Doanh nghiệp 'than' vì thủ tục của gói hỗ trợ lãi suất 2%

GD&TĐ - Gần 3 tháng kể từ khi Nghị định số 31 của Chính phủ hỗ trợ lãi suất 2% cho hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nhưng mới chi được 1 tỷ đồng trong tổng số 40.000 tỷ đồng...

Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh họa

Điều kiện khó, thời gian ngắn

Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ vẫn còn chậm, nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ này.

Về kết quả triển khai, theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng. Dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Sau 3 tháng triển khai Nghị định có rất ít hồ sơ được phê duyệt. Còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng theo gói này.

Trước hết, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi vay. Khi các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực cho vay an toàn thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu kém gặp khó khăn do đại dịch, không có tài sản bảo đảm sẽ không thể tiếp cận được.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, để tiếp cận được gói vay, có nhiều thủ tục từ phía ngân hàng, quá trình thẩm định khá phức tạp. Các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại.

Theo đó, các khoản vay phải chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách khác, không có nợ quá hạn, có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh khả thi. Đồng thời, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023 là quá ngắn để xoay xở thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ.

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, tính đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, điều kiện vay vốn… Mục đích để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung cho phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số đoàn công tác tiến hành khảo sát quá trình triển khai. Đồng thời nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có giải pháp khắc phục theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký ban hành Chỉ thị về triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng. Trong đó, đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đối tượng, mục đích. Đồng thời ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.

Bên cạnh đó là nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Điều này để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất hay đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.

Đến nay, trên cơ sở đề xuất của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã đăng ký dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, 2023 thực hiện hỗ trợ lãi suất từ 40.000 tỷ đồng. Trong đó năm 2022 là 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/7 đạt 9,42%. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 5 tháng cuối năm, theo tính toán, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước trong vòng 2 năm từ 2022 - 2023 được các ngân hàng ước tính sẽ dành khoảng 800 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay. Mục đích để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện.

Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Do vậy, với việc tín dụng chỉ còn được tăng trưởng chưa đến 500.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm thì nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải tăng hạn mức tín dụng lên 15 - 16% cho năm nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sức ép tài chính với doanh nghiệp rất lớn. Việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và giai đoạn sau này rất quan trọng. Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất. Cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất các nội dung trong triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31. Đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân tiền mặt trên 100 triệu đồng và sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.

Một số lãnh đạo ngân hàng khác kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ các khoản vay bằng ngoại tệ. Đồng thời mở rộng đối tượng về xuất khẩu lúa gạo, xây lắp... Ngoài ra, cần có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh kiểm tra cho doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ