“Huyền thoại tuổi thanh xuân” không tái hiện các trận đánh mà tập trung vào suy nghĩ và tâm tình riêng của 10 nữ anh hùng. Chính điều này giúp cho vở kịch sâu lắng, lấy được nước mắt của người xem.
Cái hay hiếm có của “vở kịch đỏ”
Công diễn vào ngày 20/10/2023 đến nay, chương trình kịch trải nghiệm “Huyền thoại tuổi thanh xuân” đã đón nhận rất nhiều tình cảm của công chúng qua các đêm diễn. Nhằm đáp lại tình cảm yêu mến ấy, chương trình diễn ra thường xuyên vào các tối thứ 7 hàng tuần tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Vở kịch trải nghiệm tương tác “Huyền thoại tuổi thanh xuân” do Lê Quý Dương viết và dàn dựng có thời lượng khoảng 60 phút, kể về những ngày cuối cùng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) trước lúc hy sinh.
Ngã ba Đồng Lộc - chiến trường khốc liệt được ví như “cối xay bom” hay “tọa độ chết”, nơi đế quốc Mỹ đã tập trung toàn lực đánh phá để loại bỏ “yết hầu” của mạch giao thông nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam.
Vở kịch tái hiện không gian chiến trường khốc liệt bằng công nghệ hình ảnh, hiệu ứng 3D với những hố bom, những căn hầm chữ A, con đường vượt qua trọng điểm, trận địa pháo và hình ảnh các đoàn xe chở hàng, chở quân ra trận...
Đây rõ ràng là một “vở kịch đỏ”, nhằm tuyên truyền về sự hy sinh trong sáng của 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Họ cùng hy sinh lúc 16 giờ 30 phút ngày 24/7/1968, ngay trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc.
Thế nhưng xuyên suốt vở kịch, đạo diễn Lê Quý Dương không viết về các trận đánh, mà tập trung vào những nghĩ suy và tâm tình riêng của 10 cô gái trẻ. Chính điều này giúp cho vở kịch sâu lắng, lấy được nước mắt của người xem.
Ý tưởng này được chính đạo diễn khơi gợi, rằng: “Họ không muốn làm anh hùng, họ chỉ muốn làm những người bình thường, khát khao tình yêu, mong muốn một cuộc sống bình dị. Thế nhưng, chiến tranh đã đẩy họ vào hoàn cảnh phải chiến đấu, họ mang những giấc mơ bình dị của riêng mình bước vào cuộc chiến để làm nên những điều phi thường”.
Trong suốt 60 phút diễn ra vở kịch, khán giả như được nhập vai giữa chiến trường, hòa mình vào cuộc chiến. Từ những âm thanh của tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn nổ, tiếng xe chở hàng, tiếng thủ thỉ của những nữ anh hùng... cùng 5 tấn đất được lấy từ ngã ba Đồng Lộc chuyển lên sân khấu đã tạo nên không chỉ sự chân thật, mà còn những dư vị của cảm xúc, của tình yêu đất nước và sự hào hùng của một thời khói lửa.
Ông Hàn Tiến Nhâm tham gia thanh niên xung phong năm 1964, sau khi xem vở kịch trải nghiệm “Huyền thoại tuổi thanh xuân” đã chia sẻ rằng: “Vở kịch đã đưa tôi trở về với quá khứ hào hùng của một thời không thể nào quên. Trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, những chuyện buồn chuyện vui đều chia sẻ với nhau, thương nhau chia nhau từng miếng cơm, củ sắn... nhưng chúng tôi đều vững tin để vượt qua. Chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” đã cho chúng tôi thấy lại hình ảnh của mình khi xưa”.
Đạo diễn Lê Quý Dương thẳng thắn: “Bản thân tôi mong muốn mang đến một góc nhìn khác cho khán giả, mang đến thông điệp có ý nghĩa với thế hệ trẻ hôm nay.
Tất nhiên mỗi thời thế đòi hỏi sự đóng góp, hy sinh khác nhau nhưng qua câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong, tôi muốn gửi gắm bài học cho thanh niên về lòng biết ơn với thế hệ đi trước, để từ đó tác động đến thái độ sống, đòi hỏi thế hệ trẻ phải trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và Tổ quốc”.
Nhiều khán giả xúc động với những lời thoại chân thực. |
Và khóc với cảm xúc rất thực mà vở diễn đem lại. |
Đưa sân khấu vào bảo tàng
Sau hơn 7 tháng kể từ ngày đầu công diễn, vở kịch trải nghiệm “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được đưa lên một nấc thang cao hơn khi đạo diễn Lê Quý Dương đề xuất với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về việc các chương trình biểu diễn sân khấu tại các thành phố và khu du lịch lớn có phụ đề tiếng Anh để mở rộng phục vụ du khách và khán giả quốc tế.
“Huyền thoại tuổi thanh xuân” là một trong những chương trình nằm trong đề xuất ấy, nhờ vậy mà vở kịch nhận được sự quan tâm rất lớn của khán giả nước ngoài.
Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động quảng bá du lịch cùng cái bắt tay giữa ngành du lịch và bảo tàng đã khiến cho tính tương tác trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa Việt Nam thêm phần độc đáo để phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Suất diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” diễn ra cuối tuần qua tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – đặc biệt dành cho các nhà quản lý, giám đốc các công ty lữ hành, du lịch, giới nhà nghề sân khấu. Có thể tạm gọi họ là khán giả có trái tim già dặn, thế nhưng khi xem vở diễn trải nghiệm xúc động này, nhiều người đã khóc, có người khóc đến vài lần trong suốt 60 phút thời lượng của vở diễn.
“Đến bảo tàng để khóc” và “khóc khi đến bảo tàng” là hai vế tâm lý hoàn toàn khác nhau. Du khách đến bảo tàng để trải nghiệm, để thấy những gì chưa thấy, cảm nhận những rung động trong tâm hồn mà vở kịch “Huyền thoại tuổi thanh xuân” làm được đã chứng tỏ sự tài tình của đạo diễn, vì câu chuyện tuyên truyền vốn khô khan, thời lượng lại ngắn, mà lấy được nước mắt khán giả là điều không đơn giản.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng như đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, vở diễn này đang hướng tới khách du lịch. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung của các tiêu chí du lịch trải nghiệm và du lịch khám phá thì có lẽ cả đạo diễn lẫn bảo tàng chỉ hơi lăn tăn một chút, là liệu nhiều du khách có đang sẵn sàng để khóc hay không? Nếu thích khóc, thì “Huyền thoại tuổi thanh xuân” là một chọn lựa phù hợp và ý nghĩa cho du khách khi dừng chân tại Hà Nội.
“Khi một vở diễn sân khấu kịch được trang bị hệ thống phụ đề cho khán giả nước ngoài sẽ tạo nên nhiều cơ hội cho chính vở diễn. Cơ hội được tuyển chọn tham dự các festival quốc tế, lan tỏa và truyền thông cho vở diễn ngay tại sân nhà, mở rộng khán giả. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn, diễn viên không thể bịa lời, quên lời vì sẽ sai với kịch bản cố định trên phụ đề...” - Đạo diễn Lê Quý Dương.