Bàn giao gió heo may
Bàn giao góc phố
Có mùi ngô nướng bay
Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi
Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi
Cỏ mùa xuân xanh dưới gót giầy
Bàn giao những mặt người đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên Trái đất này
Ông chỉ bàn giao một chút buồn
Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn
Câu thơ vững gót làm người ấy
Ông cũng bàn giao cho cháu luôn.
Lời bình của Đặng Toán
Hai chữ “bàn giao” có lẽ hợp với văn bản hành chính, với văn xuôi hơn thì phải. Vậy đưa vào thơ, nó có tạo được điều gì thú vị? Thế là ngay nhan đề bài thơ đã ít nhiều gây chú ý nơi người đọc. Quả có vậy. Đọc qua bài thơ chắc không ít độc giả khẽ mỉm cười. Đúng là thơ. Chỉ trong thơ, chỉ nhà thơ mới có cách nói như thế này:
“Ông sẽ bàn giao cho cháu/ àn giao gió heo may/Bàn giao góc phố.../Bàn giao tháng Giêng hương bưởi/ Bàn giao những mặt người đẫm nắng…”.
Chữ “bàn giao” như sợi chỉ đỏ xâu chuỗi toàn bộ bài thơ. Nó được điệp đi điệp lại thể hiện tình cảm dào dạt, tấm lòng yêu thương của tác giả dành cho người cháu của mình. Những món quà tinh thần tốt lành, quý giá đó tưởng chừng không khi nào vơi thiếu.
Song cuộc sống luôn có những quy luật riêng của nó. Bởi vậy, ông quyết định, sẽ “bàn giao” thêm cho cháu “Một chút buồn, một chút ngậm ngùi, một chút cô đơn, một vài câu thơ...”. Vừa để hợp với lẽ tự nhiên, vừa bồi đắp cho tâm hồn nhân cách cháu thêm phong phú.
Nhưng còn có những thứ không nên “bàn giao”, không được phép “bàn giao” thì sao? Hãy nghe tác giả khẳng định:
“Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi...”.
Một loạt hình ảnh gợi sự liên tưởng “sương muối, đất rung, loạn lạc, ngọn đèn, mưa bụi...” bên cạnh chữ “bàn giao” được nhắc lại chỉ duy nhất một lần. Cho thấy thái độ dứt khoát của tác giả. Quyết không để con cháu mình phải hứng chịu những đau thương, mất mát từ chiến tranh, tao loạn. “Nước mắt chảy xuôi” mà.
Trách nhiệm của “ông”, tức nhà thơ, tức cả thế hệ đi trước, là dành hết những gì tốt lành, đẹp đẽ, quý giá cho các thế hệ con cháu mai sau. Thơ đã hoàn thành nhiệm vụ “bàn giao” đầy nhân ái mà không kém phần nâng niu, tôn trọng.
Vũ Quần Phương vốn là bác sĩ nhưng yêu thơ. Sáng tác một bài thơ nếu được ví như việc trị bệnh cứu người, thì ông đã đưa ra một “phác đồ điều trị” hết sức hợp lý!
Có thể tôi suy đoán hơi quá. Song đúng là với cách bố cục, lập tứ chặt chẽ, logic như thế, bài thơ đã ít nhiều tạo nên những thành công nhất định. Và một lần nữa, phong cách thơ Vũ Quần Phương lại được thể hiện rõ nét: Dí dỏm, hài hước mà không kém phần sâu sắc, tinh tế.