Đến Huế nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện

GD&TĐ - Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Festival Huế 2016, Bảo tàng Văn hóa Huế vừa khai mạc trưng bày giới thiệu triển lãm "Cổ vật nghìn năm kể chuyện”. Triển lãm sẽ  diễn ra đến hết ngày 4/5/2016

Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện

Đây là những hiện vật quý, bao gồm công cụ lao động sản xuất, trang sức, đồ tùy táng văn hóa cổ Sa Huỳnh cho đến đỉnh cao nghệ thuật tạo tác gốm sứ dưới các triều đại quân chủ Việt Nam đã được trưng bày tại triển lãm lần này.

Tham gia triển lãm "Cổ vật nghìn năm kể chuyện” có 250 hiện vật của hai nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi) và Nguyễn Hữu Hoàng (Huế).

Trong đó người xem đặc biệt ấn tượng với Bộ sưu tập của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh gồm 130 hiện vật thuộc văn hóa cổ Sa Huỳnh, như: công cụ lao động sản xuất và vũ khí, mộ chum, đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như nồi, chén, chậu, bình thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh được khắc vạch hoa văn răng sò độc đáo. Nhiều cổ vật có niên đại cách đây 2.500 năm như  Mộ chung làm bằng gốm.

Mộ Chung bằng gốm thuộc dòng văn hóa Sa Huỳnh có niên đại từ 2000-2500 năm
Mộ Chung bằng gốm thuộc dòng văn hóa Sa Huỳnh có niên đại từ 2000-2500 năm 

Đến từ Huế, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã giới thiệu đến công chúng 120 cổ vật, gồm: gốm thời kỳ Lý – Trần – Lê, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, như: chén, dĩa,bình vôi, ấm. Những cổ vật gốm, sứ trải dài suốt nghìn năm lịch sử trên đất Huế, trong đó có nhiều món đồ sứ rất quý hiếm, phần lớn được trục vớt dưới đáy sông Hương.

Đặc biệt là chiếc đĩa hiệu đề Sương khê  Đồ Trùng phủ phụng chế vẽ cảnh chùa Thánh Duyên dưới thời vua Tự Đức.

Được biết, dưới thời nhà Nguyễn, sản phẩm gốm sứ được giao thương với ngoại quốc từ năm 1804 đến 1925, dưới các triều đại Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định.

Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh - Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế - cho biết: Triển lãm lần này giới thiệu đến công chúng kho tàng cổ vật Huế và các tỉnh miền Trung - một phần quan trọng của di sản văn hóa quốc gia.

Các bộ sưu tập cổ vật chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử, văn hóa được gửi gắm từ quá khứ, giúp người xem hiểu được sự hình thành, phát triển, đời sống, những tập tục cổ xưa của cư dân Việt cổ cũng như thấy được sự đa dạng, đặc sắc về mẫu mã, hoa văn, họa tiết trang trí, chất liệu men gốm đặc thù cho không gian gốm thời Trần, Lê Sơ, đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời nhà Nguyễn.

Đồ Quan dụng do Đặng Huy Trứ ký kiểu thế kỷ XIX, hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng
Đồ Quan dụng do  Đặng Huy Trứ ký kiểu thế kỷ XIX, hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng 

Đánh giá về triển lãm lần này, nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn nhận xét:  Dưới triều đại Lý, Trần, Lê công nghệ sản xuất gốm đã rất phát triển, gốm không chỉ là đồ dùng thủ công thân thuộc, phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống mà hơn thế, gốm còn trở thành nét hồn dân tộc. 

Tuy nhiên giữa hai thời kỳ vẫn có những sự khác biệt nhất định, như kỹ thuật tạo chân đế của gốm thời Trần khác với gốm thời nhà Lý. Bố cục hoa văn tuy giống nhau nhưng ở gốm thời Trần chi tiết không cầu kỳ, tinh xảo như gốm thời Lý.

Sang đến thời Lê công nghệ sản xuất gốm tiếp tục có bước tiến mới, với sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm sản xuất gốm lớn, nổi tiếng nhất là gốm Chu Đậu. Các dòng sản phẩm: Gốm hoa lam, gốm men trắng, và gốm vẽ nhiều màu đạt đến đỉnh cao của sự tinh mỹ, trở thành mặt hàng chủ đạo trong việc xuất khẩu ra thị trường.

 Ngoài ra đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn trong triển lãm lần này cũng rất ấn tượng. Đây là những đồ sứ do Trung Hoa làm theo yêu cầu mà mẫu mã do các vị chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiêu biểu là Chúa Nguyễn Phúc Chu, đặt làm từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 3Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 4Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 5Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 6Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 7Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 8Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 9Đến Huế  nghe cổ vật nghìn năm kể chuyện ảnh 10

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.