Trong khi lực lượng chức năng tiến hành truy vết những đối tượng có hành vi mạo danh giáo viên, yêu cầu cha mẹ chuyển tiền để cấp cứu cho con, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và nên bình tĩnh xem xét sự việc để không tự biến mình thành nạn nhân.
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu (Chuyên gia nghiên cứu tội phạm): Vì sao thông tin cá nhân bị lộ lọt?
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu. |
Trong những ngày vừa qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và hết sức lo ngại trước thủ đoạn lừa đảo mới xảy ra trên mạng viễn thông.
Một số đối tượng mạo danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh học sinh thông báo về việc con của họ bị tai nạn trong trường học và đang được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế. Đối tượng lừa đảo cho biết đang cần gấp một khoản tiền để thực hiện phẫu thuật nếu không nạn nhân sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Qua nghiên cứu về phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, chúng tôi thấy rằng đây là phương thức lừa đảo mới xuất hiện ở Việt Nam. Tính chất tinh vi của thủ đoạn này là đối tượng đã mạo danh giáo viên để thông báo về tình trạng sức khỏe khẩn cấp của con em các nạn nhân.
Trên phương diện tâm lý, khi một người nhận được cuộc gọi nói đúng tên mình, đúng tên con mình, nói rõ thông tin về địa chỉ, lớp học, trường học thì nhiều người sẽ mặc định tin ngay đây chính là giáo viên hoặc người đang làm việc tại ngôi trường con mình theo học. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo tạo ra các tình huống rất khẩn cấp là cần “nóng” khoản tiền đóng viện phí để con nạn nhân có thể được phẫu thuật, cứu chữa tính mạng. Điều này không cho phép phụ huynh chần chừ, tính toán hoặc có thời gian để kiểm tra lại thông tin.
Đây là thủ đoạn rất tinh quái. Nó khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý của con người đó là lòng thương con của các bậc làm cha mẹ. Khi nghe tin con bị tai nạn, nhiều người bủn rủn chân tay, ngay lập tức có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn. Đây chính là thời điểm sự sáng suốt xuống đến mức thấp nhất. Bình thường, một người có thể rất tỉnh táo, sáng suốt nhưng khi đặt trong tình huống con bị tai nạn thì hiếm người có thể giữ được sự bình tĩnh để kiểm chứng thông tin.
Thủ đoạn của đối tượng là khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý từ đó dẫn dụ họ sập bẫy. Trò lừa này xét trên khía cạnh đạo đức thể hiện sự vô nhân tính. Các đối tượng chỉ cần đạt mục đích vì đồng tiền mà sẵn sàng tác động đến mối quan hệ rất thiêng liêng của con người là tình mẫu tử, phụ tử. Chúng lợi dụng lòng thương của các bậc làm cha mẹ để trục lợi, kiếm ăn. Xét về khía cạnh xã hội, đây là hành vi rất ghê tởm và đáng lên án.
Mấu chốt để các đối tượng thực hiện được trò lừa này là chúng sở hữu thông tin cá nhân của nạn nhân. Ở đây, chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Vì sao các đối tượng lại có trong tay thông tin cá nhân của nạn nhân? Qua nghiên cứu thông tin báo chí cung cấp liên quan đến các vụ việc đã xảy ra, tôi đánh giá nguồn thông tin cá nhân của học sinh có thể bị lộ lọt từ các nguồn sau:
Thứ nhất, thông tin bị lộ lọt từ chính các nhà trường. Cụ thể, mỗi trường học, lớp học đều phải có danh sách học sinh và kèm theo thông tin về phụ huynh, số điện thoại, địa chỉ nhà. Nguồn thứ hai có thể từ ban phụ huynh học sinh. Theo tôi được biết, gần như ở các lớp học hiện nay đều có những nhóm Zalo giữa giáo viên và phụ huynh học sinh để cập nhật tình hình học sinh ở lớp. Trong những nhóm này có thể chứa thông tin về học sinh, phụ huynh…
Ảnh minh họa: ITN |
Nguồn thứ ba, chúng ta biết rằng trẻ em hiện nay không chỉ học ở trường, chúng có thể học ở các trung tâm bên ngoài như học các lớp kỹ năng, học bơi, học võ… và ở các trung tâm này cũng đều có danh sách thông tin học sinh, thông tin địa chỉ, phụ huynh và thậm chí cả số điện thoại.
Việc đánh giá, đưa ra giả thuyết vì sao thông tin của học sinh bị lộ lọt thì có 2 khả năng. Khả năng thứ nhất là vô tình bằng một cách nào đó danh sách lọt vào tay các đối tượng bên ngoài thông qua việc đánh rơi điện thoại hoặc qua quá trình sửa chữa máy tính, điện thoại và các đối tượng sửa máy tính lấy. Cũng có thể do hacker tấn công chiếm quyền quản trị và khai thác được những thông tin, dữ liệu trong điện thoại.
Thứ hai là chính những người sở hữu thông tin đó bán ra bên ngoài. Thực tế vài năm trở lại đây, xã hội xuất hiện một loại thị trường “ngầm” là thị trường thông tin cá nhân. Lực lượng công an trong những năm qua đã triệt phá được những đường dây, ổ nhóm chuyên thu mua và cung cấp những tệp thông tin công dân trên không gian mạng. Có những vụ, các đối tượng mua bán lên đến 15G dữ liệu thông tin cá nhân.
Câu hỏi được đặt ra tiếp theo là vì sao lại xuất hiện thị trường này? Chúng ta có thể thấy rằng, có nhiều lý do. Chẳng hạn như một nhà sản xuất có mong muốn tiếp thị sản phẩm ra thị trường và không có cách tiếp thị nào dễ dàng hơn là trực tiếp gọi điện vào số điện thoại của người khác.
Như vậy có thể thấy, có cầu ắt có cung, có nhu cầu tiếp thị trực tiếp thì sẽ có nguồn cung cấp dữ liệu cá nhân của người khác. Từ đó, thị trường thông tin cá nhân ra đời. Và tôi nghĩ rằng, có đối tượng đã khai thác thông tin của các học sinh và bán ra thị trường này sau đó các đối tượng tội phạm đã mua lại để thực hiện hành vi lừa đảo.
Ông Ngô Minh Hiếu (Chuyên gia An ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam): Cập nhật kiến thức qua website chongluadao.vn
Ông Ngô Minh Hiếu. |
Việc thực hiện các cuộc gọi giả danh để nhằm mục đích lừa đảo không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, thủ đoạn giả danh nhân viên y tế, giáo viên và đưa ra những trường hợp nguy cấp liên quan đến tính mạng, sức khỏe của học sinh để phục vụ mục đích lừa đảo có thể nói là lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam.
Để thực hiện hành vi lừa đảo như trên, các đối tượng có thể thông qua việc sử dụng SIM rác, mạng Internet và những phần mềm giả lập số điện thoại để thực hiện cuộc gọi lừa đảo. Với những chiêu trò được sử dụng đó, các đối tượng khiến cơ quan công an khi tiến hành điều tra, xác minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Phương tiện để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo tiếp theo là tài khoản ngân hàng cũng rất dễ dàng được chúng sở hữu thông qua việc mua bán các tài khoản trên mạng. Những tài khoản này được người khác lập với đầy đủ thông tin cần thiết sau đó rao bán lại. Các đối tượng tội phạm sẽ lập tức thu mua để sử dụng cho những hành vi phạm pháp.
Sau khi có được số tiền do bị hại chuyển đến, các đối tượng thường dùng chính tài khoản này để luân chuyển dòng tiền qua các kênh trung gian hoặc sử dụng để mua bán. Từ đó, quá trình điều tra, xác định danh tính của đối tượng lừa đảo thông qua tài khoản thẻ sẽ rất khó khăn.
Để tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, người dân cần bình tĩnh và sau đó nên xác nhận lại thông tin với bệnh viện và trường mà con đang học. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên cập nhật thông tin, kiến thức cần thiết về các dấu hiệu lừa đảo và cách phòng tránh thông qua trang website “chongluadao.vn” của Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam để nắm bắt và biết cách đối phó với các trường hợp tương tự.
Cô Nguyễn Thị Hà (Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Phụ huynh nên xác minh thông tin từ phía nhà trường
Cô Nguyễn Thị Hà. |
Tại Trường THCS Trưng Vương, rất may chưa có phụ huynh nào nhận được cuộc gọi với những thủ đoạn lừa đảo như trên. Tuy nhiên, khi trên các phương tiện truyền thông có đăng tải thông tin về những vụ lừa đảo với thủ đoạn “chuyển tiền cấp cứu cho con”, Trường THCS Trưng Vương đã sao chép những đường link của các bài viết đó và chuyển cho giáo viên chủ nhiệm của từng lớp để thầy cô gửi thông tin trên vào các nhóm phụ huynh học sinh với mục đích cảnh báo.
Đồng thời, nhà trường cũng thông báo tới toàn thể giáo viên nếu phụ huynh học sinh nhận được những cuộc gọi như trên thì phải lập tức liên hệ với giáo viên chủ nhiệm. Trường hợp không liên hệ được với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường khuyến cáo phụ huynh học sinh phải liên hệ trực tiếp tới bộ phận phụ trách y tế của nhà trường. Để làm được những việc đó, nhà trường đã cho công khai số điện thoại của nhân viên phụ trách y tế và số điện thoại của ban giám hiệu nhà trường tới từng phụ huynh học sinh để sẵn sàng liên hệ khi cần.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi nhận được những cuộc gọi như trên, phụ huynh cần bình tĩnh, xác minh thông tin từ phía nhà trường để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Tôi đánh giá đây là thủ đoạn rất tinh vi của các đối tượng và cần lên án mạnh mẽ khi chúng đã lợi dụng tình cảm thiêng liêng nhất của con người để phục vụ mục đích lừa đảo. Bất cứ phụ huynh nào, ai cũng thương con, yêu con nên khi nghe những thông tin về tình trạng sức khỏe của con cái mình không tốt, không một ai là không lo lắng và khi lo lắng quá, con người ta có thể mất bình tĩnh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khi được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cộng với sự phối kết hợp của nhà trường, phụ huynh học sinh sẽ không ai mắc phải những chiêu lừa như vậy.
Luật sư Nguyễn Anh Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Mức phạt cao nhất là tù chung thân
Thực tế, trò lừa đảo bằng cách thức mạo danh không phải là mới ở Việt Nam. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều trò lừa như giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật, ngân hàng, bưu điện… khiến rất nhiều người sập bẫy.
Tuy nhiên, so với thủ đoạn “lừa chuyển tiền cấp cứu cho con”, các hình thức lừa đảo mạo danh trước kia cũng có sự giống và khác nhau. Giống nhau đều là sự mạo danh, giả danh người khác và đều tạo ra nỗi lo sợ trong tâm lý nạn nhân. Ngoài ra, chúng đều đi đến cái đích yêu cầu nạn nhân chuyển tiền. Bên cạnh đó, phương thức lừa đảo là đều yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản chứ không giao tiền trực tiếp.
Điểm khác của những trò lừa đảo mạo danh trước đây với trò lừa “chuyển tiền cấp cứu cho con” là các đối tượng không xác định được thông tin của nạn nhân khi thực hiện hành vi phạm tội. Chúng có thể gọi điện cho bất cứ ai để hù dọa. Với những người tỉnh táo, họ sẽ không sập bẫy. Những người khác non yếu về khả năng nhận thức thì bị lừa.
Tuy nhiên, ở trò lừa “chuyển tiền cấp cứu cho con”, các đối tượng lại biết rõ về thông tin cá nhân của nạn nhân trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Điều đó có nghĩa là chúng phải có trong tay dữ liệu cá nhân của nạn nhân rồi.
Dưới góc nhìn pháp lý, hành vi mạo danh giáo viên gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn phải chuyển khoản để mổ gấp nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt lên đến chung thân, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi hoặc số tiền chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, nếu có căn cứ xác định được người có hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu cá nhân để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính đến 60 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.