Đến với bài thơ hay: Trẻ em là trung tâm của vũ trụ

GD&TĐ - Còn hạnh phúc nào hơn những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay của bà, của mẹ, được vỗ về, được nâng niu bằng tình yêu và sự hi sinh thầm lặng...

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Xuân Quỳnh

Chuyện cổ tích về loài người

Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác

Mắt trẻ con sáng lắm

Nhưng chưa thấy gì đâu!

Mặt trời mới nhô cao

Cho trẻ con nhìn rõ

Màu xanh bắt đầu cỏ

Màu xanh bắt đầu cây

Cây cao bằng gang tay

Lá cỏ bằng sợi tóc

Cái hoa bằng cái cúc

Màu đỏ làm ra hoa

Chim bấy giờ sinh ra

Cho trẻ nghe tiếng hót

Tiếng hót trong bằng nước

Tiếng hót cao bằng mây

Những làn gió thơ ngây

Truyền âm thanh đi khắp

Muốn trẻ con được tắm

Sóng bắt đầu làm sông

Sông cần đến mênh mông

Biển có từ thuở đó

Biển thì cho ý nghĩ

Biển sinh cá sinh tôm

Biển sinh những cánh buồm

Cho trẻ con đi khắp

Đám mây cho bóng rợp

Trời nắng mây theo che

Khi trẻ con tập đi

Đường có từ ngày đó

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng...

Biết trẻ con khao khát

Chuyện ngày xưa, ngày sau

Không hiểu là từ đâu

Mà bà về ở đó

Kể cho bao chuyện cổ

Chuyện con cóc, nàng tiên

Chuyện cô Tấm ở hiền

Thằng Lý Thông ở ác...

Mái tóc bà thì bạc

Con mắt bà thì vui

Bà kể đến suốt đời

Cũng không sao hết chuyện

Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ

Rộng lắm là mặt bể

Dài là con đường đi

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là trái đất...

Chữ bắt đầu có trước

Rồi có ghế có bàn

Rồi có lớp có trường

Và sinh ra thầy giáo...

Cái bảng bằng cái chiếu

Cục phấn từ đá ra

Thầy viết chữ thật to

“Chuyện loài người” trước nhất

Ai cũng biết rằng, trẻ em là trung tâm của cuộc sống, là nguồn hạnh phúc lớn lao của gia đình, là tương lai của xã hội, thế giới.

Một gia đình hạnh phúc, một xã hội phát triển, một thế giới văn minh sẽ dành sự ưu tiên mọi mặt cho lớp mầm non này.

Bài thơ “chuyện cổ tích về loài người” của nữ sĩ Xuân Quỳnh đã nhìn nhận vấn đề này một cách rất độc đáo, thú vị qua trí tưởng tượng phong phú và trái tim ấm áp, đầy yêu thương.

Mở đầu bài thơ là sự khẳng định:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con”

Như thế, sự có mặt của con trẻ ngay từ lúc sơ khai của trời đất đã cho thấy sự ưu tiên tuyệt đối. Cũng vì thế, có trẻ con thì tất cả cái “trụi trần”, cái tối tăm, cái không hoặc chưa có đều phải thay đổi.

Các khổ thơ tiếp theo, tác giả lý giải tất cả những sự xuất hiện và phát triển từ thiên nhiên, gia đình, xã hội đều nhằm phục vụ đối tượng đáng yêu, đáng trân trọng này.

Trước hết là hình ảnh thiên nhiên mang tầm vóc vũ trụ như mặt trời, mặt biển, gió, mây; rồi đến các sự vật gần gũi như cỏ cây hoa lá, chim chóc, âm thanh, màu sắc xanh đỏ, cá tôm, con đường là để “cho trẻ con nhìn rõ”, “cho trẻ nghe tiếng hát”, “cho trẻ con được tắm”, “cho trẻ con đi khắp”, cho hết thảy nhu cầu tinh thần vật chất của trẻ.

Đặc biệt, xã hội, gia đình cũng vì trẻ con mà tồn tại, phát triển. Trẻ cần “tình yêu và lời ru” là có mẹ, trẻ “khao khát… chuyện ngày xưa ngày sau” có bà đáp ứng, “muốn cho trẻ hiểu biết… thế là bố sinh ra”. Theo ý đó, tác giả triển khai cụ thể hơn những thành phần trong gia đình đồng hành cùng trẻ. Mẹ đâu chỉ “để bế bồng chăm sóc”, mà còn:

“Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng...”

Cách sử dụng điệp từ, điệp ý cùng những hình ảnh vừa cụ thể, đời thường vừa có ý nghĩa biểu trưng cho chúng ta cảm nhận rõ nét về giá trị lớn lao vĩnh cửu của mẹ trong đời sống mỗi người.

Có thể nói rằng, trên thế giới này, thứ đơn giản nhất, đó chính là lời ru, mà ý nghĩa nhất cũng chẳng có gì qua được lời ru. Trong những lời hát ru ầu ơ của mẹ, có đắng cay, ngọt bùi, có ước mơ, có sắc màu cuộc sống và hơn hết có tình yêu thương vô bờ dành cho con trẻ.

Cũng thế, mỗi buổi tối, trong vòng tay âu yếm của bà, cháu được:

“Kể cho bao chuyện cổ

Chuyện con cóc, nàng tiên

Chuyện cô Tấm ở hiền

Thằng Lý Thông ở ác...”

Lời kể hấp dẫn của bà đưa trẻ về với miền cổ tích dấu yêu, nơi đó có ông Bụt, bà Tiên, có cô Tấm, nàng Út ở hiền gặp lành, có Thạch Sanh thật thà được làm vua, lấy công chúa, có Lý Thông, phú ông ở ác bị trừng trị…

Bài học làm người tốt được bà gieo và in dấu vào lòng trẻ thơ, nuôi dưỡng thành những người trưởng thành cả thể chất và phẩm hạnh. Còn hạnh phúc nào hơn những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay của bà, của mẹ, được vỗ về, được nâng niu bằng tình yêu và sự hi sinh thầm lặng mà lớn lao vô cùng ấy! Cùng với đó, người bố chính là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện hình hài, nhân cách, tri thức của những đứa trẻ trong gia đình:

“Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ”

Người ta nói, gia đình là trường học đầu tiên của mỗi người. Thật vậy, đối với mỗi đứa trẻ, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên. “Bố bảo”, “bố dạy” những kiến thức sơ khai, nhân bản làm nền tảng cho con trẻ. Người đàn ông trong gia đình truyền đạt cho trẻ cái ý chí mạnh mẽ, hướng phấn đấu rộng như biển, xa như núi, mênh mông như trời, vô tận như đường đời. Tất nhiên, để hoàn thiện mảng kiến thức đó, đứa trẻ cần được đến trường:

“Chữ bắt đầu có trước

Rồi có ghế có bàn

Rồi có lớp có trường

Và sinh ra thầy giáo...

Cái bảng bằng cái chiếu

Cục phấn từ đá ra”

Ở đây, không gian được mở rộng hơn, mọi thứ được trang bị đầy đủ hơn, tất cả sự bắt đầu đều vì trẻ. Con chữ, bàn ghế, bảng đen, phấn trắng, lớp, trường học và cả thầy giáo chính là hệ thống giáo dục chuyên nghiệp của xã hội giúp mỗi đứa trẻ thực hiện việc học. Hay nói cách khác, theo nhà thơ, thiên nhiên đất trời là cái nôi, gia đình là nền tảng, xã hội là bệ phóng để mỗi đứa trẻ tồn tại và trưởng thành.

Thơ viết cho thiếu nhi của nữ sĩ Xuân Quỳnh tràn đầy tình yêu thương, có hình thức giản dị, ngôn ngữ trong trẻo, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của trẻ em.

Bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” với thể thơ 5 chữ, kết hợp bút pháp miêu tả, tự sự, cách nói ngộ nghĩnh, trí tưởng tượng phong phú, độc đáo với những hình ảnh thơ kì lạ, bay bổng, mang đến cho độc giả một hành trình khám phá nguồn gốc của loài người thông qua một góc nhìn cổ tích, qua đó gửi đến chúng ta thông điệp: Hãy yêu thương, chăm sóc trẻ em, vì đó là trung tâm và là tương lai của thế giới này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.