Đề xuất chương trình văn học nước ngoài ở trường phổ thông

GD&TĐ - "Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới không đưa chương trình văn học nước ngoài vào các bậc học phổ thông, thì Việt Nam thực hiện điều đó. Tại thời điểm này, đây là chủ trương đúng” - Nhận định của GS.TS Lê Huy Bắc (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).

Đề xuất chương trình văn học nước ngoài ở trường phổ thông

Bức tranh tổng quan

Hai nguyên nhân GS.TS Lê Huy Bắc đưa ra, đó là: Sự hội nhập văn chương toàn cầu và vì sự phụ thuộc của văn chương Việt vào văn chương nước ngoài do nguyên nhân lịch sử.

Tổng số văn bản văn học nước ngoài trong chương trình THCS (kể cả văn bản luyện tập, đọc thêm) là 33 tác phẩm. Con số này, theo GS.TS Lê Huy Bắc là khá ấn tượng. Đặc biệt phạm vi bao quát của chương trình cũng rất rộng.

Điểm lại toàn bộ mảng văn học nước ngoài được đưa vào các sách Ngữ văn 6, 7, 8, 9 ta thấy học sinh đã có dịp làm quen với tất cả các loại hình văn học: Trữ tình, kịch, tự sự, kí và văn nghị luận.

Trong đó, tự sự là mảng được các nhà biên soạn quan tâm với nhiều thể loại như Truyện cổ tích, Ngụ ngôn, Truyện cười, Truyện ngắn, Truyện vừa, Tiểu thuyết.

Ngoài ra, học sinh còn được tiếp xúc với những văn bản văn xuôi không hư cấu (còn gọi là kí) như Lòng yêu nước, văn bản nghị luận như Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten...

GS.TS Lê Huy Bắc cho rằng, các văn bản văn học nước ngoài này bước đầu giúp học sinh làm quen với đời sống văn hóa tinh thần trong nền văn học của các quốc gia có bề dày lịch sử văn học như Trung Quốc, Pháp, Đức, I-ta-li-a,... cũng như các quốc gia đang có tiềm năng phát triển văn học bậc nhất thế giới hiện nay như Hoa Kì, Nga, Cô-lôm-bi-a...

Qua đó, các tác phẩm văn chương này dần dần tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về các thể loại văn học trong nhận thức của học sinh.

Với bậc THPT, toàn bộ chương trình văn học nước ngoài gồm 25 tác phẩm, bao quát một khoảng thời gian chừng 3.000 năm, từ cổ đại Hi Lạp đến hiện đại, từ châu Á sang châu Âu, châu Mĩ, châu Phi.

Các văn bản văn học nước ngoài này bước đầu giúp học sinh nâng cao hơn nữa vốn đời sống văn hóa tinh thần trong nền văn học của các quốc gia có bề dày lịch sử văn học như Trung Quốc, Pháp,... cũng như các quốc gia đang có tiềm năng phát triển văn học bậc nhất thế giới bây giờ như Hoa Kì, Nhật,...

Qua đó, các tác phẩm văn chương này dần dần tạo nên một bức tranh văn hóa khá hoàn chỉnh về các vùng miền văn chương lớn của nhân loại.

Đề xuất thay đổi

Từ những văn bản văn học nước ngoài và cả văn bản văn học Việt Nam được đưa vào chương trình, GS.TS Lê Huy Bắc đề xuất ưu tiên bỏ bớt các văn bản chưa hay, chưa phù hợp; đồng thời cần chú ý đến sự thống nhất liên thông giữa hai cấp học. Không nên chọn một tác giả cho cả hai cấp, ví dụ như Lỗ Tấn, Tagore,…

Bên cạnh đó, cần đề cao văn học Việt; nếu văn bản nào có thể thay thế bằng văn bản trong nước thì thay thế, chẳng hạn như truyện cổ tích.

Cần hướng đến việc đào tạo hài hòa giữa con người quốc gia và công dân thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Theo đó các nền văn học được tuyển chọn nhiều như Trung Quốc, Nga, Pháp cần bỏ bớt để chọn các tác giả của các nền văn học khác cho đa dạng.

Trên tinh thần đề cao văn hóa dân tộc, đề cao cách tiếp thu các tinh hoa văn học thế giới phù hợp với tâm lí và văn hóa Việt, GS.TS Lê Huy Bắc đề xuất bỏ mảng thơ Đường ra khỏi chương trình THCS, vì đây là thể loại thơ khó, không phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp học này.

Thơ Haiku cũng nên bỏ bớt, chỉ giữ lại đôi bài vì rất khó dạy, để học sinh làm quen với thể thơ độc đáo này.

Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi một số văn bản nếu xét thấy chưa thực sự phù hợp hoặc văn bản trong nước có thể thay thế.

Cụ thể như sau: Không dạy các truyện cổ tích nước ngoài, vì truyện cổ tích Việt Nam không thiếu. Đề xuất bỏ các văn bản: Cây bút thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng.

Các văn bản như Cố hương, Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông- ten hoặc bỏ, hoặc thay thế bằng văn bản khác.

Có thể thay các văn bản trên bằng truyện thần thoại Hi Lạp và ngụ ngôn Êdốp. Do truyện thần thoại của ta bị thất lạc và chưa thật hay nên có thể chọn một thần thoại của Hi Lạp; riêng ngụ ngôn Edốp thì nên dạy vì ngụ ngôn của ông là khuôn mẫu của các ngụ ngôn còn lại của thế giới và cả Việt Nam.

Các văn bản nghị luận nước ngoài cần bỏ bớt, nên chọn văn bản nghị luận trong nước.

Các văn bản cần đổi đoạn trích vì không đúng với trọng tâm của tác phẩm. Ví dụ, đoạn trích Con chó Bấc không phải là nội dung chính của tác phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã. Cần chọn đoạn trích hướng tới chủ đề chính của tác phẩm là việc để bản năng sống lại sẽ là mối nguy cơ xóa sổ nền văn minh.

Nên bỏ bài Tự do (vì bài này chưa thật hay) và chọn một bài thơ siêu thực khác của Eluard và đưa vào dạy chính thức, vì đây là thể thơ độc đáo của nhân loại, có ảnh hưởng đến thơ siêu thực Việt Nam.

Thay đoạn trích kịch Romeo và Juliet bằng Hamlet vì đây là tác phẩm tiêu biểu nhất của Shakespeare...

Chương trình cũng nên bổ sung các tác giả tiêu biểu cho văn học thế kỉ XX, đặc biệt là các tác giả thuộc nửa sau của thế kỉ, gồm có F. Kafka (truyện ngắn Người cưỡi xô), W. Faulkner (Diễn từ Nobeỉ), G.Marquez (truyện ngắn hoặc trích đoạn tiểu thuyết), Kawabata (truyện ngắn Người đàn ông không cười) hoặc Naipaul (truyện ngắn B. Wordsworth)...

Nhấn mạnh những đề xuất trên hoàn toàn mang tính cá nhân và chỉ mang tính chất tham khảo, GS.TS Lê Huy Bắc đồng thời cho rằng, việc giải quyết những bất cập ở các cấp phổ thông cần phải đặt trong cái nhìn tổng thể, hướng trọng tâm đến việc khai phóng tri thức, đào tạo con người nhân bản và quốc tế. là thực sự cần thiết trong thời đại ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.