Đến với bài thơ hay: Muối dưa

GD&TĐ - Phạm Hồng Oanh là cô giáo ở Thái Bình. Bài thơ “Muối dưa” đã trở thành tên Facebook của chị. Mới biết đó là đứa con tinh thần chị yêu thích và quả thật đó là bài thơ hay và lạ. Chị nói chuyện “Muối dưa” để tải chuyện cuộc đời, chuyện thân phận.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Muối dưa
Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa
Tưởng vừa chớm đến độ chua
Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu
Một thời mặn nhạt cho nhau
Xót xa nào nghĩ nát nhàu lá xanh
Gỡ xong ngày tháng vô tình
Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua

Hoa vàng nở giữa chiều mưa
Gió đưa cây cải ngày xưa về trời
Thương thầm từng cọng rau tươi
Rưng rưng cái mất chơi vơi cái còn.
Phạm Hồng Oanh

Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú

Ngẫm lại, đây là tứ thơ mới mà vẫn rất truyền thống. Một giọng “kể” giàu nữ tính với nhiều chiêm nghiệm sẻ chia với bao cảm thông nhân ái… Đó là các vị “chua, đắng, mặn, nhạt” - âu, nó cũng là những vị giác cuộc đời nếm trải. Chị chọn một công việc nội trợ rất phụ nữ đó là: “Muối dưa”. Và trong sự dần dà biến đổi vị chất của công việc, chị nhận ra cuộc đời có lúc cũng phải “nén”, nhào nặn, day dứt và trăn trở.

Cặp lục bát đầu tiên đưa ra một nghịch lý: “Tươi cái mất, héo cái còn – Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa”. Cái chữ “nén” là một động thái dứt khoát mong tìm được sự giải tỏa ấm ức thì bỗng gặp một cảnh ngộ mới: “Tưởng vừa chớm đến độ chua – Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu”.

Dưa để chua để thành món ẩm thực lại hóa ra đắng – Vị đắng đót cuộc đời ngang trái. Một sửng sốt, một bất an, một hoang mang, một thân phận. Tự mình mình biết, tự mình nếm trải cái xót xa bất hạnh, thế nhưng không một lời oán giận chỉ ngác ngơ với bao đồng cảm độ lượng vị tha: “Một thời mặn nhạt cho nhau – Xót xa nào nghĩ nát nhàu lá xanh”. Cái lá xanh tươi đã mất ngỡ để còn bao nghĩa tình lưu lại cái héo, cái còn.

Nhưng cuộc đời không đơn giản thế khi: “Gỡ xong ngày tháng vô tình” thì “Lòng ai chừng đã nỗi thành váng chua”. Đây là cặp lục bát hay từ bối rối “gỡ” đến kết quả nổi thành “váng chua” như một tiếng thở dài đành phận.

Cái “váng chua” hời hợt mà nông cạn nỗi phù phiếm vô ích. Cái “váng chua” như một ám ảnh bọt bèo hóng hớt và ngỡ như vô vị nữa mặc dầu có vị chua. Chính sự tinh tế nữ tính đã cho Phạm Hồng Oanh giãi bày một đồng cảm không đo đếm chỉ ước lượng – ước lượng mơ hồ, ước lượng tự an ủi và ước lượng vị tha…

Cứ ngỡ bài thơ kết thúc ở đây cũng đã phần nào gói trọn “nén” bao cung bậc nỗi niềm thì hai cặp lục bát cuối như một hồi ức, hồi sinh phản quang màu vàng hoa cải giữa chiều mưa làm bung nở bao ước vọng. Có chút hoài niệm thề thốt nghĩa tình trong ca dao an ủi “Gió đưa cây cải về trời”.

Chính cái nhịp cầu vồng này đã làm xúc động hơn trước một tâm tình, một tiếc nuối và cũng đồng vọng một niềm tin, một ân tình của phẩm chất dịu dàng của người phụ nữ dù trải qua bao oan trái cuộc đời: “Thương thầm từng cọng rau tươi – Rưng rưng cái mất chơi vơi cái còn”. Một ân nghĩa cưu mang và độ lượng biết bao…

Mở đầu bài thơ “Tươi cái mất, héo cái còn” - đó nhận xét lý tính hướng ngoại thì kết bài thơ: “Rưng rưng cái mất chơi vơi cái còn” – đó là tâm trạng cõi lòng của sự hướng nội. Một lan tỏa chất chứa yêu thương và gìn giữ sự cân bằng tâm thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.