Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, để thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), việc phát triển chương trình bồi dưỡng là việc làm quan trọng và cần thiết đối với các trường đại học, bởi chương trình bồi dưỡng sẽ quyết định đến chất lượng bồi dưỡng.
Theo kinh nghiệm của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, để phát triển chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, có thể lựa chọn mô hình tiếp cận theo năng lực và tiến hành phát triển chương trình theo các bước sau:
Bước 1: Khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ CBQLGD trường phổ thông
Cụ thể, tiến hành khảo sát trên đối tượng là cán bộ quản lý Sở/ Phòng GD&ĐT, đội ngũ cán bộ quản lý các trường phổ thông (Hiệu trưởng, Hiệu phó), với các nội dung về thực trạng năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) của đội ngũ cán bộ quản lý trường phổ thông hiện nay, điểm mạnh, yếu.
Những yêu cầu về năng lực của người cán bộ quản lý cần có để đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay;
Bước 2: Xác định các năng lực cần có của CBQL trường phổ thông
Từ kết quả khảo sát, và dựa vào Chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông đi đến nhận định những năng lực cần có của người cản bộ QLGD nhà trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay bao gồm: Năng lực về phẩm chất, chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn; năng lực lãnh đạo và quản lý nhà trường
Bước 3: Rà soát lại nội dung chương trình bồi dưỡng hiện hành, xác module kiến thức cụ thể, chuyên đề cụ thể
“Căn cứ vào hồ sơ năng lực của CBQL trường phổ thông và chương trình bồi dưỡng, xác định các module kiến thức và phân thành những module kiến thức chung; kiến thức nghiệp vụ, rồi phân bổ thời gian cho mỗi chuyên đề lý thuyết, thực hành. Sau đó sắp xếp trật tự hợp lý các chuyên đề theo logic về thời gian” - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Bước 4: Thiết kể xây dựng các chuyên đề
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền trao đổi, căn cứ theo chương trình bồi dưỡng CBQL, chúng tôi vẫn giữ nguyên tổng thời lượng 360 tiết và tên các module chuyên đề.
Tuy nhiên nội dung kiến thức trong từng chuyên đề có sự thay đổi, để có thể phát triển được những năng lực cần thiết cho CBQL trường phổ thông, đáp ứng với thực tiễn yêu cầu đổi mới giáo dục.Thời lượng của mỗi chuyên đề đều đảm bảo 50% kiến thức lý thuyết, 50% dành I cho thực hành, thảo luận.
Trong chương trình dành thời lượng là 15 tiết cho hoạt động thực tế chuyên môn (thực tế chuyên môn tại các trường phổ thông trong hoặc ngoài tỉnh có bề dầy truyền thống, những trường đạt chuẩn Quốc gia, có đội ngũ cán bộ quản lý có kinh nghiệm). Các chủ đề tiểu luận học viên làm bài thu hoạch cuối khóa đều có nội dung mở, bao quát nội dung đã được bồi dưỡng.
Bước 5: Thực thi, đánh giá, điều chỉnh chương trình
Sau khi chương trình hoàn thành, chúng tôi đã tiến hành triển khai bồi dưỡng ở 2 lớp cán bộ quản lý trường THCS (46 học viên) và THPT (54 học yiên) ở tỉnh Thái Nguyên.
Quá trình triển khai thực hiện chương trình có sự phối hợp với Sở GD&ĐT. Hình thức phối hợp theo hướng cùng tham gia hoạt động bồi dưỡng. Cụ thể với những nội dung kiến thức lý thuyết giảng viên trường ĐHSP Thái Nguyên giảng dạy, những phần thực hành, thực tế gắn liền với thực tiễn nhà trường phổ thông mời báo cáo viên là cán bộ quản lý Sở, Phòng GD&ĐT, hoặc Hiệu trưởng trường phổ thông là những người có kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực đó báo cáo.
Sau khi hết thời gian học tập các chuyên đề, học viên được đi thực tế ở 2 trường phổ thông. Tại đây họ được nghe CBQL nhà trường báo cáo, chia sẻ về những kinh nghiệm, cách thức quản lý các hoạt động của nhà trường.
Sau đó học viên có 3 tuần đề hoàn thành bài tiểu luận cuối khóa. Việc triển khai hoạt động bồi dưỡng được tổ chức, quản lý chặt chẽ, theo hướng giao quyền tự chủ về hoạt động dạy cho giảng viên, hoạt động học cho người học nhằm phát huy tối đa năng lực và năng khiếu sáng tạo của giảng viên và học viên.
Quá trình thực hiện thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, việc giám sát và đánh giá thực hiện ở tất cả bước trong quy trình phát triển chương trình, đồng thời đánh giá phát triển chương trình được thực hiện thông qua mỗi chuyên đề và cả mức độ đạt được của mục tiêu đào tạo sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục những điểm chưa phù hợp, để chương trình hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt yêu cầu người học và yêu cầu thực tiễn đổi mới giáo dục hiện nay.