Để trò yêu thích học Văn

GD&TĐ - Trong chương trình môn Ngữ văn, thường sau một loạt bài đọc văn thì sẽ có một bài ôn tập, giáo viên hoặc dạy qua loa cho có, hoặc yêu cầu học sinh làm bảng thống kê ở nhà, trên lớp…, vậy là kết thúc bài ôn tập. Thực trạng này kéo dài tạo tâm lí coi nhẹ các bài ôn tập phần văn bản cho học sinh.

Để trò yêu thích học Văn

Mà thực tế, bài ôn tập các tác phẩm văn học này lại rất dễ tạo hứng thú cho học sinh nếu giáo viên có đủ sáng tạo.

Chia nhóm, dạy phân hóa đối tượng

Nên chia lớp thành 3 đến 4 nhóm, mỗi nhóm có từ 10-12 học sinh. Các nhóm tham gia trong tiết học này cần được cạnh tranh với nhau để tính điểm. Có thể chấm điểm hệ số 1 hoặc cộng điểm vào bài hệ số 1 cho nhóm và những học sinh tích cực nhất trong tiết học.

Thay vì gọi tên nhóm 1, 2, 3, 4 thì hãy để các em được thống nhất tên nhóm mình, đặt tên nhóm theo sự đặc điểm chung của các thành viên. Thay vì gọi nhóm trưởng, thư kí, các thành viên của nhóm thì hãy gọi bằng những tên gọi khác. Ví dụ ở trong nhóm sẽ có 1 Thủ lĩnh (đây là học sinh học tốt nhất môn văn của nhóm, có uy tín trong nhóm và có khả năng điều hành nhóm); sẽ có 2 Quân sư (đây là 2 học sinh có năng lực môn văn tốt, có thể tư vấn các chiến lược cho nhóm của mình để đưa nhóm đến thắng lợi); sẽ có những thành viên còn lại là Kỵ sĩ (đây là những học sinh học khá, trung bình, yếu bộ môn).

Để phân biệt được Thủ lĩnh, Quân sư, Kỵ sĩ trong mỗi nhóm thì hãy phát cho mỗi vị trí một lá cờ nhỏ với những màu sắc khác nhau. Ví dụ, quy định Thủ lĩnh lá cờ màu đỏ, Quân sư lá cờ màu vàng, Kỵ sĩ lá cờ màu đỏ.

Để thúc đẩy các nhóm, đặc biệt để thúc đẩy các Kỵ sĩ ở mỗi nhóm, giáo viên cần quy định ngay từ đầu: Nếu thủ lĩnh giơ tay trả lời và trả lời đúng thì chỉ được 50% số điểm của câu hỏi; nếu Quân sư giơ tay trả lời và trả lời đúng thì được 75% số điểm của câu hỏi; và nếu Kỵ sĩ giơ tay trả lời, trả lời đúng thì được 100% số điểm.

Với cách này, giáo viên đã thúc đẩy được tinh thần tích cực, chủ động, hào hứng trả lời các câu hỏi của Kỵ sĩ trong mỗi nhóm. Chính là sẽ giúp cho các bạn học sinh khá, trung bình, yếu có cơ hội trả lời, được thúc đẩy để trả lời.

Sau khi xác định được chia nhóm như vậy với những quy định về điểm số, cách chấm điểm…, giáo viên bắt tay vào soạn bài theo ý tưởng của mình.

Vận dụng thuyết đa trí tuệ

Năm 1983, TS Howard Gardner - một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard, đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Frames of Mind” (tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ”), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences) với 8 loại trí thông minh mà Gardner đã đề nghị tại thời điểm đó như: trí thông minh vận động, trí thông minh tương tác giao tiếp, trí thông minh hình ảnh, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh ngôn ngữ...

Vận dụng thuyết đa trí tuệ giáo viên có thể thiết kế bài giảng đa dạng, phong phú các hình thức hơn. Có thể từ những hình ảnh để đoán tên văn bản, tên tác giả; có thể cho học sinh chuẩn bị trước bảng thống kê, tổng hợp ở nhà, rồi khi vào tiết học sử dụng trí thông minh vận động kết hợp kĩ thuật dạy học phòng tranh để học sinh đi vòng vòng các nhóm chấm điểm, ghi nhận xét; có thể cho học sinh nghe một bài nhạc, đoạn phim từ đó liên hệ lại các văn bản trong bài ôn tập, viết những cảm nhận từ đoạn nhạc, đoạn phim đó…

Vận dụng thuyết đa trí tuệ giúp học sinh được thay đổi liên tục các cách thức hoạt động trong tiết học, tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, hứng thú; học sinh được phát huy chính trí thông mình của mình để chiếm lĩnh tri thức của bài học. Nghiên cứu thuyết đa trí tuệ có thể giúp giáo viên thiết kế các bài soạn, bài dạy không chỉ trong tiết ôn tập tác phẩm mà còn ở tất cả các bài soạn khác - từ bài đọc văn đến bài tập làm văn, Tiếng Việt. Và khi vận dụng nó, có thể soạn cả bài hoặc một phần của bài.

Soạn, giảng bằng gameshow

Gameshow phù hợp nhất đến thời điểm này mà bản thân tôi hay áp dụng chính là gameshow truyền hình Đường lên đỉnh olympia. Sử dụng đúng format của nó với 4 phần: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích. Chỉ khác ở chỗ, người chơi là các nhóm chứ không phải một người; người dẫn chương trình chính là giáo viên. Sử dụng cách này, chúng ta phải tổng hợp tất cả các hình thức đã trình bày ở trên: Từ chia nhóm, dạy học theo đối tượng đến vận dụng thuyết đa trí tuệ… Và khi giảng bài, học sinh không cần mang theo sách, tập.

Ở phần I - Khởi động, giáo viên hãy gom phần Đọc- hiểu chú thích ở các văn bản để chia thành các gói câu hỏi cho mỗi nhóm. Sẽ có gói câu hỏi về tác giả; về thể loại, hoàn cảnh sáng tác… Xin được mô tả bằng hình ảnh sau để bạn đọc dễ hình dung:

 

Ở phần 2 - Vượt chướng ngại vật, giáo viên nên cho học sinh chuẩn bị sẵn ở nhà. Học sinh thiết kế bảng thống kê trên giấy A1 bằng nhiều hình thức khác nhau: kẻ bảng, sơ đồ tư duy, hình ảnh… để thể hiện. Khi đến lớp, học sinh sẽ dán tờ A1 đó lên tường ngay vị trí ngồi của nhóm mình. Rồi đến phần Vượt chướng ngại vật, giáo viên sẽ mở một bài nhạc, học sinh các nhóm đi vòng quanh lớp, dán các sticker là các nút like, tim, share… lên phần chuẩn bị của nhóm nào mà các em cho là tốt nhất (không dán lên tờ A1 của nhóm mình). Nhóm nào nhận được nhiều like, tim, share nhất thì nhóm đó giành được chiến thắng. Xin được minh họa bằng hình ảnh sau:

 

Ở phần 3 - Tăng tốc, tập trung vào kiến thức ở Đọc - hiểu văn bản của các văn bản trong bài ôn tập. Học sinh ở mỗi nhóm sẽ giành quyền trả lời về cho đội của mình bằng hình thức phất cờ, bấm chuông,… Các câu hỏi sẽ là những câu hỏi trắc nghiệm, tự luận về các phương diện nội dung, nghệ thuật của các văn bản. Xin được minh họa bằng hình ảnh sau:

 

Ở phần 4 - Về đích, giáo viên tập trung thiết kế câu hỏi vận dụng cho học sinh. Sử dụng đoạn phim, hình ảnh, bài nhạc… liên quan đến văn bản trong bài ôn tập, từ đó cho học sinh liên tưởng đến văn bản, viết bài nhóm cảm nhận, trình bày cảm nhận; liên hệ bản thân… Ở phần này có đặt ngôi sao hi vọng để kích ứng sự hứng thú của học sinh. Xin được minh họa bằng hình ảnh sau:

 

Ngoài những cách thức trên để tạo hứng thú cho học sinh khi tiến hành dạy bài ôn tập tác phẩm thì chắc chắn còn rất nhiều cách thức khác nữa. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ 3 cách trên, hi vọng sẽ có nhiều giáo viên vận dụng, thực hiện tốt để thực sự giúp học sinh chủ động, tích cực, hứng thú trong quá trình học tập môn Ngữ văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.