Tích cực đổi mới phương pháp dạy học
Theo cô Mai, một trong những phương pháp dạy học mà nhóm nghiên cứu, tìm tòi triển khai áp dụng có hiệu quả đó là Phương pháp dạy học theo trạm.
Đặc trưng quan trọng của dạy học theo trạm đó là phải đảm bảo sự linh hoạt, các nhiệm vụ phải có tính độc lập đối với nhau. Phương pháp này đã được nhóm nghiên cứu vận dụng có hiệu quả vào dạy học chủ đề Máy cơ đơn giản (Vật lý 6).
Theo cô Mai, thực tế không có một phương pháp dạy học nào là tối ưu và phù hợp cho tất cả các nội dung dạy học. Vì mỗi phương pháp dạy học có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó.
Do đó giáo viên cần phải biết vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học để các phương pháp này hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho học sinh không bị nhàm chán và tiếp thu kiến thức một cách chủ động, tích cực.
“Phương pháp đóng vai cũng là một trong những phương pháp dạy học mà chúng tôi đã sử dụng có hiệu quả khi cho học sinh tìm hiểu về ứng dụng của sự bay hơi và ngưng tụ” – cô Mai trao đổi.
Đối với dạy học gắn với thực tiễn, tăng cường các hoạt động trải nghiệm ở nhà cho học sinh, cô Mai cho biết, giáo viên cho học sinh tìm hiểu về các ứng dụng của Máy cơ đơn giản; đồng thời giao cho học sinh về nhà tìm hiểu trong gia đình mình có những dụng cụ gì là máy cơ đơn giản.
Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh học ngoài công viên để tìm hiểu về cấu tạo và nguyên lí hoạt động của các thiết bị trò chơi là máy cơ đơn giản; HS được viết các dự án và chế tạo các sản phẩm dựa trên kiến thức đã học.
“Trong năm học vừa qua, khi dạy chương trình vật lý 7, chúng tôi đã cho học sinh thực hiện 3 dự án nhỏ trải nghiệm ở nhà tương ứng với 3 chương kiến thức, đó là: Dự án Kính tiềm vọng; Dự án Vật lý và Âm nhạc; Dự án Nhà chế tạo tài năng…
Theo đó, học sinh rất hào hứng và chính trong quá trình thực hiện nhiều em đã có những ý tưởng sáng tạo bất ngờ. Chính vì vậy chúng đã và đang tiếp tục áp dụng triển khai trong năm học này” – cô Mai chia sẻ.
Giáo viên cần tự học, tự nghiên cứu
Cho rằng, công tác tự học, tự nghiên cứu của giáo viên là vô cùng quan trọng, cần thiết và phải làm thường xuyên, cô Mai cho hay: Trong năm học vừa qua đã có giáo viên trong nhóm hợp tác với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành viết các bộ sách:
Bộ sách Ôn tập - Kiểm tra đánh giá năng lực học sinh môn vật lý (lớp 7, 8, 9) của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Bộ sách Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học lớp 6 (sách dùng cho giáo viên và sách dùng cho học sinh), của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, đặc biệt bộ sách Hoạt động trải nghiệm trong các môn học đã được tập thể tác giả phối hợp với nhà xuất bản, các sở giáo dục đào tạo ở các tỉnh để tập huấn cho rất nhiều giáo viên trên cả nước.
Song song với công tác dạy học đại trà, nhóm chúng tôi đã không quản khó khăn, không quản thời gian, miệt mài cùng các em nhất là vào những giai đoạn nước rút trước khi thi học sinh giỏi.
Có khi giữa đêm cô trò vẫn còn trao đổi bài qua zalo, facebook. Điều quan trọng, giáo viên cần biết truyền cảm hứng cho các em, để các em biết đặt ra mục tiêu và có động lực để phấn đấu.