Ghi nhận của PV cho thấy, trước động thái này của cơ quan bảo vệ pháp luật, nhiều phòng khám y tế tư nhân tại Hà Nội bất ngờ đóng cửa.
Muôn kiểu “cò” lừa đảo cổng bệnh viện
Vấn nạn “cò mồi” chuyên chèo kéo bệnh nhân trước các cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)… để “dắt” các bệnh nhân đến các phòng khám tư nhân nhằm hưởng tiền hoa hồng gây bức xúc trong dư luận.
Những bệnh nhân được “cò” nhắm đến là phụ nữ mang thai, bệnh nhân nữ trẻ tuổi, người già… có nhu cầu khám bệnh đến từ tỉnh lẻ. Đội “cò” này hoạt động chuyên nghiệp. Họ phân công nhiệm vụ rõ ràng, thuần thục khiến người bệnh không chút nghi ngờ và “sập bẫy”.
Để lôi kéo các bệnh nhân đến phòng khám tư móc ngoặc từ trước, “cò” đưa ra những thông tin giả như “bệnh viện đang sửa chữa” để lừa bệnh nhân. Cuối tháng 6/2025, Phạm Thị Liên (SN 1952, thường trú tại Hải Phòng) bị Công an TP Hà Nội tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, ngày 19/6, Liên vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) với mục đích tìm người đi khám bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên phát hiện chị T. (SN 1984, trú tại tỉnh Bắc Kạn (nay là Thái Nguyên) và con ruột là cháu N. (SN 2010) đang ngồi đợi chờ khám bệnh.
Liên tiếp cận mẹ con chị T. và nói có quen nhân viên của bệnh viện, nhận giúp làm thủ tục nhập viện. Khi chị T. đồng ý thì Liên bảo đưa 5 triệu đồng để làm thủ tục tạm ứng nhập viện.
Sau khi nhận tiền, Liên đã không làm thủ tục cho chị T. mà bắt xe ôm bỏ đi, chiếm đoạt tiền. Tại cơ quan công an, Liên đã khai nhận hành vi phạm tội. Theo hồ sơ, Liên đã có 7 tiền án về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; “Trộm cắp tài sản”.
Mới đây, ngày 12/7, Công an Hà Nội tạm giữ hình sự 3 đối tượng trong đường dây lừa đảo y tế để điều tra về vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, cấp phát, bán thuốc… Theo điều tra, tháng 3/2024, Nguyễn Thị Thu Hương (45 tuổi, trú tại Bạch Mai, Hà Nội) mở Phòng khám sản phụ khoa Thu Hương (số 44 Thợ Nhuộm) để thực hiện khám, siêu âm các bệnh sản phụ khoa.
Hương thuê bác sĩ và móc nối với Lê Công Ngôi, Nguyễn Văn Tâm làm “cò mồi” quanh cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Hai người này mặc áo bảo vệ, giả làm nhân viên bệnh viện để tiếp cận, dụ người bệnh ra ngoài khám, nói dối bệnh viện đang sửa chữa.
Mỗi bệnh nhân được Ngôi và Tâm đưa đến phòng khám, Hương trả công 10% số tiền thu được. Cơ quan điều tra xác định, từ khi hoạt động đến ngày 2/7, đã có 27 người đến khám, số tiền Hương thu là 123 triệu đồng. Dù Hương chỉ học trung cấp điều dưỡng, không có chứng chỉ hành nghề, nhưng vẫn trực tiếp khám, xét nghiệm, kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Cảnh giác tránh tiền mất, tật mang
Tình trạng “cò” lộng hành trước các cổng bệnh viện gây bức xúc cho người dân, làm giảm uy tín dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện. Lãnh đạo các bệnh viện: Việt Đức, Bệnh viện K (Quán Sứ), Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã phối hợp với cơ quan chức năng quyết liệt mạnh tay xử lý.
Ông Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đơn vị nhiều lần phát hiện và nhận được phản ánh về tình trạng nói trên. Bệnh viện đã phối hợp với cơ quan công an để ngăn chặn nạn “cò mồi” chèo kéo bệnh nhân, móc nối với phòng khám tư nhằm trục lợi.
“Các thủ đoạn dụ dỗ, lừa đảo, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của công an thành phố Hà Nội mới xử lý được. Bệnh viện đã cử người thu thập bằng chứng, hình ảnh, video để phối hợp với cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ quản lý trong khuôn viên bệnh viện”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói.
Theo ông Ánh, từ cuối năm 2024 đến nay bệnh viện nhiều lần làm việc với công an để tổ chức tuần tra, kiểm soát các điểm nóng quanh các cổng của bệnh viện.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định: Mọi dịch vụ khám, điều trị đều thực hiện trong bệnh viện, không ai có quyền dẫn bệnh nhân đi khám ở cơ sở khác để hưởng hoa hồng. Nạn nhân là những phụ nữ mang thai, bị lừa dẫn sang các phòng khám tư kém chất lượng.
Vì thế, người dân cần tỉnh táo, để tránh bị kẻ gian dụ dỗ lừa đảo. Bệnh nhân có nhu cầu khám, chữa bệnh nên đến trực tiếp cơ sở y tế để nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ nhân viên y tế và các y, bác sĩ. Tránh nghe theo những lời dụ dỗ từ những người hoạt động xe ôm, những người mặc quần áo đồng phục bảo vệ tự xưng là “người quen bác sĩ” để tránh tiền mất, tật mang.

Ghi nhận thực tế của Báo GD&TĐ, ngày 13/7 sau đợt cơ quan chức năng quyết liệt xử lý tình trạng “cò” tại cổng các bệnh viện, bất ngờ hàng loạt phòng khám quanh khu vực bệnh viện đột nhiên đóng cửa. Phố Thợ Nhuộm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn là nơi tập trung hàng loạt phòng khám tư ngay cạnh Bệnh viện Phụ sản Trung ương vốn nhộn nhịp thì nay im ắng.
Chị Trang, một người dân tại đây cho biết, lâu nay đội “cò” hoạt động công khai nhằm lôi kéo người dân từ cổng bệnh viện sang phòng khám tư. Những người này được cơ sở phòng khám tư trả “hoa hồng” mỗi khi đưa được bệnh nhân đến. Chị Trang cũng đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân bức xúc khi phải trả một khoản tiền cao cho phí khám, xét nghiệm và thuốc tại một số phòng khám tư ở khu vực này.
Ngày 12/7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu khẩn trương kiểm tra, báo cáo vụ việc nhóm “cò mồi” giả danh bảo vệ bệnh viện lôi kéo, dụ dỗ bệnh nhân vào phòng khám tư. Yêu cầu báo cáo về công tác thẩm định cấp giấy phép hoạt động đối với Phòng khám sản phụ khoa Thu Hương trước10 giờ ngày 14/7 về Bộ Y tế.