Ngày 27/8, thông tin từ Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác giáo dục hướng nghiệp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang - Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho hay, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THCS và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện thời gian qua bước đầu đạt một số kết quả.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã tổ chức triển khai thực hiện chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định.
Đồng thời, các trường, các địa phương đã phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học tiến tới đạt chuẩn khu vực.
Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, công tác giáo dục hướng nghiệp còn nhiều khó khăn. Đơn cử là đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy có nội dung hướng nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nên việc tổ chức giảng dạy trong nhà trường chưa đi vào chiều sâu.
Các cơ sở còn lúng túng trong việc đưa các em học sinh đến thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do vướng cơ chế về vận động xã hội hóa. Nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và đào tạo nghề chưa thật sự đầy đủ đối với người dân, phụ huynh và một số cơ sở giáo dục.
Cạnh đó, địa bàn huyện không có cơ sở đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp. Điều kiện đi lại của nhiều em không có, tuổi còn nhỏ nên phụ huynh không yên tâm để con em đi xa. Chính sách hỗ trợ học nghề cho học viên chưa kịp thay đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn từng giai đoạn…
Đồng quan điểm đó, thầy Cáp Phi Hà - hiệu trưởng THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho rằng, việc phối hợp với trường nghề, cơ quan đơn vị đoàn thể tổ chức các buổi ngoại khóa, tư vấn được làm định kỳ.
“Tuy vậy, các trường nghề chỉ phối hợp tư vấn, giới thiệu ngành nghề mà họ có sẵn chứ vẫn chưa chuyên sâu về ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích học sinh. Đặc biệt, các trường chưa có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương đang hoạt động”, thầy Hà chia sẻ.
Cần có cách tiếp cận hệ thống và khoa học
Cũng tại Hội nghị, TS Hoàng Anh Đức, Tổng Giám đốc điều hành, hệ thống giáo dục Sky-line cho rằng, các đơn vị trường học nên sử dụng các bộ công cụ để khảo sát lấy căn cứ làm cơ sở để tư vấn hướng nghiệp, đặc biệt là bộ công cụ tìm hiểu sở thích, hứng thú của học sinh…
Kết luận hội nghị, ông Tô Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhìn nhận, để huyện Hòa Vang phát triển theo hướng lên thị xã, việc chuẩn bị nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu. Việc phân luồng học sinh đúng đắn giúp cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề chỉ riêng ngành giáo dục mà cần sự nỗ lực, kiên trì của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của gia đình, phụ huynh. Các đơn vị cần có những cách tiếp cận hệ thống và khoa học.
Lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang cũng giao Ban Tuyên giáo Huyện Hòa Vang chủ trì xây dựng chương trình tuyên truyền cụ thể đến từng đối tượng, trước mắt thông qua kênh tổ chức Đảng đến từng Chi bộ trực thuộc, các hội đoàn thể, cuộc họp hội phụ huynh… để người dân có hiểu biết về trường hợp học nghề thành công, hệ lụy học sinh bỏ học…
Đồng thời, xây dựng kênh thông tin cập nhật ngành nghề ở huyện Hòa Vang đang cần. Tận dụng cơ sở bỏ hoang hay chưa sử dụng, địa phương sẽ chủ động phối hợp với trường nghề, trường Đại học hình thành điểm dạy nghề cấp xã.