Cần tối giản thủ tục từ các gói hỗ trợ

GD&TĐ - Gói hỗ trợ lao động, doanh nghiệp được ví như chiếc bình oxy kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân đang đuối sức vì dịch bệnh. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt, quyết định đến nội lực của doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt, quyết định đến nội lực của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Khó khăn trước mắt còn rất lớn

Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, đợt bùng phát dịch thứ tư tiếp tục để lại những hậu quả nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Hàng triệu lao động phải hồi hương về quê vì không còn việc làm và khoản tích cóp cũng không đủ để cầm cự nơi đô thị.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và ban hành Nghị quyết số 03. Lần đầu tiên quyết định một gói hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền lên đến 30 nghìn tỷ đồng. Hỗ trợ khoảng 13 triệu lao động và yêu cầu phải hoàn thành xong trong 3 tháng. Cùng với đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0% và ước tính có khoảng 390 nghìn doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 406 về chính sách miễn thuế, giảm thuế.

“Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách này được ví như chiếc bình oxy kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân đang đuối sức vì dịch bệnh. Tính thiết thực của nghị quyết là rõ ràng về tiêu chí đối tượng, để không mất thời gian trong triển khai và thuận lợi cho công tác giám sát sau này. Trong bối cảnh ngân sách đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay, thì chính sách này thực sự là một sự chia sẻ rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.

Theo bà Thủy, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. Những quyết sách kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa qua đã giúp tháo gỡ một bước khó khăn của người dân, doanh nghiệp để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt còn rất lớn. Do đó, bà Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và ứng với đó là nhiều việc làm sẽ bị mất đi. 

Cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ đã ban hành

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam cho biết, có thể nói chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn như hiện nay. Vì vậy, cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua. Trên thực tế, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng.

“Việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sản lượng giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước. Lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu vận chuyển chi phí tăng mạnh, gánh nặng các chi phí vừa sản xuất, vừa chống dịch lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. Hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng cửa do dịch bệnh như khách sạn, nhà hàng thì việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực này thực sự là không có ý nghĩa” – ông Nguyễn Như So nêu.

Theo ông So, cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động, xét duyệt cho đối tượng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này. Vì vậy, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp cho các doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.

“Trên thế giới để vượt qua đại dịch Covid-19 thì hầu hết các quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 44% - 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn cho với trần nợ công 60% GDP. Do vậy chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề” – ông So nhấn mạnh.

Theo ông So, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp là trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Muốn vậy, phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt, quyết định đến nội lực của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.

Ông So cũng cho rằng, qua làn sóng dịch bệnh Covid-19, càng hiểu rõ muốn vươn ra thị trường thế giới phải đứng vững trên thị trường nội địa. Lấy thị trường này với gần 100 triệu dân làm điểm tựa, là tài nguyên cho phát triển kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó cũng cần chủ động nguyên liệu cho sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp. Hỗ trợ và tăng cường liên kết, tận dụng tối đa thị trường mới từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng đa dạng hóa thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ