Đếm huy chương, chờ… danh hiệu?

GD&TĐ - Các nghệ sĩ đang tiếp tục góp ý liên quan đến bất cập của Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT). Có ý kiến cho rằng, không nên để nghệ sĩ phải lo đếm... đủ huy chương chờ xét tặng những danh hiệu cao quý ấy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ năm 2019. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ năm 2019. Ảnh: TTXVN

Cứng nhắc

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hễ được nhắc đến sẽ luôn “nóng”. Cũng bởi lẽ, đã có nghệ sĩ nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà song vẫn bị bỏ sót, chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND vì không vượt qua được tiêu chí... đủ huy chương.

Cụ thể, về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, khoản 4, điều 8 của Nghị định 89 quy định: “Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú””. Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSƯT, khoản 4, điều 9 của Nghị định 89 quy định: “Có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia”.

Dẫn chứng về sự “vênh” này giữa các quy định của Nghị định với thực tế, có thể lấy câu chuyện gần đây nhất là trường hợp xét danh hiệu của NSND Trần Hạnh. Dành cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật: Sân khấu kịch và phim truyền hình, luôn được công chúng mến mộ trong suốt 60 năm qua, thế nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh đã trượt lên trượt xuống với danh hiệu NSND vì thiếu huy chương. Phải đến tận lúc dư luận lên tiếng và ông bước sang tuổi 90 khi mắt mờ, chân run, lưng còng... thì mới được đặc cách xét tặng trong đợt vừa qua.

Đúng là khi được nhận danh hiệu, lão nghệ sĩ vẫn vui, vẫn vinh dự. Nhưng bởi phải chờ đợi quá nhiều cùng với niềm kiêu hãnh của người nghệ sĩ bị mòn mỏi nên đã có lần ông rủ rỉ rằng: “Ồ, tôi không quan tâm đến chuyện NSND nữa vì quá mệt mỏi với những quy định rồi. Tôi chỉ quan tâm xem mình còn sức khỏe để cống hiến cho nghệ thuật nữa hay không mà thôi!”.

 Quy định cứng nhắc đó (khoản 4 điều 9 Nghị định 89/2014 - PV) đã bỏ qua những nghệ sĩ có công với cách mạng, với đất nước mà chỉ lạnh lùng tính đến số lượng huy chương. Và cũng vì quy định đó mà hội đồng xét duyệt đã không hề xem xét đến thực tế cống hiến cho nghệ thuật của chúng tôi như thế nào. Có thể chúng tôi không còn trực tiếp biểu diễn nhưng vẫn say sưa truyền lửa nghệ thuật, đào tạo thế hệ trẻ tài năng kế cận cho nền âm nhạc nước nhà. Đấy không gọi là cống hiến sao?
NSƯT Bích Việt đặt câu hỏi. 

Cũng vì tiêu chí phải đủ huy chương này mà NSƯT Bích Việt – một giọng hát vàng trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ cũng đã có 3 lần làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu song sau hai lần bị báo là hết thời hạn nhận hồ sơ, lần thứ ba bị báo là trượt. Nói về câu chuyện này, NSƯT Bích Việt bảo thật là ái ngại vì thực lòng bà thấy buồn.

Năm 1993, bà đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Sau đó, bà chuyển sang giảng dạy ở trường nghệ thuật quân đội nên không tham gia các kỳ cuộc liên hoan thì làm sao có được huy chương. Tuy nhiên, trong thời gian giảng dạy, bà luôn dành tâm huyết đào tạo học trò, trong đó có nhiều người đã có được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Danh hiệu trong tay... hội đồng?

Không riêng gì những điều khoản quy định về đủ huy chương mà ở Nghị định 89/2014 còn có điều khoản quy định về tỉ lệ phiếu hội đồng cho hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND khiến giới nghệ sĩ băn khoăn, thậm chí là phản ứng mạnh mẽ. Cụ thể, thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại hội đồng cấp cơ sở, cấp Bộ, tỉnh và Nhà nước được quy định tại điều 14, điều 15 và điều 16 của Nghị định đều nêu rõ: Hoàn thiện hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý gửi cơ quan thường trực Hội đồng cấp Bộ, tỉnh/ Hội đồng cấp Nhà nước theo thời gian quy định trong kế hoạch.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, quy định về “được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý” cho một hồ sơ xét danh hiệu NSƯT, NSND là quá cao. Ông Thọ cho rằng, Nghị định đã đưa ra tiêu chí xét danh hiệu phải đủ huy chương thì cứ theo đó mà xét, sao còn cần đến tỉ lệ phiếu của hội đồng? Bởi lẽ, có nhiều trường hợp đủ huy chương, có đóng góp tích cực cho nghệ thuật song vẫn bị hội đồng bỏ phiếu không đồng ý.

Nói thêm về hội đồng xét duyệt, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, có những người ngồi hội đồng song có thù oán cá nhân hoặc không thích anh A, B, C… thế là cả cuộc đời những nghệ sĩ đó không có được danh hiệu. “Lần trước chúng tôi ủng hộ một nghệ sĩ song có người bảo cô ấy trẻ quá để lần sau. Lần sau cô ấy có thêm một huy chương vàng nữa thì lại có người không bỏ phiếu.

Đó là những điểm chúng tôi thấy bất cập trong quá trình làm việc của các hội đồng. Vì thế, theo tôi, hội đồng xét duyệt chỉ nên xét những trường hợp đặc thù, đặc biệt… không nên xét những trường hợp đã đủ các tiêu chuẩn của Nghị định” – NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

“Trước năm 2014 chúng ta không có Nghị định này song tôi thấy các đợt xét tặng từ lần 1 đến lần 5 có vẻ hiệu quả hơn. Khi có Nghị định 89, tôi thấy quy định về số huy chương vàng, huy chương bạc là máy móc và có vấn đề. Bởi lẽ, vì quy định đủ huy chương nên nhiều cuộc thi, cuộc liên hoan có nghệ sĩ bằng mọi cách có huy chương để được phong tặng danh hiệu. Tuy nhiên, sau đó vở diễn bị cất kho nên không ai biết NSND, NSƯT ấy có đóng góp gì cho nghệ thuật. Một kẽ hở nữa là các giải thưởng quốc tế rất cần phải được thẩm định chặt chẽ hơn. Vì thế, chúng tôi đề nghị xem xét, đánh giá lại các quy định trong Nghị định 89 một cách khoa học, hiệu quả hơn”. 
                                                                               NSND Lê Tiến Thọ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.