(GD&TĐ) - Ngày 4/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Bắc Kinh mở đầu chuyến thăm Trung Quốc trong 2 ngày. Đây chỉ là một phần, nhưng là phần quan trọng nhất, nan giải nhất trong chuyến công du 11 ngày ở châu Á của bà Hillary Clinton. Tại Bắc Kinh Hillary Clinton đã có những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Đông. Có thể nói, quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về biển Đông là rất khác nhau và việc Bắc Kinh hủy cuộc gặp gỡ giữa bà Hillary và ông Tập Cận Bình, người được coi là Chủ tịch tương lai của Trung Quốc là một minh chứng.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên căng thẳng. Theo các chuyên gia về châu Á thì vấn đề cốt lõi ở chỗ, lợi ích và mục tiêu của Mỹ ở châu Á không phù hợp với lợi ích và mục tiêu của Trung Quốc.
Trước khi đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Indonesia và đàm đạo với người đồng cấp Marty Natalegawa cũng như Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan. Tại đây, Hillary Clinton cam kết hỗ trợ ASEAN trong việc xây dựng một cộng đồng hòa bình, dân chủ và thịnh vượng. Chưa hết, Hillary Clinton còn kêu gọi ASEAN thắt chặt tinh thần đoàn kết nhằm giải quyết tranh chấp về biển Đông với Trung Quốc một cách hòa bình. Trên báo "Độc lập" của Nga, nhà bình luận quốc tế Vladimir Skosyrev khẳng định bản chất những tuyên bố trên của Hillary Clinton là thúc dục 10 nước ASEAN và Trung Quốc phải nhanh chóng thông ra bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, nơi có tới 50% lượng hàng hóa của thế giới đi qua. "Mỹ cảnh báo một điều rằng không bên nào có quyền tiến hành những động thái làm căng thẳng, đe dọa hay ép buộc để củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông"- Hillary Clinton nói. Tờ Daily Telegraph nhận đinh: Washington đang kêu gọi các nước ASEAN thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc. Điểm nóng nhất trên biển Đông thời gian qua chính là cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines. Tháng 5 năm nay, với vai trò trung gian của Mỹ, các tàu chiến, tàu cá của Trung Quốc và Philippines đã rời khỏi bãi cạn. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, 3 tàu Trung Quốc đang án ngữ mọi con đường đến khu vực tranh chấp không cho phép người Philippines tiếp tục đánh bắt cá ở đây. Trước thực trạng trên, tờ The New York Times nhận định: Trung Quốc đang thiết lập một hiện trạng mới tại bãi cạn.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh hôm 5/9 |
Trước chuyến công du Trung Quốc của bà Hillary Clinton, báo chí Trung Quốc đồng loạt chỉ trích thái độ của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc qua tranh chấp biển Đông. Giới phân tích gọi đây là "đòn đánh vỗ mặt" đối với Ngoại trưởng Mỹ. Bài xã luận của Tân Hoa Xã cáo buộc Mỹ chơi trò đạo đức giả và mỉa mai: "Các chính trị gia Mỹ, những người ảo tưởng một cách ấu trĩ rằng họ vừa có thể đào vàng ở Trung Quốc vừa kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nên nhớ rằng, người xưa từng nói, không ai có thể vừa ăn bánh, vừa muốn bánh vẫn còn". Tờ Nhân dân Nhật báo quy kết: Cách hành xử của Mỹ trên các vấn đề của quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và Nam Hải (biển Đông) chỉ tạo ra nghi ngờ rằng họ đang gieo rắc bất đồng để thừa cơ đục nước béo cò”. Thời báo Hoàn Cầu khẳng định kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc là mục tiêu chiến lược sai lầm của Washington.
Đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ có cuộc đàm đạo với người đồng cấp Dương Khiết Trì hôm 5/9. Tại cuộc họp báo chung sau đó, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi cam kết xây dựng mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Đây là một yếu tố then chốt trong chiến lược tái cân bằng trở lại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Hillary Clinton phủ nhận cáo buộc rằng Mỹ đang ra sức kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cũng trong buổi họp báo chung, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định tự do và an toàn hàng hải ở biển Đông được bảo đảm. Tại cuộc tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, trong 3 năm qua Trung Quốc và Mỹ luôn có những cuộc tham vấn chặt chẽ, luôn đối thoại và hợp tác với nhau. Vào thời điểm hiện tại, thế giới có nhiều biến động sâu sắc, chính vì thế, quan hệ Trung-Mỹ đóng vai trò hết sức quan trọng- Hillary Clinton nhấn mạnh. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ trong thế giới hiện nay. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hai bên hãy tận dụng những lợi thế sẵn có, khai thác tiềm năng hợp tác và đừng “chính trị hoá” các vấn đề kinh tế và thương mại.
Không ít các nhà phân tích cho rằng, đến Bắc Kinh, Hillary Clinton ra về tay trắng. Trong hầu hết các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc người ta được nghe những ngôn từ có cánh của hai bên. Tuy nhiên, những bất đồng sâu sắc thì vẫn còn đó. Trao đổi với phóng viên báo "Độc lập", nhà Đông phương học Alexandr Larin thuộc Viện HLKH Nga cho rằng: "Hy vọng về một sự thỏa hiệp trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ là không có. Mỹ và Trung Quốc đều không thay đổi quan điểm của mình. Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hơi. Không phải ngẫu nhiên mà họ đang khẩn trương chế tạo tàu sân bay".
Anh Phương (TH)