Hai người trình báo bị lừa chuyển tiền để cấp cứu cho con

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ 2 vụ việc người dân trình báo bị lừa chuyển tiền để cấp cứu cho con.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, ngày 14/3, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị V.T.H. (SN 1978, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về việc khi chị H. đang làm việc tại công ty ở KCN Từ Liêm thì nhận được điện thoại từ số +84707118406 tự xưng là giáo viên nhà trường đến số điện thoại cá nhân của chị.

Qua trao đổi, đối tượng thông báo con chị là L.G.B. bị ngã từ tầng 3 của trường và hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, chị H. được nối máy đến đối tượng tự xưng là bác sĩ yêu cầu chị chuyển tiền để làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật gấp.

Chị H. đã 2 lần chuyển tiền với tổng số tiền là 200 triệu vào tài khoản do đối tượng yêu cầu. Sau khi chuyển tiền, chị H. đã liên lạc với nhà trường và biết bản thân bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, hồi 15h30’ ngày 13/3, anh L.X.H. (SN 1980, trú tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đang làm việc thì nhận được điện thoại từ số 0774.105.315 đến số máy cá nhân của anh H.

Đối tượng giới thiệu là giáo viên và thông báo con gái anh là L.T.M. bị ngã từ tầng 3 nhà trường bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện 354 trong tình trạng rất nặng.

Đối tượng sau đó yêu cầu anh H. chuyển ngay số tiền 40 triệu vào tài khoản do đối tượng cung cấp để làm thủ tục mổ. Sau khi chuyển tiền anh H. kiểm tra lại nhà trường thì phát hiện mình bị lừa đã trình báo tại cơ quan công an.

Liên quan đến thủ đoạn gọi điện thông báo người thân bị tai nạn để lừa đảo, cơ quan công an chỉ ra các đối tượng sẽ thường giả mạo giáo viên, nhân viên trường học; bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện hoặc cán bộ cơ quan chức năng.

Khi gọi, các đối tượng sẽ thông báo người thân (học sinh...) bị tai nạn đang trong tình trạng nguy kịch, cần phẫu thuật gấp. Sau đó, chúng sẽ lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân rồi cung cấp tài khoản mạo danh, yêu cầu gia đình chuyển khoản tạm ứng viện phí.

Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, khi nhận những cuộc gọi như trên, người dân cần bình tĩnh xác minh sự việc với nhà trường. Trong trường hợp khẩn cấp, nếu không liên hệ được với trường học, phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với số điện thoại trực ban của công an phường sở tại, công an địa phương gần nhất hoặc bệnh viện.

Cảnh sát cảnh báo người dân tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền hoặc đăng nhập vào đường link lạ được cung cấp và không cấp mã OTP để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...