Đề xuất giải pháp đổi mới kiểm tra đánh giá môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Cô Dương Thu Trang – giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Hồ Xuân Hương (Hà Nội) đề xuất một số giải pháp đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo cô Trang, để nâng cao hiệu quả và đổi mới kiểm tra đánh giá môn Giáo dục công dân (GDCD) theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giáo viên cần:

Một là, đổi mới kiểm tra, đánh giá môn GDCD theo định hướng phát triển năng lực học sinh trước hết cần bám sát mục tiêu dạy học.

Việc kiểm tra - đánh giá kết quả học tập môn GDCD trước hết cần bám sát mục tiêu môn học và chuẩn kiến thức, kĩ năng cần đánh giá. Tuy nhiên, các chuẩn trong chương trình chưa phải là chuẩn đánh giá vì chuẩn đánh giá được hiểu là “biểu hiện cụ thể những yêu cầu cơ bản, tối thiểu của mục tiêu giáo dục mà người học phải đạt được”.

Vì thế, trước khi quyết định kiểm tra, cần thực hiện hoá các mục tiêu và chuẩn yêu cầu cần đạt về kiến thức- kĩ năng và có khi là cả thái độ xác định cho mỗi nội dung học tập của môn học thành các tiêu chí đánh giá cụ thể, có thể đo đếm được, phù hợp với năng lực học tập môn GDCD của học sinh và có thể thực hiện được trong thực tế với khoảng thời gian nhất định.

Việc xác định chuẩn đánh giá sẽ là cơ sở để định ra nội dung và hình thức kiểm tra trong môn học, cũng là căn cứ để có thể đo một cách chính xác các mức độ nhận thức và vận dụng của học sinh.

Hai là, đổi mới đánh giá kết quả học tập môn GDCD của học sinh dựa trên quan điểm tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh (với ý nghĩa học sinh tự giác, chủ động, linh hoạt trong lĩnh hội và vận dụng kiến thức kỹ năng)

Mỗi một đề kiểm tra đều cố gắng tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng học sinh được suy nghĩ, tìm tòi, khám phá… để có thể hiểu, vận dụng tốt các kiến thức, kỹ năng vào quá trình thực hiện bài kiểm tra.

Đặc biệt chú trọng kiểm tra hoạt động nghĩ (tư duy), làm (thực hành) của học sinh. Cụ thể là các hoạt động vận dụng kiến thức kỹ năng đã có để tự giải quyết các vấn đề cụ thể nảy sinh trong đời sống thực tiễn.

Việc đánh giá kết quả học tập môn GDCD của học sinh cần cố gắng thể hiện được tinh thần đổi mới phương pháp dạy học nhằm đánh giá và phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh khi tham gia vào quá trình học tập, khuyến khích học sinh biết cách tự đánh giá kết quả học tập của mình, của bạn thông qua những chỉ số đánh giá mà giáo viên cung cấp.

Ba là, đa dạng hoá các hình thức kiểm tra. Để làm được điều này giáo viên cần nắm vững các kĩ thuật đo lường, đánh giá và tăng cường số lần kiểm tra, kiểm tra bằng nhiều hình thức khác nhau, coi kiểm tra như là một biện pháp kích thích hứng thú học tập môn học, công khai biểu điểm và định hướng đánh giá giúp học sinh tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục những sai sót, hạn chế (nếu có) trong quá trình tìm hiểu, lĩnh hội và vận dụng những kiến thức, kỹ năng của môn GDCD.

Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập…

Tùy vào từng đối tượng học sinh, giáo viên lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp. Như giáo viên có thể cho học sinh lựa chọn 1 trong các hình thức báo cáo kết quả học tập như “nói ra”, “viết ra” hoặc “tạo ra”.

Với hình thức “nói ra” học sinh có thể lựa chọn trình bày bài dưới dạng thuyết trình, vấn đáp, …Với hình thức “viết ra” học sinh có thể lựa chọn trình bày qua sơ đồ tư duy, viết truyện, sáng tác thành bài hát …

Còn với hình thức “tạo ra” học sinh có thể đóng tiểu phẩm, làm video,….Việc lựa chọn hình thức nào sẽ do học sinh lựa chọn, dựa trên những điểm mạnh của bản thân. Việc đổi mới này gạt bỏ áp lực thi cử cho học sinh, các em được thỏa sức sáng tạo, phát huy khả năng của mình, tạo hứng thú trong học tập.

Như đối với chương trình GDCD lớp 10 học kì I, với những tri thức triết học cho thấy, để giảng dạy hiệu quả cho học sinh không phải là một việc làm đơn giản. Đối với các em, kiến thức về triết học là mới mẻ, việc tiếp thu, lĩnh hội tri thức là rất trừu tượng, khó hiểu. Ngay cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng vẫn “sợ” triết học.

Vì vậy dẫn đến tình trạng học sinh không có hứng thú học tập. Đa số chỉ học vẹt, học qua loa mà không hiểu cái hay của triết học, cái giá trị cải tạo thực tiễn, cải tạo bản thân của triết học nên không thích học bộ môn này.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, việc đổi mới hình thức kiểm tra cũng góp phần quan trọng trong việc tạo hứng thú học tập, gắn kiến thức với thực tiễn cho học sinh.

Như sau khi học xong Bài 5 - “Cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng”, giáo viên có thể ra đề bài “Chất” của em là gì? Hãy nêu một vài ví dụ nói lên sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất trong quá trình học tập và rèn luyện của bản thân em?”.

Với đề bài này, đòi hỏi học sinh cần hiểu rõ khái niệm chất, lượng cũng như quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất. Và với đề bài này, liên quan trực tiếp đến mỗi cá nhân, giáo viên nên để học sinh chủ động lựa chọn hình thức báo cáo giúp các em chủ động tìm hiểu kiến thức, phát huy điểm mạnh của bản thân.

Có những học sinh làm video về bản thân, có em lại lựa chọn vấn đáp với cô, có em lại thể hiện qua những bức tranh, và có em lại viết thành bài hát về chính mình. Giáo viên sẽ thực sự ngạc nhiên trước sự sáng tạo của học sinh.

Và thay bằng 45’ phút căng thẳng ngồi làm bài kiểm tra thì các em sẽ được thỏa sức sáng tạo, phát huy thế mạnh của bản thân, và những kiến thức lí thuyết trở nên gần gũi hơn với thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ