Nhiều ý kiến sâu sắc hoàn thiện dự thảo Luật

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp

Gợi ý triết lý giáo dục: Học để làm người

GS.TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – khi trao đổi về triết lý giáo dục – nêu quan điểm cá nhân, coi “Học để làm người” là triết lý giáo dục bởi 3 lẽ:

Một là, các thế hệ con người Việt Nam trước đây đã quan niệm đúng đắn rằng, dù giàu hay nghèo, trong cuộc sống ít nhiều cũng phải có cái chữ, nghĩa là phải học, có học mới nên khôn.

Hai là, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng nói rằng, học để thành cán bộ tốt, công dân tốt, chiến sĩ tốt, tức là thành người ở những cương vị hoạt động khác nhau.

Ba là, trong trào lưu xây dựng xã hội học tập, UNESCO đã khuyến cáo học tập suốt đời xoay quanh 4 trụ cột giáo dục: Học để biết, học để làm người, học để chung sống và học để làm người.

Nếu gắn vấn đề học để làm người với vấn đề học tập suốt đời, theo GS Phạm Tất Dong, triết lý học để làm người có thể được phát biểu theo mệnh đề học suốt đời để làm người, hoặc nói khái quát hơn thì sẽ là học suốt đời vì sự phát triển bền vững.

Có một vấn đề đặt ra: Trong Luật giáo dục có cần phải đặt ra một chương, một mục nào đó về triết lý giáo dục không? GS Phạm Tất Dong cho rằng, điều đó không nên và không đúng. “Triết lý giáo dục là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh giáo dục chứ không nên đưa vào Luật giáo dục” – GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Chuyên gia góp ý dự thảo Luật Giáo dục tại phiên họp
Chuyên gia góp ý dự thảo Luật Giáo dục tại phiên họp 

Xã hội hóa không chỉ dựa vào học phí

Một vấn đề hết sức quan trọng được đề cập đến trong lần sửa đổi Luật Giáo dục lần này là chính sách xã hội hóa trong giáo dục. TS. Phạm Thị Ly - Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực – cho rằng:

Mặc dù chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, và sự tham gia của khu vực tư đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong giáo dục, vẫn đang có những điểm bất cập đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc để có những chính sách phù hợp. Các luật chuyên ngành về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế đã có chính sách ưu đãi xã hội hóa nói chung nhưng chưa có chính sách riêng hỗ trợ chính sách xã hội hóa giáo dục. Các quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT còn chung chung, không cụ thể.

TS. Phạm Thị Ly nhắc đến trong thực tế, “xã hội hóa giáo dục” hầu như biến tướng thành tự do kinh doanh trong giáo dục và đổ hết gánh nặng về chi phí giáo dục lên vai người dân, nhất là dân nghèo thành thị. Hiện tượng dạy thêm, lạm thu trong nhà trường xảy ra trong khu vực công là kết quả tất yếu hầu như không thể tránh khỏi trong khi học phí của trường tư ngày càng tăng và đang vượt quá khả năng chi trả của dân nghèo, cận nghèo, thậm chí dân trung lưu thành thị… Từ đó cho rằng, cần phải xác định lại quan điểm, hiểu đúng về xã hội hóa. Xã hội hóa không phải chỉ dựa vào học phí, xã hội hóa phải dựa vào các nguồn lực đa dạng của xã hội, không chỉ dựa vào người học.

Điều này, TS Phạm Thị Ly cho rằng đã thể hiện tương đối rõ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đơn cử, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung đã nêu ra nhiều điểm cụ thể để hỗ trợ cho khu vực giáo dục tư, chẳng hạn như Điều 96 quy định “các khoản đóng góp, tài trợ của cá nhân cho giáo dục được trừ vào thu nhập chịu thuế, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ giáo dục, ủng hộ tiền hay hiện vật thì được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp”.

Ngoài ra, các đầu tư và đóng góp cho giáo dục, cũng như chi phí của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân viên cũng được tính là chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Cần điều chỉnh các luật liên quan và ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện cẩn thiết để đẩy mạnh kênh đóng góp này.

Chia sẻ thông tin: tháng 2/2018, Trung Quốc ra Luật Thiện nguyện, Luật Hiến tặng Công ích và bổ sung điều chỉnh một số khoản trong Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế cá nhân nhằm bảo đảm các khoản hiến tặng này được miễn thuế…, theo TS Phạm Thị Ly, dựa vào nguồn lực xã hội và khơi thông cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, các nhà tài trợ như Trung Quốc đã làm, là một cách tiếp cận triệt để và bền vững, dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển, là một hướng đi nên cân nhắc.

Tìm lời giải cho bài toán phân luồng, liên thông

Góp ý liên quan đến nội dung phân luồng, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – cho rằng: Nghị định 75 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục có quy định cụ thể về phân luồng. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh quy định đó, chắc chắn phân luồng sẽ có chuyển biến.

Tuy nhiên, vấn đề phân luồng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Lý giải, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhắc đến nhiều nguyên nhân, trong đó, một nguyên nhân còn ít được nhắc đến, đó là chúng ta chưa quan tâm đặt bài toán phân luồng trong mối quan hệ với bài toàn liên thông, và cả hai cần nhìn trong một bối cảnh mới là học tập suốt đời.

“Bài toán phân luồng phải đặt trong mối quan hệ với bài toán liên thông và cả hai bài toán cần được tìm lới giải trong khuôn khổ của việc xây dựng hệ thống học tập suốt đời. Lý do rất đơn giản: Nếu phân luồng gắn với liên thông thì người học đi vào luồng nghề sẽ không còn cảm thấy đi vào ngõ cụt như trước kia mà vẫn có thể học tiếp ở các trình độ cao hơn; tiếp nữa đặt trong bối cảnh học tập suốt đời sẽ tạo điều kiện và động lực để người lao động nâng cao trình độ theo sở thích, năng lực và điều kiện cụ thể của cá nhân” – TS Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích.

Với cách đặt vấn đề như trên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, lời giải của bài toán phân luồng và liên thông phụ thuộc vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện thành công Khung trình độ quốc gia. Vì vậy, để đóng góp về phương diện pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phân luồng và liên thông trong giáo dục, bên cạnh các quy định về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như trong Nghị định 75, cần bổ sung trách nhiệm của các bộ đó trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trân trọng những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại phiên họp và cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Ý kiến của các tổ chức, cá nhân sẽ được tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ