Đề xuất nghỉ học ngày thứ Bảy: Chính sách thiết thực với thầy và trò

GD&TĐ - Những ngày qua, đề xuất các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy và học vào thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận được sự quan của học sinh, phụ huynh, giáo viên trên cả nước. Giáo viên không chỉ đồng tình mà còn mong đề xuất “học sinh được nghỉ học ngày thứ bảy” sớm thành hiện thực.   

Giờ học của cô trò Trường THCS Nậm Lành (Văn Chấn,Yên Bái)
Giờ học của cô trò Trường THCS Nậm Lành (Văn Chấn,Yên Bái)

Mong muốn đề xuất thành hiện thực

Hiện nay, tại các trường công lập cấp học mầm non, tiểu học cũng đã thực hiện nghỉ thứ 7 và chủ nhật, chỉ trừ một số trường do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nên học sinh luân phiên học vào thứ 7. Đối với các trường THCS, THPT đa số đều đi học thứ 7, chỉ được nghỉ duy nhất ngày chủ nhật.

Trước đề xuất học sinh được đồng loạt nghỉ ngày thứ 7, nhiều giáo viên ủng hộ và cho rằng sẽ giảm bớt áp lực, có thêm giời gian để nghỉ ngơi, bên gia đình và tập trung cho biên soạn giáo án, tìm sáng kiến trong giảng dạy. Với các nhà giáo vùng cao, họ tỏ ra phấn khởi trước đề xuất này.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Phạm Thị Tuyển, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) cho biết, không chỉ riêng cá nhân tôi mà các giáo viên trong trường đều tán thành với đề xuất không tổ chức dạy và học vào thứ 7. Vì cả học sinh và giáo viên sẽ có thêm thời gian dành cho gia đình.

Học sinh THCS vùng cao thường là người trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình nên việc nghỉ thứ bảy cũng là một thuận lợi cho các em và gia đình. Đối với giáo viên, chương trình vẫn dạy đúng đủ, được nghỉ dạy thứ bảy cũng vui hơn rất nhiều, họ có thời gian dành cho gia đình và tự trau dồi nghiên cứu sâu những nội dung sở trường, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Trường PTDTBT THCS Lũng Cú, đa số giáo viên xa quê lên đây dạy học như Nam Định, Thanh Hóa, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn.... Hầu hết các GV đều ở trọ trong trường, chỉ 4-5 người có nhà ở gần đi về hàng ngày. Chính vì thế, hầu hết giáo viên trong trường rất mong muốn đề xuất được thông qua.

“Việc đưa ra ý tưởng vào thời điểm này là cần thiết, trong bối cảnh đang sửa đổi Luật Giáo dục và chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa mới. Đây cũng là một cách để chúng ta thay đổi tư duy trong đổi mới giáo dục, đổi mới sách giáo khoa theo hướng gắn với thực tiễn, giảm tải cho học sinh và giáo viên” - cô Phạm Thị Tuyển chia sẻ.

Đồng quan điểm về đề xuất nghỉ học ngày thứ 7, cô Ma Thị Chuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Mẫu (Ba Bể, Bắc Kạn) cho biết, cô rất đồng tình với chủ trương cho học sinh nghỉ học vào thứ Bảy. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở thời điểm này đang gắn với việc xem xét sửa đổi Luật Giáo dục. Nếu việc cắt giảm này đảm bảo giảm thời gian học mà vẫn đảm bảo chất lượng là điều chúng ta nên đặt ra.

Hiện nay, đối với bậc THCS số tiết ở các khối lớp bố trí tiết dạy theo quy định không quá 7 tiết / ngày. Với khối 6: 26 tiết, khối 7: 28 tiết, khối 8: 29 tiết, khối 9: 29,5 tiết. Việc nghỉ học thứ 7 tuy nhiên rất thuận lợi cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi. tuy nhiên, cần xây dựng khung chương trình cho phù hợp với việc nghỉ thứ 7.

Nên để các cơ sở giáo dục chủ động

Với các GV là mong mỏi chờ đợi chính sách thành hiên thực, trong khi đó, một số nhà quản lý về giáo dục cho rằng không nên cứng nhắc trong việc quy định nghỉ học vào ngày thứ Bảy.

PGS.TS Mai Văn Hưng- Chủ nhiệm bộ môn KHTN Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không nên cứng nhắc trong việc quy định nghỉ học vào ngày thứ Bảy, nên để các trường tự chủ, chủ động bố trí lịch học dựa trên chuẩn đầu ra.

Tiếp cận trên tư cách người lao động, các giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lí nhà trường cũng cần được nghỉ thứ 7, Chủ nhật (công việc giảng dạy không phải là công việc có tính đặc thù phải diễn ra trong cả ngày nghỉ)- PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết.

“Tới đây, thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới, sẽ có nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm, nếu cho các em nghỉ ngày thứ Bảy sẽ bị hạn chế thời gian trải nghiệm. Hơn nữa mỗi trường, mỗi địa phương lại có những chuẩn đầu ra khác nhau.

Ví dụ như các thành phố: Hà Nội, TPHCM khó có thể chỉ thực hiện dựa vào chuẩn đầu ra tối thiểu như các tỉnh kém phát triển hơn về kinh tế-xã hội. Tương tự, các trường chất lượng cao có thể đặt ra các chuẩn đầu ra khác các trường đại trà. Vì vậy, không nên quy định không học vào cuối tuần mà nên để các cơ sở giáo dục, địa phương tự sắp xếp thời gian để đảm bảo chuẩn đầu ra”- PGS.TS Mai Văn Hưng nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm về việc không học cuối tuần ở cơ sở giáo dục phổ thông, PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết: “Tiếp cận trên tư cách người lao động, các giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lí nhà trường cũng cần được nghỉ thứ 7, Chủ nhật (công việc giảng dạy không phải là công việc có tính đặc thù phải diễn ra trong cả ngày nghỉ).

Với học sinh, các em cần được nghỉ trọn vẹn 2 ngày cho các hoạt động gia đình, cộng đồng. Với cha mẹ học sinh, xã hội cần được nghỉ làm, nghỉ đưa đón con để các hoạt động trong ngày nghỉ được trọn vẹn, hiệu quả. Chúng ta đã áp dụng làm việc 40 giờ từ lâu, tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng đủ nên từ bấy đến nay chúng ta vẫn để tình trạng học thứ 7. Đó là sự chậm trễ cần khắc phục nhanh hơn nữa”.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nên quy định số tiết học của học sinh phổ thông trong một ngày chính xác hơn là buổi, khái niệm “cuối tuần” khá mơ hồ.

Đề nghị Ủy ban VHGDTNTN&NĐ và Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ về việc học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là có điều kiện về trường lớp không. Hết sức tránh tình trạng vì học 2 buổi mà sĩ số học sinh/lớp tăng lên đến 60-70. Chất lượng giáo dục phụ thuộc khá nhiều vào sĩ số học sinh/lớp. Xét về thực tế không nên bố trí sĩ số học sinh quá 40.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ