Cần rà soát khâu nào chịu ảnh hưởng của đại dịch để hỗ trợ
Chương trình phục hồi kinh tế gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, gói hỗ trợ cần tập trung, tránh dàn trải và chỉ đầu tư cho những lĩnh vực chịu tác động của đại dịch Covid-19. Ông Cường cho rằng, gói hỗ trợ chỉ dùng vào việc hỗ trợ chống đứt gãy, đảm bảo phát triển kinh tế. Nhưng làm sao phải tránh nguy cơ như trước đây và đặc biệt là việc lợi dụng để trục lợi.
Ngoài các chính sách đã, đang triển khai, lần này có thêm một số chính sách về hoãn, giãn nộp thuế và con số 176 nghìn tỷ đồng bổ sung thêm là cần thiết. Vì vậy, ông Cường đề nghị cần rà soát khâu nào chịu ảnh hưởng của đại dịch để hỗ trợ.
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, dự thảo có chính sách hỗ trợ đề xuất tập trung cho hạ tầng đầu tư giao thông, nhưng đây không phải là dự án bị đình trệ do dịch, nên cần xem xét lại. Đồng thời, đây cũng không phải là nội dung then chốt để phục hồi kinh tế, vì vậy cần ưu tiên cho lĩnh vực nào cần hỗ trợ.
Chỉ ra tác động mạnh nhất là gói hỗ trợ lãi suất với 40 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên ông Cường cũng phân tích, với mức hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp vẫn phải trả ra mức lãi suất sau hỗ trợ từ 6 - 7%. Vì vậy, hỗ trợ này rất khó khả thi với nhiều lĩnh vực đang rất khó khăn như du lịch, phục hồi kinh tế… Từ thực tế này, ông Hoàng Văn Cường đề nghị cần tính lại gói hỗ trợ lãi suất nền kinh tế, với mức từ 4 - 5% tương đương mức lạm phát, sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ và sức lan tỏa cũng mạnh mẽ sau hai năm.
Thảo luận nội dung này, nhiều ý kiến cũng chỉ ra, việc logistics đứt gãy tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Trong khi gói không đề cập tới việc hỗ trợ cho lĩnh vực này.
Thực tế vừa qua, mặt hàng nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu và rất cần đầu tư cho hệ thống kho bãi, cảng biển. Vì vậy cần tính đến việc hỗ trợ cho logistics tại các cảng biển, cửa khẩu… Đặc biệt, vẫn có tình trạng các phương tiện vận tải chủ yếu đi lại 1 chiều do chưa có sự liên kết, nên cần có sự kết nối để tận dụng được mạng lưới vận tải, cũng như giảm chi phí.
Qua đại dịch nổi lên việc chính sách nhà ở cho công nhân, vì vậy các ý kiến cũng đề nghị việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân cần được quan tâm nhiều hơn, qua đó đảm bảo điều kiện an sinh xã hội.
Theo đánh giá, với mức thu nhập như hiện nay, công nhân lao động rất khó tích lũy để mua được nhà ở, nên cần phải có nguồn vốn ngân sách để xây nhà cho thuê. Đồng thời, các dự án nhà ở cho công nhân phải gắn liền với các khu công nghiệp và được cho thuê dài hạn.
Mạnh dạn mở cửa thị trường kèm theo cải cách thể chế
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá gói hỗ trợ này hết sức cần thiết nhưng phải bảo đảm kỷ luật trong triển khai thực hiện, khía cạnh đạo đức xã hội, bảo đảm chống tham nhũng.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nên đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng cấp bách thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ. Theo ông Lộc, chúng ta cần thay đổi tâm thế là vượt lên đại dịch, vẫn phục hồi và phát triển kinh tế cho phù hợp với thực tế. Bởi quý III vừa qua chúng ta đã lỡ nhịp tăng trưởng kinh tế, nên cần khắc phục.
Ông Vũ Tiến Lộc ủng hộ các giải pháp Chính phủ đưa ra, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là kiểm soát lạm phát và nợ xấu của ngân hàng. Gói hỗ trợ 291 nghìn tỷ đồng là phù hợp với việc hỗ trợ và bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô.
Theo ông Lộc, việc cải cách thể chế và thủ tục, dự án là rất quan trọng, vì thế cần tạo đột phá về vấn đề này để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tốt nhất. Khả năng hấp thụ của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn của thể chế, đề nghị áp dụng với các dự án đầu tư toàn xã hội các chính sách ưu đãi trong thủ tục.
Theo đại biểu, việc đột phá vào chính sách chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Mạnh dạn mở cửa thị trường, kèm theo các biện pháp y tế, cải cách thể chế. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục, thực hiện thí điểm trong thời gian 2 năm. Mục đích không chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhanh các dự án vào sản xuất kinh doanh giai đoạn này, mà còn có thể định hình thể chế của chúng ta trong giai đoạn sau.
Nhấn mạnh việc đại dịch không biết bao giờ mới kết thúc, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, chống dịch vẫn phải là mục tiêu số một trong chương trình này. Trong đó, mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội là quan trọng nhất.
Theo ông Trí, nhóm giải pháp thực hiện mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh là không hợp lý, mà cần kết cấu lại cho rõ ràng hơn. Đề cập đến câu chuyện vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có đề án cụ thể giao cho một đơn vị đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc-xin trong nước.