Bảo đảm các chính sách, quyền lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Ủy ban Dân tộc thống nhất đề xuất, sửa đổi bổ sung các chính sách, kéo dài thời gian với nhóm không còn ở địa bàn đặc biệt khó khăn.

Bảo đảm các chính sách, quyền lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Mở rộng đối tượng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng về đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, đề ra các nhiệm vụ chủ yếu, bao gồm xây dựng tiêu chí phân loại vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển. Căn cứ vào đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với 51 địa phương rà soát, đối chiếu các tiêu chí, trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 861 phê duyệt các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ra Quyết định 612 phê duyệt các hộ thuộc vùng đặc biệt khó khăn, các xã, thôn thuộc khu vực 2, khu vực 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Ông Hầu A Lềnh cho rằng, các chính sách đã ban hành giai đoạn trước đã được tích hợp khi xây dựng chương trình mục tiêu. Ủy ban Dân tộc thống nhất với các Bộ, ban ngành, báo cáo Thủ tướng đề xuất, sửa đổi bổ sung các chính sách theo hướng mở rộng đối tượng. Kéo dài thời gian với các đối tượng không còn nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn.

Về giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, các chương trình mục tiêu, tính đến nay được đánh giá là chậm do nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân khách quan, do chương trình mục tiêu mới, nhiều đối tượng, dự án nhỏ lẻ, quy trình, thủ tục theo các quy định của pháp luật cũng phức tạp. Chương trình có nhiều dự án, nhiều ngành quản lý địa bàn rộng với tượng rộng và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các điểm, các từ cấp Trung ương cho những địa phương cũng còn hạn chế. Hệ thống văn bản, pháp luật cũng có một số nội dung chưa được điều chỉnh, hoàn thiện.

Về nguyên nhân chủ quan, việc ban hành văn bản ở các Bộ, ngành, địa phương có những nội dung chưa kịp thời. Công tác chỉ đạo ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Để thực hiện tốt Chương trình, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ thực hiện một số giải pháp như sau: tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn theo yêu cầu. Kịp thời cập nhật những khó khăn để đề xuất xử lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương. Phát huy vai trò người đứng đầu của các cấp, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động để khơi dậy, tạo sự đồng thuận của nhân dân và sự chung tay của toàn xã hội.

Hỗ trợ mua BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trước đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) khẳng định, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, khi người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang dần quen với việc tìm đến bác sĩ, cơ sở y tế để thăm khám, điều trị bệnh, thì cơ hội cho điều đó thật khó. Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có ghi số người tham gia bảo hiểm y tế tại một số nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế giảm.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát kỹ lưỡng, chính xác, có đánh giá chi tiết, cụ thể để thấy được người dân khu vực 3, khu vực 2 giờ là khu vực 1 có cuộc sống đã thật sự hết nghèo, hết khó chưa? Nhà nước không cần hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, người dân có thể tự đóng bảo hiểm y tế, tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho một lượt khám ngoại trú là 500.000 đồng; cho một lượt nội trú là 4 triệu đồng hay không?

Giải pháp thứ hai là yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Cũng tại phiên thảo luận Hội trường, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La) thông tin đồng bào cử tri và Nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi rất vui mừng, rất kỳ vọng về 3 chương trình mục tiêu Quốc gia được ban hành. Tuy nhiên, hiện nay 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai rất chậm. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển của 3 chương trình đến hết tháng 9/2022 ở mức rất thấp, chiếm 2,86%. Đến nay,vẫn còn thiếu nhiều văn bản của Bộ, ngành để hướng dẫn địa phương thực hiện.

Đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành đồng bộ các văn bản phân bổ vốn kịp thời, đầy đủ để triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; nghiên cứu, tổ chức đánh giá và sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập ở địa phương khi triển khai áp dụng thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định 612.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ