Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề án theo từng giai đoạn. Triển khai hiệu quả, chủ trương này sẽ có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt với học sinh sau THCS trong bối cảnh cơ sở vật chất, giáo viên công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Vận động học sinh không thi vào lớp 10?
Vừa qua, sự việc giáo viên chủ nhiệm lớp 9 tại Nghệ An nhắn tin cho phụ huynh thông báo học sinh không thi được vào lớp 10 THPT khiến dư luận bất bình. Theo đó, phụ huynh em Nguyễn M.K. (lớp 9C, Trường THCS Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) nhận được tin nhắn của cô chủ nhiệm với nội dung:
“Cháu không được tham gia thi vào cấp III chị nhé. Từ chiều nay cho đến khi tổng kết lớp liên hoan, cháu được nghỉ ở nhà, gia đình quản lý cháu nhé. Cháu được xét tốt nghiệp không tham gia ôn thi. Đây là thông báo của nhà trường. Mong phụ huynh hiểu và thông cảm”.
Tin nhắn được gửi cách thời điểm Sở GD&ĐT Nghệ An mở hệ thống trực tuyến cho học sinh lớp 9 đăng ký thi vào lớp 10 THPT 5 ngày (từ ngày 9 đến 15/5 - PV). Sau khi nhận tin nhắn, phụ huynh em K. cho rằng trường cấm học sinh không được thi lên THPT.
Câu chuyện này được chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Về phía em N.M.K. cho biết: “Sau khi nhận tin nhắn từ cô chủ nhiệm, bố mẹ em rất buồn. Bản thân muốn tiếp tục học lên THPT. Em còn nhỏ để đi làm việc sau khi học xong lớp 9”.
Trao đổi với cô N.T.L - chủ nhiệm lớp 9C, Trường THCS Nghi Quang, giáo viên này thừa nhận có nhắn tin như trên với phụ huynh em K. Nội dung thông báo dựa trên cơ sở theo dõi kết quả học tập và điểm kỳ thi khảo sát của lớp theo đề chung của Phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc. Trong đó em K. chỉ đạt gần 6 điểm/3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, được xếp vào diện phân luồng của lớp.
“Việc nhắn tin nhằm mục đích trao đổi và định hướng năng lực thực tế của em K. để gia đình có hướng phân luồng phù hợp. Nếu em không thi vào lớp 10, sẽ giảm áp lực, gia đình bớt gánh nặng chi phí ôn thi. Tuy nhiên, là giáo viên Toán nên lời lẽ của tôi có phần khô khan, chưa linh hoạt, không truyền tải đúng mục đích và gây hiểu nhầm cho phụ huynh. Tôi đã rút kinh nghiệm trong việc tư vấn, định hướng học sinh, phụ huynh”, cô N.T.L. nói.
Ngay sau sự việc này, Trường THCS Nghi Quang đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm lớp 9C, xác minh sự việc và báo cáo với Phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc. Thầy Võ Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Quang cho hay, từ ngữ trong tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm lớp 9C gửi phụ huynh em N.M.K. chưa đúng bản chất sự việc, khiến phụ huynh hiểu nhầm là không cho con thi vào lớp 10 và học ôn tại trường. Nhà trường nhận trách nhiệm, ngay lập tức chấn chỉnh, nhắc nhở giáo viên và có biện pháp khắc phục.
Sau sự việc trên, N.M.K. đã đăng ký thi vào lớp 10 và tham gia ôn tập tại trường. Em cũng cho biết nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Nghi Lộc.
Giờ ôn thi của học sinh lớp 9 Trường THCS Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài |
Áp lực phân luồng
Từ sự việc của Trường THCS Nghi Quang, Phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc đã có văn bản chấn chỉnh công tác phân luồng gửi các trường học trên địa bàn. Trong đó yêu cầu nhà trường thông báo rõ, nếu học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS thì có quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện cũng cho hay, phân luồng là chủ trương đúng, phù hợp xu thế hiện nay. Tuy nhiên, giữa chủ trương và nhu cầu của phụ huynh, còn một số mâu thuẫn. Phần lớn phụ huynh muốn con em được vào lớp 10 THPT công lập. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ từ 70 - 75% so với tổng số học sinh lớp 9, nên ít nhất 25% thí sinh không trúng tuyển.
Tại huyện Nghi Lộc, năm nay tăng hơn 500 học sinh lớp 9 nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ thêm 200. Chưa kể mỗi năm có khoảng 700 học sinh từ thành phố Vinh đăng ký thi tuyển vào các trường THPT trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Vì vậy, áp lực cạnh tranh vào lớp 10 ngày càng lớn.
Thầy Võ Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Quang thông tin thêm, học sinh diện phân luồng được xác định là những em có năng lực học hạn chế. Như tại lớp 9C có 29 học sinh nhưng điểm khảo sát 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh chỉ 2 em đạt trên 15 điểm.
Trung bình chung của lớp chỉ đạt 10,76 điểm/3 môn, trong khi đầu vào các Trường THPT trên địa bàn khoảng 15 điểm trở lên. Vì thế bên cạnh dạy học, công tác định hướng, phân luồng cần thiết và quan trọng để phụ huynh nắm rõ năng lực con em, qua đó quan tâm đến việc học tập và có lựa chọn phù hợp. Sau khi hoàn thành đăng ký, cả trường có 11/92 học sinh lớp 9 không tham gia thi vào lớp 10.
Trường THCS Hà Huy Tập được xem là trường tốp đầu về chất lượng giáo dục của thành phố Vinh. Tuy nhiên, những năm gần đầy, tỷ lệ học sinh đỗ vào trường THPT công lập khoảng 60%. Năm nay, trường có 558 học sinh lớp 9, qua rà soát có khoảng 100 em diện trung bình đến trung bình khá.
Nhà trường đang tăng cường phụ đạo cho các em chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10. Đồng thời gặp mặt phụ huynh để thông báo kết quả học tập, dự báo khó khăn tại kỳ thi trước mắt, đưa ra phương án trong trường hợp học sinh không đỗ lớp 10 công lập.
Trường THCS Nghi Quang có 11/92 học sinh lớp 9 không tham gia thi vào lớp 10. Ảnh: Hồ Lài |
Cần cách làm phù hợp
Mỗi năm, Nghệ An có khoảng 40 nghìn học sinh lớp 9 và dự báo tiếp tục tăng những năm tới, trong khi quy mô trường lớp THPT, đội ngũ giáo viên không mở rộng đáng kể. Chỉ tiêu có hạn, chỉ 70 - 75% học sinh đậu trường công lập, tương ứng với hơn 10 nghìn em còn lại sẽ phân luồng vào trường ngoài công lập, Trung tâm GDTX hoặc học nghề…
Một số địa phương lấy điểm tuyển sinh lớp 10 là một trong các tiêu chí xếp thi đua nên nhiều trường vận động những em có học lực yếu, trung bình không dự thi lớp 10 để có điểm thi trung bình toàn trường tốt hơn. Cách làm này không đúng chủ trương phân luồng và ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh.
Cô Hà Lê Hòa Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, hiện trường phân luồng học sinh thành 3 nhóm năng lực với định hướng tương ứng. Nhóm 1 là học sinh giỏi có khả năng cao trúng tuyển vào trường THPT công lập và trường chuyên.
Nhóm 2 học lực khá, có thể đăng ký vào trường công lập với đầu vào dưới 24 điểm hoặc trường THPT ngoài công lập. Nhóm 3 học lực trung bình, yếu thì tính đến phương án học trường trung cấp nghề hoặc Trung tâm GDTX. Sau khi thi xong, dựa vào đánh giá bài làm thực tế, học sinh có thể đổi nguyện vọng theo quy định của Sở GD&ĐT.
Với nhiều huyện thành thị, đồng bằng, kỳ thi vào lớp 10 ngày càng áp lực, thì ngược lại, ở miền núi cao, tỷ lệ học sinh tiếp tục theo lên THPT lại rất thấp như huyện Kỳ Sơn 48%; Tương Dương 52%; Quế Phong 55%; Quỳ Châu 60%... Thầy Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường THCS Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ, nhiều học sinh không muốn thi vào THPT, học nghề, hoặc vào Trung tâm GDTX. Thay vào đó, các em theo gia đình, người quen đi làm ở các khu công nghiệp.
Ông Lê Văn Hoa - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho hay, mỗi năm huyện có khoảng 1.400 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, còn chỉ tiêu vào công lập chừng 800 em.
“Nhìn vào con số, nguồn tuyển sinh cho trung tâm rất thuận lợi, vì chỉ tiêu mỗi năm của trung tâm là 4 lớp với 180 học sinh. Tuy nhiên những năm qua, chúng tôi chỉ tuyển sinh được tối đa 3 lớp. Thậm chí, số học sinh qua mỗi kỳ học rơi rụng dần và đến năm cuối còn khoảng hơn 80%”, ông Lê Văn Hoa nói và cho hay:
Độ tuổi học sinh lớp 9 nếu đi làm sớm sẽ không hiệu quả, cơ hội việc làm thu nhập tốt rất ít, khả năng phát triển trong công việc hạn chế. Nếu được định hướng đúng, phân luồng hiệu quả sẽ giúp các em có kiến thức nền, kỹ năng nghề nghiệp nhất định, thuận lợi tìm kiếm việc làm. Định hướng này cần làm sớm và tiếp tục duy trì ngay cả khi các em đã vào học nghề.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An vừa ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung thực hiện nhiệm vụ cuối năm học 2023 - 2024. Trong đó, đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phòng GD&ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh.
Học sinh lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Phòng GD&ĐT kiểm tra việc tổ chức thực hiện của đơn vị trực thuộc, nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm.