời thơ tuôn trào đấy nhưng vẫn thấy bóng dáng của sự hô ứng một cách nhịp nhàng đấy. Giãi bày và quả quyết. Chặt chẽ trong cái tâm thế thách thức rất lạ đã tạo ra tứ thơ độc đáo “tôi thách tôi”. Do vậy, giọng thơ đẫm chất suy tư, đôi chỗ phảng phất giọng trải nghiệm, nhịp chậm rãi diễn tả rất hay sự tìm tòi được đặt trong cái thế “tự thách” mình.

Một bài toán khó nhưng hứa hẹn sẽ có đáp số giải bài hay. Giọng thơ lim rim suy tư, lời thơ vừa đủ mềm để cho sự quả quyết bung dậy. Do thế, có cảm giác lí tính và cảm xúc song hành đã làm cho bài thơ thêm thú vị hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.