Lừa phụ huynh học sinh với chiêu trò 'con đang cấp cứu cần chuyển tiền gấp'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh tại Thái Nguyên nhận được thông báo con bị tai nạn đang cấp cứu, yêu cầu chuyển gấp tiền để đóng viện phí.

Lừa đảo tấn công phụ huynh với chiêu trò 'con đang cấp cứu cần chuyển tiền gấp'
Lừa đảo tấn công phụ huynh với chiêu trò 'con đang cấp cứu cần chuyển tiền gấp'

Đa dạng chiêu trò lừa đảo

Chị Phạm Hải Yến là phụ huynh của một học sinh đang theo học tại trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo con đang chơi cùng bạn tại trường và bị tai nạn.

Trao đổi với báo GD&TĐ chị Phạm Hải Yến cho biết: Khoảng 10 giờ ngày 16/3, một đối tượng có số điện thoại 07082228342 tự xưng là thầy giáo của con gái, gọi điện thoại và thông báo cháu đang chơi cùng bạn bị tai nạn ngã, nghi ngờ đối tượng lừa đảo, chị Yến đã bình tĩnh nói sẽ gọi cho cô giáo chủ nhiệm để xác minh thông tin, ngay lập tức, đối tượng giả mạo liền tắt máy.

Tương tự như Chị Yến, một phụ huynh khác có con đang theo học tại trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên cũng nhận được cuộc gọi từ số máy trên, thông báo con đang hôn mê trong viện. Điều đáng nói, các đối tượng này đều cung cấp thông tin một cách chính xác về họ tên, lớp học sinh đang theo học để khiến cho các phụ huynh tin tưởng.

Tuy nhiên, do đã được cảnh báo thông tin lừa đảo này trên báo chí và từ phía nhà trường nên đa số các phụ huynh đã cảnh giác, sớm phát hiện, xác minh thông tin và báo cáo vụ việc cho giáo viên chủ nhiệm cũng như ban giám hiệu nhà trường.

Không chỉ có trường hợp tại trường THCS Quang Trung, nhiều trường học khác trên địa bàn TP Thái Nguyên như trường THCS Độc Lập, trường THCS Chùa Hang, THCS Hoàng Văn Thụ cũng nhận được phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho phụ huynh để thông báo con em mình đang bị tai nạn.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, sáng ngày 16/3, có một số phụ huynh có con theo học tại các trường trên địa bàn TP Thái Nguyên nhận được cuộc gọi thông báo có con đang phải cấp cứu tại Bệnh viện, lo lắng cho sự an toàn của con nên nhiều người đã đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để xác thực.

Tuy nhiên, thực tế không có trường hợp học sinh nào là con của các phụ huynh này phải vào Bệnh viện để cấp cứu. Ngay sau đó, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã liên hệ với phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên để thông tin về sự việc trên.

Số điện thoại của các đối tượng lừa đảo liên tục "tấn công" giả danh giáo viên.

Số điện thoại của các đối tượng lừa đảo liên tục "tấn công" giả danh giáo viên.

Cần nâng cao cảnh giác

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Trịnh Đức Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Độc Lập, cho biết: Các số điện thoại gọi đến gồm: 0768139572, 0348436514 hoặc đầu số 037… Trước đó, Nhà trường đã nhận được thông báo của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên cảnh báo về việc có số điện thoại lạ gọi đến báo tin con bị tai nạn đang nằm viện và yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí.

Nhà trường đã kịp thời thông báo đến 1.145 học sinh và các bậc phụ huynh. Nhờ vậy, các phụ huynh đều nắm được thông tin và xác nhận với Nhà trường sau khi nhận cuộc gọi của đối tượng lừa đảo. Đến nay, không có trường hợp nào mắc lừa thủ đoạn trên.

Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên cho biết: Ngay trong sáng nay, đã có 36 phụ huynh học sinh nhận được cuộc điện thoại từ các đối tượng lừa đảo, hầu hết các đối tượng đều gọi cho phụ huynh của học sinh khối 6.

Trước đó, nhà trường cũng đã có các biện pháp tuyên truyền, lên tiếng cảnh báo đến phụ huynh, học sinh để tránh bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, khi có yêu cầu chuyển tiền từ người lạ và nói rằng con đang cấp cứu nằm viện thì phụ huynh cần gọi điện hoặc xác minh thông tin từ phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, tránh vội vã chuyển tiền cho người lạ.

Đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm của các lớp thường xuyên, liên tục nắm bắt tình hình, quản lý học sinh sát sao để thông tin cho phụ huynh nhanh chóng nhất. Ngoài ra, nhà trường cũng đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng bao gồm số điện thoại của hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh liên lạc và nâng cao cảnh giác.

Như vậy, việc các đối tượng lừa đảo liên tục tấn công đã gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và học sinh. Chính vì vậy, các trường học cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh, khuyến cáo phụ huynh học sinh trong toàn trường ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...