Còn nhiều khó khăn
Phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân HS và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội.
Phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, nó góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Theo thầy Phạm Bá Nhoan, trong những năm vừa qua, mặc dù công tác phân luồng HS sau THCS và THPT có chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
Cụ thể, còn tâm lý chạy theo bằng cấp; riêng các trường miền núi có thêm một khó khăn rất lớn là nhận thức của các học sinh lớp 9 còn rất hạn chế để có thể tự lập đi học nghề.
Các mô hình trường vừa kết hợp dạy nghề và dạy văn hóa tương đương THPT, vẫn còn những bất cập riêng, chưa phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của HS THCS và phụ huynh học sinh. Cơ sở khó khăn hơn trong tuyển sinh, trong thu hút học sinh vào học.
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học đường ở nhiều trường THCS chưa được quan tâm đúng mức.
Thiếu hệ thống thông tin về giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng HS sau THCS và THPT; thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động, việc làm, về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp…
Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp còn thấp. Một tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, thất nghiệp, không tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và trình độ được đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kém hấp dẫn và khó thu hút học sinh vào học.
Ngoài ra còn có những hạn chế về chính sách lao động, việc làm và chính sách lương đối với người tốt nghiệp trình độ sơ, trung cấp dẫn đến hạn chế trong việc thu hút học sinh vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Không “bỏ khoán” cho giáo dục
Để thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS và THPT, thầy Phạm Bá Nhoan cho rằng, cần đòi hỏi triển đồng bộ các giải pháp, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ sở giáo dục, đào tạo và các doanh nghiệp; không “bỏ khoán” cho giáo dục.
Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển con người.
Xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo liên thông. Điều chỉnh phân luồng HS sau THCS thông qua chính sách điều tiết của nhà nước đối với đào tạo nhân lực, đặc biệt là trong tuyển sinh ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Nhà nước cần nghiên cứu, đổi mới các chế độ, chính sách về lao động, việc làm, chính sách lương và các chính sách khác đối với người lao động có trình độ giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần, chính sách tôn vinh, khuyến khích, đãi ngộ và động viên họ yên tâm gắn bó, cống hiến với nghề nghiệp đã chọn.
Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động, việc làm và dự báo/xu hướng thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm; mô tả vị trí việc làm, thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động theo từng ngành, nghề tương ứng với từng vùng miền, khu vực.
“Để thực hiện phân luồng, điều đặc biệt quan trọng là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nâng cao sức hấp dẫn đối, thu hút HS thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và đổi mới tổ chức đào tạo; gắn đào tạo với sử dụng và thị trường lao động, nâng tỷ lệ HS tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm, làm việc đúng ngành nghề đào tạo.
Cũng đưa giải pháp, ông Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thì cho rằng, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.
Đồng thời, triển khai đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu, nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh đã xác định trong chương trình.
Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.