Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục, thẩm quyền, đơn vị chủ trì và tiêu chí xác định giá, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định: “Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương...”.
Luật Giáo dục 2019 tại khoản 1, điểm d, Điều 32 đã quy định: “Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt”. Khoản 4 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục địa phương ”.
Như vậy, theo quy định, việc biên soạn, thẩm định, in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương thuộc trách nhiệm của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2020/TT-BGD&ĐT quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 51/2019/TT-BTC ngày 15/9/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo báo cáo của các sở GD&ĐT, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, một số địa phương tiến hành in ấn, phát hành tài liệu kịp thời thuận lợi, còn lại đa số địa phương chưa in ấn phát hành được tài liệu.
Trước thực trạng đó, ngày 25/11/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 6220/BGD&ĐT-KHTC về việc tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn vướng mắc trong biên soạn, thẩm định, xuất bản rà soát, xây dựng phương án điều chỉnh quy trình biên soạn, thẩm định, xuất bản. Trong đó cần xác định rõ vấn đề về bản quyền đối với tài liệu giáo dục địa phương để đảm bảo tính chủ động trong in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trong thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để hướng dẫn các địa phương tháo gỡ những khó khăn về in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.