Siêu trăng là hiện tượng trăng tròn đúng lúc ở gần hoặc trùng với cận điểm - vị trí gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo hình elip của Mặt Trăng. Điều này dẫn tới việc Mặt trăng trông to và sáng hơn thường lệ. Thuật ngữ này được đặt ra bởi nhà thiên văn học Richard Nolle vào năm 1979.
Theo định nghĩa này, một năm sẽ có khoảng từ 3 đến 4 lần siêu trăng. Đêm nay là siêu trăng thứ 4 và cũng là siêu trăng cuối cùng có thể chứng kiến trong năm 2020.
Do diễn ra vào khoảng thời gian các loài hoa đua nở, siêu trăng tháng 5 được các nước phương tây đặt cho cái tên mỹ miều là “Flower Moon” hay “Trăng hoa”. Tên gọi này có nguồn gốc từ các bộ lạc Algonquin ở vùng đông bắc Mỹ. Đáng chú ý khi siêu trăng lần này trùng với ngày lễ Phật đản (Vesak) hay ngày sinh của Đức Phật, một ngày lễ lớn tại các quốc gia Châu Á.
Vào đêm nay, Việt Nam là một trong những quốc gia may mắn được chứng kiến hiện tượng thiên nhiên hiếm có này. Ở đợt siêu trăng này, Mặt trăng sẽ xuất hiện đầy đủ trong khoảng 3 ngày, từ tối thứ 3 cho đến sáng thứ 6. Đây là một điều đặc biệt bởi nó diễn ra ngay sát thời điểm Việt Nam có thể quan sát được mưa sao băng.
Theo cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), siêu trăng tháng 5 sẽ đạt cực đại vào lúc 6h45 sáng giờ EDT (giờ miền Đông nước Mỹ), tức 17h45’ chiều ngày 7/5 theo giờ Việt Nam. Sau khoảng thời gian này, Mặt trăng sẽ tiếp tục to tròn thêm vài giờ đồng hồ nữa và trở nên rực rỡ hơn khi trời tối hẳn.
Hiện tượng này không cần đến kính thiên văn và có thể quan sát trực tiếp bằng mắt thường. Thời điểm dễ quan sát siêu trăng nhất là vào lúc hoàng hôn. Để ngắm toàn cảnh siêu trăng, người quan sát chỉ cần nhìn theo hướng đối diện với vị trí mặt trời lặn.