Để trò vui đến trường ngày áp Tết

GD&TĐ - Trước thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán 1 - 2 tuần, học sinh thường có tâm lý rã đám, học tập uể oải chờ nghỉ lễ. Đây là thời điểm người thầy cần áp dụng nhiều giải pháp sư phạm, kéo học sinh về với không khí học tập và duy trì nền nếp nghiêm túc hàng ngày.

Để trò vui đến trường ngày áp Tết

Rã đám chờ Tết

Theo phản ánh của nhiều giáo viên, ở lứa tuổi học sinh THPT thì sự cảm nhận về không khí những ngày Tết rõ ràng hơn cả. Các em thường có xu hướng tụ tập bàn bạc mua sắm, lên kế hoạch đi chơi tụ tập cho ngày nghỉ.

Tâm lý muốn thả phanh, chơi bời trong ngày Tết ảnh hưởng lớn tới sự tập trung vào học tập đang diễn ra. Thậm chí nhiều học sinh có xu hướng nghỉ sớm, ra Giêng học bù, vì vậy việc học tập mang tính chất đối phó nhiều hơn mà không có sự chủ động tiếp thu.

Nhiều học sinh, sinh viên khi được hỏi đã phản ánh: Tầm này đến giảng đường, lớp học đâu đâu cũng xuất hiện không khí Tết. Từ việc bàn bạc lên ý tưởng cho những băng rôn treo chúc mừng năm mới trong lớp; kế hoạch liên hoan tất niên ra sao; việc tụ tập tới nhà thầy cô giáo chúc mừng năm mới thế nào. Những câu chuyện vui ngày Tết; chuyện về những chuyến đi chơi, mua sắm ngày Tết cũng trở thành chủ đề chính trong các giờ ra chơi, giải lao của các bạn.

Phản ánh về hiện tượng uể oải học tập, nhiều giám thị khi được hỏi cũng cho biết sau thi học kỳ I nhìn chung tốc độ học tập của học sinh có phần chững, hạ nhiệt bởi tâm lý xả hơi.

Chính vì tâm lý nghỉ sớm và học tập đối phó nên việc ghi chép bài vở trên lớp không được cẩn thận, sự tập trung giảm, học sinh hay túm tụm để bàn bạc nói chuyện.

Tình trạng đi học muộn, không học hoặc quên sách vở bài tập ở nhà xuất hiện nhiều hơn. Các thầy cô nhận định, dù có siết chặt đến mấy thì thời gian sau Tết một tuần mới là thời điểm học sinh lấy lại tinh thần, ý thức học tập như trước.

Với đặc điểm lứa tuổi thì học sinh mầm non, tiểu học, THCS ít chịu tác động và thay đổi tâm lý đón Tết. Thế nhưng, với các nhà trường và giáo viên thì điều lo lắng nhất ở lứa tuổi này là thời điểm sau Tết. Trải qua một quá trình nghỉ ngơi lâu dài, nền nếp của học sinh bị ảnh hưởng đáng kể khiến các em rơi vào tình trạng vô kỷ luật trong nền nếp sinh hoạt, ngại đi học, mè nheo đòi nghỉ… Giáo viên lại mất thời gian công sức để khôi phục lại nền nếp cũ.

Tăng cường nghiệp vụ sư phạm

Để tránh tình trạng uể oải, học tập đối phó dẫn tới giảm chất lượng học tập trước và sau Tết, nhiều nhà trường và giáo viên đã phải lên kế hoạch cụ thể cho hoạt động giáo dục. Đa số các nhà trường tăng cường quản lý về trật tự còn giáo viên áp dụng nhiều hình thức trong giảng dạy để đốc thúc và kích thích tinh thần học tập của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Khánh (Trường THPT Hoàng Diệu) – người đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trong giảng dạy chia sẻ: Vào những thời điểm nhạy cảm này, giáo viên có thể tăng cường kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, tăng cường học hình thức học mà chơi trong các tiết học; giải toán đố, tìm hiểu kiến thức qua các trò chơi trắc nghiệm; tổ chức một số hoạt động ngoại khoá để tạo sự hứng thú học sinh.

Với một số môn như Văn học, Lịch sử, Địa lý, GDCD... có thể tổ chức tìm hiểu kiến thức qua hình thức dã ngoại, tham quan bảo tàng. Một giải pháp tận dụng thời gian và kéo sự quan tâm của học sinh khối 12 trước kỳ thi đang tới gần thì nhiều trường đã tiến hành tổ chức những ngày hội hướng nghiệp. Hoạt động này không chỉ gây chú ý cho học sinh khối 12 mà học sinh các khối 10, 11 cũng quan tâm bởi đây là vấn đề thiết thực.

Với nhiều ban giám hiệu, để đề phòng học sinh nghỉ học vì lười học, mải chơi... đã đề ra quy định mang tính siết chặt hơn khi yêu cầu học sinh muốn nghỉ học thời điểm trước Tết phải được phụ huynh trực tiếp đưa đến trường xin phép hoặc gọi điện tới giáo viên chủ nhiệm.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ tăng cường phối hợp với gia đình để quản lý học sinh bằng cách thường xuyên thông báo tình hình học tập của học sinh tới gia đình qua nhắn tin trực tiếp hoặc sổ liên lạc điện tử nhà trường. Tuy nhiên, thầy giáo Phạm Xuân Thảo – Trường THPT A Túc – Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng cho biết: Giáp và sau Tết thường rơi vào mùa vụ, lễ hội… nên việc vận động và duy trì sĩ số học sinh trên lớp vô cùng khó khăn.

Nhiều khi nhà trường dù đã có giải pháp hạn chế bỏ nghỉ học nhưng vẫn phải chấp nhận học sinh nghỉ học vài ngày, cả tuần… quay trở lại. Sau đó tăng cường thời gian bồi dưỡng kiến thức hổng cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.