Đề xuất giáo dục địa phương của Thủ đô trở thành môn Hà Nội học

GD&TĐ - Các chuyên gia đề xuất, giáo dục địa phương của Thủ đô cần trở thành môn giáo dục Hà Nội học để dạy cho học sinh phổ thông Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.

Đề xuất trên được thảo luận tại Hội thảo Khoa học “Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội – thực trạng và giải pháp” do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức sáng 9/5.

Giúp giáo viên dạy tốt nội dung giáo dục địa phương

Qua 28 bài tham luận gửi đến Hội thảo, cùng với hơn 3.000 phiếu khảo sát, bước đầu Ban tổ chức đã có những cơ sở để đánh giá thực trạng dạy học giáo dục địa phương của Hà Nội hiện nay.

Phát biểu khai mạc, TS Đỗ Hồng Cường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội khẳng định, giáo dục địa phương trong các trường phổ thông ở Hà Nội không chỉ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà còn là sức mạnh mềm, nội sinh khơi dậy khát vọng vươn lên của những công dân Thủ đô trẻ.

Việc Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo "Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp" nhằm có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên. Qua đây, giúp giáo viên dạy tốt nội dung giáo dục địa phương TP Hà Nội trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ đó, hướng đến thực hiện nhiệm vụ mà thành phố giao cho Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đào tạo giáo viên dạy môn Hà Nội học trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

TS Lê Thị Thu Hương - Trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường ĐH Thủ đô – nhấn mạnh, giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học.

Trên cơ sở đó, góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Đây là chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc tổ chức Hội thảo Khoa học “Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội – thực trạng và giải pháp” để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá đúng thực trạng của việc dạy kiến thức địa phương ở các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

Từ đó nâng cấp dần lên thành môn khoa học Hà Nội học để dạy cho học sinh tại các trường phổ thông. Trong các tham luận từ các trường phổ thông, các giáo viên đều mong muốn được bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội học trong thời gian tới.

Về lâu dài, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần xây dựng chương trình và đào tạo hệ cử nhân sư phạm Hà Nội học, để sau khi tốt nghiệp, sinh viên đảm nhiệm dạy nội dung giáo dục địa phương trong các trường phổ thông.

Mục đích hướng đến giáo dục địa phương của Hà Nội phải là một môn khoa học, được đối xử công bằng trong nhà trường và môn học này sẽ giúp học sinh thêm yêu Hà Nội, là nguồn nhân lực trẻ có khát vọng vươn lên thực hiện các nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhân dân cả nước giao trách nhiệm cho Thủ đô.

Cần đào tạo hệ cử nhân sư phạm Hà Nội học

Nhấn mạnh, giáo dục địa phương của Hà Nội phải là giáo dục Hà Nội học cho học sinh phổ thông; GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương – cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy Hà Nội học, để giảng dạy cho học sinh phổ thông trên địa bàn.

Theo GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú đã đến lúc chúng ta phải có điều kiện cần và đủ để đưa môn Hà Nội học vào môn học chính của giáo dục phổ thông trên địa bàn Thủ đô. Để làm được điều này, chúng ta cần huy động các nguồn lực về con người, văn hóa. Trong đó, phải có môn Hà Nội học và Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy bộ môn này.

Trên cơ sở đó, GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú kiến nghị, Thành ủy Hà Nội sớm có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT để đưa chương trình giáo dục địa phương trở thành môn Hà Nội học trong chương trình phổ thông; đồng thời, Thành ủy sớm ban hành chủ trương để phát triển ngành Hà Nội học.

GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú tham luận tại hội thảo.

GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú tham luận tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục địa phương trong chương trình phổ thông. Đây là cơ hội để chúng ta giáo dục về tình yêu Hà Nội cho học sinh.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.

Trong đó, gắn giáo dục địa phương với lịch sử của từng địa phương, chú trọng đến các yếu tố thời đại, linh hoạt, động và mở để học sinh hiểu rõ các giá trị về văn hóa, lịch sử, thời đại của Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần chú trọng truyền tải các thông tin, kiến thức về Hà Nội học cho sinh viên. Trong đó, nhà trường cần xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, xác định các nhóm ngành đạo tạo mũi nhọn về đào tạo giáo viên cho Thủ đô; trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn của Hà Nội. Trong đó, Hà Nội học phải trở thành môn học mũi nhọn trong chương trình nghiên cứu và đào tạo của nhà trường.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 28 bài Ban tổ chức nhận được 28 bài viết, các bài viết tập trung vào 2 chủ đề: Một số vấn đề chung về Hà Nội học và Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội; Thực trạng và giải pháp dạy Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội ở các trường phổ thông hiện nay. Các tham luận đưa ra nhiều đề xuất; trong đó cần giải quyết sớm về vấn đề tài liệu học, vấn đề bồi dưỡng giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.