Lĩnh vực có nguy cơ bị tội phạm rửa tiền tấn công
Sáng ngày 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho biết, lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp. Do thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.
Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết. Không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế, mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản. Bởi, đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến. Nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.
Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng nhấn mạnh cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản. Cụ thể, cần quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Qua đó, chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị thiết kế một chương hợp tác quốc tế về phòng chống rửa tiền để đảm bảo tính logic của dự thảo Luật.
Kiểm soát giao dịch của tội phạm tẩu tán tài sản
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) bày tỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, cần ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. |
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận, thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát. Dự báo thời gian tới, việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung cụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu đối với khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý vì quá dài.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, cần ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tránh trường hợp đối tượng hoặc tội phạm tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn này trong thời hạn còn 3 ngày kể từ khi nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo.