Làm mới hoạt động dạy kỹ năng mềm

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên, tuy nhiên, chỉ mới chú trọng đến các kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, hay thuyết trình. Nhiều kỹ năng quan trọng khác như lập kế hoạch và tổ chức công việc, khởi nghiệp, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, học tập và thích nghi chưa được đầu tư tương xứng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ là làm việc nhóm

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng) nhận xét: “Sẽ là không đủ nếu trường ĐH chỉ trang bị một số kỹ năng nghề nghiệp bởi các yêu cầu kỹ năng từ nhà tuyển dụng có thể thay đổi theo thời gian khi công nghệ cũng như thị trường lao động toàn cầu thay đổi nhanh chóng. Có thể thấy điều này dễ dàng qua top 10 kỹ năng nghề nghiệp được điều chỉnh qua mỗi 5 năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Trong khi đó, với tư duy cởi mở, tinh thần sẵn sàng học hỏi, thái độ chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm về bản thân và đối với xã hội, người lao động sẽ dễ dàng thích nghi trong mọi bối cảnh thay đổi của thị trường lao động”.

Đánh giá về việc đào tạo kỹ năng mềm cho SV, TS Nguyễn Thị Mỹ Hương cho rằng, dù đã quan tâm đến việc trang bị kỹ năng mềm cho SV nhưng chỉ mới chú trọng đến các kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, hay kỹ năng thuyết trình. “Nhiều kỹ năng quan trọng khác như lập kế hoạch và tổ chức công việc, khởi nghiệp, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, kỹ năng học tập và thích nghi chưa được quan tâm tương xứng.

Đặc biệt, các yếu tố về tư duy và thái độ chưa được nói đến nhiều trong khi sinh viên có được tư duy và thái độ tốt sẽ có nền tảng vững chắc hơn để phát triển nghề nghiệp trong tương lai” – TS Mỹ Hương nhận xét. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 yếu tố: Kiến thức - kỹ năng - thái độ (KSA: knowledge - skill - attitude). Trong đó, yếu tố thái độ trong công việc bao giờ cũng được đánh giá cao vì kỹ năng thì có thể huấn luyện được nhưng sự tự giác, chủ động thì không.

Phó Viện trưởng VNUK cũng thẳng thắn bày tỏ, tích lũy kỹ năng nghề nghiệp không đơn giản là việc nhà trường cung cấp 1 - 2 khóa học kỹ năng mềm và tổ chức một kì thực tập vào cuối khóa. Những khóa học kỹ năng mềm chỉ mang tính chất khơi gợi cách thức, phương hướng chứ không thể có sự thực tập, trải nghiệm. Trong khi đó, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, SV muốn biết bơi không có cách nào khác phải xuống nước chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết được.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc

Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, để trang bị và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, bảo đảm có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đòi hỏi nỗ lực liên tục của SV trong suốt quá trình học tập tại trường cũng như sự hỗ trợ tích cực của nhà trường và doanh nghiệp. “Sự kết nối và hỗ trợ của doanh nghiệp với cơ sở giáo dục ĐH trong hình thành và tích lũy kỹ năng nghề nghiệp cho SV phải được thực hiện sớm, ngay từ năm thứ nhất.

Trong phỏng vấn tuyển dụng, các doanh nghiệp thường yêu cầu người ứng tuyển phải có kinh nghiệm và điều này thường hay bị phản ứng là SV mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Nhưng chúng tôi nghĩ khác, SV có cơ hội tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm trong suốt 4 năm học ĐH thông qua cách thức học tập dựa trên công việc thực tế. Vị trí công việc của các tân kỹ sư, tân cử nhân sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm mà các bạn có được trong 4 năm làm SV” – TS Mỹ Hương chia sẻ.

Ngay từ năm thứ nhất, SV của VNUK được trang bị kỹ năng nghề nghiệp trong một số học phần cơ bản như giao tiếp, máy tính, làm việc nhóm và tự tạo động lực (thuộc học phần Lập kế hoạch phát triển bản thân), kỹ năng tự học, quản lí thời gian, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập (thuộc học phần Kỹ năng học thuật). Đây là những yếu tố để đảm bảo SV có khả năng tiếp thu kiến thức và phát triển nền tảng nghề nghiệp trong giai đoạn sau này. Các kỹ năng này tiếp tục được nâng cao, tích hợp kỹ lưỡng vào từng học phần chuyên ngành trong giai đoạn tiếp theo.

Chia sẻ về sự tham gia của các doanh nghiệp trong hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho SV, TS Mỹ Hương nhận định: Các kỹ năng nghề nghiệp không chỉ được theo dõi phát triển trong môi trường học đường mà được song hành với quá trình làm việc thực tiễn trong quá trình học đại học thông qua các công việc như cộng tác viên, làm việc bán thời gian, thực tập sinh... các vị trí công việc cũng được tư vấn để SV có thể tích lũy kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp theo thời gian.

Ngay khi nhập học, SV của VNUK đã được hỗ trợ để tham gia làm việc 1 tháng tại các doanh nghiệp nhỏ, các dự án khởi nghiệp với những công việc đơn giản nhất nhằm bước đầu phát triển kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch, quản lí thời gian... Sau 1 năm học tập, vào mùa hè, SV có thể đăng kí để được hỗ trợ làm việc trong các doanh nghiệp với những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn, cứ như vậy cho đến khi các bạn tốt nghiệp chương trình đại học.

“Để doanh nghiệp nhận SV khi các em chưa được trang bị kỹ năng và kiến thức chuyên môn đầy đủ thì cơ sở giáo dục phải có sự chuẩn bị tốt cho SV về thái độ làm việc và trách nhiệm để thích ứng với thực tế công việc. Ngoài bộ phận hỗ trợ SV thực tập, VNUK còn xây dựng cho SV một bộ hồ sơ tương tự như CV để bộ phận quản lý nhân sự các đơn vị tiếp nhận SV nhận xét, đánh giá quá trình tiếp cận và kiến tập, thực tập của SV tại doanh nghiệp. VNUK sẽ tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp, đánh giá lại những gì chưa được và việc này sẽ được làm liên tục, xuyên suốt từ năm thứ nhất đến năm thứ 4” – TS Mỹ Hương cho biết.

Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp đòi hỏi nỗ lực không ngừng của người học cũng như sự quan tâm cần thiết của nhà trường, xã hội. Kỹ năng nghề nghiệp không chỉ giúp người lao động đáp ứng nhu cầu hiện tại của nhà tuyển dụng mà còn cho họ khả năng phát triển bản thân, trau dồi kiến thức để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai xa hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.