Sáng ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Lý do gây hư hỏng không được chấp nhận
Đại biểu Lê Văn Thìn – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, chúng ta thấy bên cạnh những chuyển biến tích cực, còn có những vấn đề đòi hỏi phải có giải pháp để tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Đại biểu Lê Văn Thìn nêu ý kiến và góc nhìn trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đại biểu Lê Văn Thìn – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên. |
Cử tri Phú Yên và những người lưu thông những năm qua có ý kiến rất nhiều về sự hư hỏng của tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Phú Yên và Bình Định. Mùa khô thì mặt đường lồi lõm, chắp vá, tạo rãnh mấp mô. Mùa mưa thì rất nhiều ổ voi, ổ gà, xuất hiện chi chít chỉ sau vài cơn mưa. Không chỉ gây khó khăn cho hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Nguyên nhân của vấn đề nêu trên được Khu quản lý đường bộ 3 của Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra. Trong đó, bao gồm do biến đổi khí hậu, điều kiện đồi núi phức tạp, hiện trạng đường sử dụng lâu có nhu cầu sửa nhưng không được cấp kinh phí đầy đủ.
Tuy nhiên đại biểu Lê Văn Thìn nêu rõ, những lý do này chưa được cử tri chấp nhận. Bởi, không chỉ đến năm nay, mà tình trạng hư hỏng mặt đường đã diễn ra nhiều năm. Theo báo cáo, số kinh phí được cấp để sửa chữa vào các năm 2021, 2022 và dự kiến năm 2023 lần lượt là: 63,5 tỷ, 125,5 tỷ và 173 tỷ, chiếm 48% - 66% nhu cầu sửa chữa.
Đại biểu cho rằng, nếu tính đầy đủ chi phí mà người dân phải mất khi lưu thông qua đoạn đường này như chi phí hư hỏng hàng hóa, hư hỏng phương tiện vận chuyển, chi phí mất nhiều thời gian đi lại… thì con số đó hoàn toàn khác và đây là sự lãng phí rất lớn. Đại biểu Lê Văn Thìn nhận thấy, biến đổi khí hậu và những nguyên nhân khác mà Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra không phải là nguyên nhân chính của việc hư hỏng kéo dài. Bởi, kỹ thuật thi công hiện nay có thể khắc phục được phần lớn vấn đề địa chất nếu chúng ta thực hiện đúng quy trình, quy định.
Vì vậy, đại biểu và cử tri Phú Yên đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải có giải pháp sửa chữa hiệu quả, bền vững, tiết kiệm hơn. Đại biểu Lê Văn Thìn cho rằng, chúng ta có thể thay đổi cách làm, tổ chức thực hiện. Qua đó, nhằm có chất lượng cao, chống lãng phí mà không cần phải chờ đợi sự thay đổi của chính sách pháp luật.
Nhiều công trình vốn Nhà nước bị thất thoát
Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) quan tâm vấn đề giám sát về dịch vụ công. Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí. Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lực lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa của sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm.
Theo đại biểu Trần Quang Minh, nhiều công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí. |
Khó khăn là vậy nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lãng phí trong thực tế đối với các công trình, dự án, hoạt động cụ thể, từ việc lớn đến nhỏ ở hầu khắp các lĩnh vực được giám sát và kể cả chưa được giám sát. Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn. Ngoài việc liên quan đến tham nhũng, không loại trừ nhận thức, ý thức trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường.
Đại biểu Trần Quang Minh đưa ra điển hình về những hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ như trong thời gian vừa qua hay những con số thực sự cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Lĩnh vực đầu tư công được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu.
Đại biểu Trần Quang Minh khẳng định: “Người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày một chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Ví dụ điển hình trong thời gian qua, đó là một trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động. Ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan, sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực. Theo đó, đối với lĩnh vực công cần phải có những công cụ thể để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng thay vì định tính như hiện nay”.