Đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

GD&TĐ - Thời gian qua, diễn biến giá xăng dầu phức tạp, khó dự báo. Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chiều 2/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sau 9 năm thực hiện, Luật giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực. Song, luật cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

Cụ thể hóa 9 nhóm chính sách

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước; nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hướng đến thực hiện các mục tiêu hài hòa lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, người dân và nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định tại Luật giá và các Luật chuyên ngành có quy định về giá còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất. Loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, vướng mắc; đồng thời Luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới Luật đã ổn định.

Nội dung dự thảo Luật giá (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 9 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Dự án Luật, gồm: Những quy định chung; Chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; Chính sách về phương pháp định giá; Chính sách về bình ổn giá; Chính sách về hiệp thương giá; Chính sách về kê khai giá; chính sách tổng hợp, phân tích, dự báo; các chính sách về nội dung thẩm định giá và Doanh nghiệp thẩm định giá; Chính sách về thẩm định giá của Nhà nước.

Đối với chính sách về bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết. Qua đó, bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, nhưng có điều chỉnh theo nội dung chính sách. Bên cạnh đó, dự thảo Luật giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù. Quỹ được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật giá. Tổng mức trích lập hằng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước, tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá. Việc quy định tại Luật giá có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy, thời gian qua, diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo. Do đó, công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện. Qua đó, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Cần thiết ban hành Luật Giá sửa đổi

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi). Ông Nguyễn Phú Cường đồng thời chỉ rõ, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Giá năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế cần kịp thời sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Cụ thể, vai trò, phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng đã và đang cản trở hoạt động trong một số lĩnh vực. Ngoài ra, tính thống nhất, đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá trong một số trường hợp chưa bảo đảm. Do đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Về phạm vi sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ: Giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; Mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… ngoài việc tuân thủ Luật này, cũng sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo căn cứ áp dụng, minh bạch, dễ tiếp cận.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất, cụ thể, bao quát của dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá. Song, cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này. Đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo. Cần rà soát, bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong chính Luật Giá.

Về nguyên tắc bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung - cầu. Đối với một số mặt hàng, cần có khung giá phù hợp, kiểm soát tốt biến động giá. Từ đó, kiềm chế lạm phát hoặc giảm phát. Hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường. Hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, việc quy định về Quỹ bình ổn giá cần đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn, làm rõ ưu điểm, nhược điểm. Đồng thời, xác định rõ trường hợp thành lập, điều kiện thành lập. Việc thành lập Quỹ cần có mục tiêu, thời hạn và giải thể Quỹ khi hoàn thành mục tiêu.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần phải đổi mới. Cụ thể, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường. Việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa. Cần tăng cường trách nhiệm quản lý, đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, so với quy định của Luật hiện hành, Dự thảo Luật bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy nhiên đề nghị rà soát, để một mặt bảo đảm vai trò quản lý nhà nước song phải tôn trọng yếu tố thị trường. Đồng thời, bổ sung các tiêu chí để bảo đảm tính cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đối với một số lĩnh vực đặc thù cần đánh giá kỹ thực tiễn để có quy định khắc phục những bất cập phát sinh thời gian qua.

Đối với giá sách giáo khoa, đây là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, gồm người thu nhập thấp. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị cần kiểm soát, khống chế mặt bằng giá. Từ đó, không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ