Dạy thật – thi thật
Trước thềm năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã công bố các quy định, kế hoạch năm học 2018 – 2019, trong đó có kế hoạch cụ thể của từng tuần một. Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết - việc công bố này nhằm tạo tính chủ động trong xây dựng kế hoạch và thực hiện công việc đối với cán bộ, giáo viên và HS; giảm áp lực chờ đợi không cần thiết của phụ huynh, tạo tính kết nối và hệ thống trong công tác quản lý, điều hành của toàn ngành từ Sở xuống đến các cơ sở.
“Ví dụ như thi học kỳ thì tất cả các bậc học sẽ tổ chức thi trong cùng một khoảng thời gian. Công tác trọng tâm năm học 2018 – 2019 ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học cũng đã được công bố. Điều này sẽ tạo nên tính kết nối giữa các phòng ban trong Sở, giữa Sở với các Phòng GD&ĐT và từng đơn vị trường học. Các trường sẽ chủ động loại bỏ những gì không cần thiết đối với đơn vị họ và bổ sung những hoạt động thiết thực, phù hợp. Đây cũng là cơ sở để phụ huynh HS chủ động trong nắm bắt thông tin của ngành” – ông Vĩnh phân tích.
Một điểm đáng lưu ý, theo như ông Nguyễn Đình Vĩnh là trong chỉ đạo chuyên môn, ngành GD-ĐT Đà Nẵng sẽ hết sức chú ý việc dạy – học ở khối lớp Một. Giải thích điều này, ông Vĩnh cho rằng đây là năm học cuối cùng thực hiện chương trình SGK cũ đối với lớp Một. “Năm học tới sẽ thay đổi chương trình - SGK lớp Một, không thể loại trừ tâm lý sao lãng ở cả giáo viên và phụ huynh nên nếu buông lỏng công tác quản lý, các em lớp Một sẽ bị thiệt thòi”.
HS trung tâm TP Đà Nẵng và HS miền núi xã Hòa Bắc trao tặng quà cho nhau trong chương trình Ngày yêu thương hè 2018 |
Lớp học không tường
Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, trong năm học 2018 – 2019, ngành GD-ĐT Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực tạo một môi trường giáo dục để HS có điều kiện phát triển toàn diện.
Với quan điểm: Hãy ngăn chặn các trò chơi vô bổ bằng việc phát huy tốt trò chơi dân gian – một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường để đưa trò chơi dân gian vào trường học. “Ngoài mang lại cho HS niềm vui thì trò chơi dân gian còn giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng sống như tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác thông qua các trò chơi mà không hề gượng ép” – ông Vĩnh chia sẻ.
Bên cạnh việc đảm bảo các kiến thức căn bản của chương trình học, Sở GD&ĐT chủ trương các trường sẽ tăng cường các hoạt động ngoại khóa cũng như các giờ học thực địa, thực nghiệm. Các trường học sẽ phát triển các chương trình lớp học ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, chú trọng rèn luyện các kỹ năng cho HS như rèn luyện thể chất, kỹ năng xã hội, tự phục vụ, bảo vệ bản thân… cho HS.
Ông Vĩnh cho biết: “Chúng tôi khuyến khích học gắn với hành, tạo hứng thú cho HS bằng cách kết nối đưa các em tham gia với các đơn vị sản xuất, cơ quan xí nghiệp, bảo tàng, trung tâm khoa học thực nghiệm, trung tâm khoa học giáo dục quốc tế để tạo không khí học tập năng động. Khoảng 5 năm lại đây, Đà Nẵng tổ chức rất thành công chương trình học Lịch sử tại hệ thống các bảo tàng của địa phương để kết nối HS với hiện vật, liên hệ với lịch sử của địa phương”.
“Để giáo viên tận tâm, tâm huyết với nghề, phải tạo được môi trường làm việc thuận lợi cho họ. Ngoài giảm tải hồ sơ sổ sách, hội họp, loại bỏ những cuộc thi không cần thiết, Đà Nẵng đã triển khai cho GV được chọn nhiệm sở theo năng lực của mình dựa trên kết quả kỳ thi tuyển viên chức. Tất cả những gì liên quan đến thủ tục tiếp nhận đều được ngành GD-ĐT giải quyết nhanh gọn để tiết dạy đầu tiên của các giáo viên trẻ được tiến hành trong một tâm thế hoàn toàn chủ động, tạo hứng khởi cho cả một hành trình dạy học phía trước. Đằng sau câu chuyện này là sự kỳ vọng rằng, bản thân GV khi được chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện ăn ở, đi lại sẽ khuyến khích họ cống hiến, tạo được niềm tin về sự công bằng nơi môi trường mà mình công tác”.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng