Bao giờ chất lượng dạy và học Văn được cải thiện?

Bao giờ chất lượng dạy và học Văn được cải thiện?

(GD&TĐ) - Từ nhiều năm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường đăng tải rất nhiều bài viết phản ánh về tình trạng dạy và học môn văn có chiều hướng ngày càng đi xuống hoặc là đáng báo động. Tuy nhiên, những bài viết đề cập những giải pháp để cải thiện thực trạng này xem ra còn hiếm, hoặc là có cũng rất chung chung. Đã đến lúc cần phải tìm lời giải đáp cụ thể cho câu hỏi nêu trên.

Học sinh không thích học văn do đâu?

Chúng tôi đã thực hiện một số cuộc thăm dò khác nhau: Cuộc thăm dò thứ nhất ở một lớp 9 và một lớp 12 trên cùng một địa phương, kết quả, lớp 9 có 28% HS thích học môn Văn, lớp 12 chỉ có 21%. Cuộc thăm dò thứ hai với một lớp 10 ở địa bàn phía Bắc và một lớp 10 ở địa bàn phía Nam, kết quả, ở địa bàn phía Bắc có 43 % HS thích học môn Văn, trong khi đó, ở địa bàn phía Nam chỉ có 17%. Trả lời cho câu hỏi vì sao không thích học văn, đa số đều xoay quanh nguyên nhân: Do bài học thiếu hấp dẫn; do không có năng khiếu; do phải học thuộc nhiều, đọc sách nhiều; do gia đình không quan tâm đến môn học này.

Qua số liệu thống kê nói trên, có thể thấy mức độ không thích học môn Văn của HS càng lên cấp học cao hơn càng tăng và số HS không thích học Văn ở các địa phương phía Nam nhiều hơn số HS ở các địa phương phía Bắc. Điều này cũng lý giải, vì sao trong các kỳ thi vào ĐH, CĐ, tỷ lệ thí sinh dự thi môn Văn thấp hơn các môn học khác và nhiều HS miền Bắc dồn vào các trường thi khối C ở các tỉnh thành phía Nam. Kết quả thấp bất thường ở môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THCS ở các tỉnh ĐBSCL vừa qua không có gì đáng ngạc nhiên. Vì ở các tỉnh này, người dân rất ít có nhu cầu, thói quen đọc tác phẩm văn chương, văn hoá đọc, nghe nhìn chủ yếu là qua những bộ phim video dài tập đủ các loại từ các cửa hàng băng đĩa ngoài thị trường. Với một môi trường như thế, HS không có cơ hội để được đọc những tác phẩm văn chương đích thực cũng như được rèn rũa năng lực học Ngữ Văn.

Tóm lại, những nguyên nhân HS không thích học môn Văn là: Giáo viên dạy không có sức thu hút; Do gia đình không đánh giá đúng vị trí môn học; Do sự chi phối của tư tưởng thực dụng trong chọn ngành nghề; Do tác động của môi trường xã hội. 

Chất lượng học Văn sẽ được cải thiện khi GV có niềm say mê và biết cách khơi dậy niềm yêu thích học Văn cảu học sinh
Chất lượng học Văn sẽ được cải thiện khi GV có niềm say mê và biết cách khơi dậy niềm yêu thích học Văn của học sinh

Để học sinh yêu thích học Văn?

Không đặt ra câu hỏi này, khó có thể cải thiện thực trạng về chất lượng dạy và học Văn ở nhà trường hiện nay. Môn Văn có đặc trưng riêng so với nhiều môn học khác, không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật, học sinh nếu không có sự đam mê thì không thể nào đạt kết quả cao được. Một giờ học Văn không kích thích được hứng thú của HS, thì dù GV có “nhồi nhét” đến mấy, chưa chắc HS đã tiếp nhận được kiến thức. Người ta thường ví tâm hồn học sinh như tờ giấy trắng, còn chưa hoen mực, điều này có nghĩa là các em cũng rất dễ rung động trước cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái xấu. Không một ai sinh ra đã không thích học Văn cả. Để ý kỹ sẽ thấy, hiếm có GV dạy Tiểu học phàn nàn về việc HS không thích học môn Văn. Như vậy, lỗi ở việc HS không yêu thích môn học phần nhiều do tác động khách quan từ phía người lớn chứ không phải do các em. Để HS thích học Văn phải có sự thay đổi từ phía người lớn trong gia đình, nhà trường và cả ngoài xã hội. Vấn đề quả không phải đơn giản, rất nên có cả một chiến lược làm thay đổi tâm lý cố hữu. Chẳng hạn, có thể vận dụng phong trào xây dựng trường học thân thiện để phối hợp với địa phương mở những buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ hấp dẫn có lồng ghép tuyên truyền tầm quan trọng của môn Văn trong nhân dân. Về phía ngành GD-ĐT, nên bắt đầu bằng đổi mới khâu tuyển chọn giáo viên, ngoài kiến thức còn phải thật sự yêu nghề, có năng khiếu văn chương. Một khi GV có niềm say mê với môn học thì không thể không có ảnh hưởng trực tiếp đến HS. Chúng tôi đã từng dự giờ của một số GV dạy trên lớp. Cùng một bài giảng nhưng sinh khí tiết học lại rất khác nhau, và tính quyết định cho một tiết học sinh động hay tẻ nhạt là ở vai trò “đạo diễn” của người thầy.

Để dạy và học Ngữ Văn có chất lượng?

Việc thay đổi tên gọi từ môn Văn (chương trình cũ) sang Ngữ Văn đã nói lên tính tổng hợp của môn học bao gồm cả kiến thức, kỹ năng của tiếng việt, giảng văn, tập làm văn. Điều này càng cho thấy, dạy văn cho đạt chất lượng, hiệu quả thật sự là cả một quá trình công phu, vất vả. Bàn về vấn đề chất lượng, chắc phải tốn rất nhiều thời gian. Trong phạm vi bài viết có hạn, xin chỉ nêu những điểm cốt yếu.

Vấn đề đã được đề cập trước hết, giáo viên phải đóng vai trò quyết định. Một giáo viên dạy Ngữ Văn cần hội đủ cả 2 yếu tố: lòng yêu nghề và tay nghề cao. Với thực trạng đội ngũ như hiện nay, không thể đòi hỏi ngày một ngày hai có được sự đồng đều ở các trường những GV dạy Văn toàn diện nêu trên, thì người CBQL trường học lại phải có tầm nhìn xa, trông rộng, nhân rộng các điển hình dạy giỏi môn Văn, khắc phục triệt để tình trạng GV dạy Văn theo kiểu công chức ăn lương.

Đổi mới cách dạy, cách ra đề, cách đánh giá môn Văn là vấn đề cũng đã được bàn nhiều. Song để đổi mới thật sự chứ không chỉ hình thức, làm cho có phong trào, thì phải thực hiện một cách thường xuyên nghiêm túc. Không chỉ đánh giá sự đổi mới trong các tiết thực tập, thao giảng theo kiểu “đến hẹn lại nên” mà BGH cần kết hợp với GV có kinh nghiệm đi dự giờ các tiết dạy trên lớp, có góp ý chi tiết, cụ thể, chứ không đánh giá chung chung. Tổ chuyên môn khi sinh hoạt chuyên môn cần có chuyên đề về đổi mới cụ thể, ứng với một bài dạy cần chỉ ra đổi mới ở chỗ nào và cách thức đổi mới như thế nào. Để làm được điều này thì phải có những GV nòng cốt trong chuyên môn, phải phát huy được khối đoàn kết, dân chủ nội bộ. Vì trong thực tế ở một số trường, có sự tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn thường xuyên nhưng chỉ nặng tính hành chính sự vụ, đưa ra chuyên đề cho có, không dám góp ý đồng nghiệp khi tiết dạy không đạt yêu cầu vì nể nang, vì sợ thù oán…

Việc hình thành “ngân hàng đề” hiện nay ở nhiều đơn vị GD tạo ĐK tốt hơn cho GV. Nhưng thường thì vẫn chỉ tập trung ở các CBQL, GV có năng lực. Những GV khác thì thụ động, ít sáng tạo trong khâu ra đề, kéo theo sự thiếu sáng tạo trong đánh giá HS. Vì mỗi GV trong quá trình dạy Văn cũng thường xuyên ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả trên lớp. Nhiều HS than phiền về việc giữa GV dạy Văn này với GV dạy Văn khác khi chấm bài Tập làm văn có sự cảm nhận, đánh giá rất khác nhau. Một HS tâm sự với chúng tôi: “Năm học lớp 6, em đã thi vào đội tuyển học sinh giỏi môn Văn. Nhưng đến năm học lớp 8, em đã bị điểm 4 ở một bài làm mà em cho là đã rất sáng tạo, còn cô giáo dạy Văn thì “khô” quá, thế là từ đó em không mặn mà với việc học Văn nữa, em chuyển sang học Toán và Anh Văn.

Để đạt được sự đổi mới nói trên thì lại đòi hỏi người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn trong nhà trường có bề dày kinh nghiệm giảng dạy, có năng lực thẩm thấu văn chương để điều hành, thu phục đội ngũ GV dạy Văn. Tiếc thay đây lại là bất cập trong công tác tổ chức nhân sự CBQL ở nhiều tỉnh thành trên địa bàn miền Trung và miền Nam: Tỉ lệ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có chuyên môn Văn rất ít, đa số có chuyên môn ở các môn học khác.

Thuý Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.