Để thực phẩm bẩn tràn lan, đầu độc người dân: Phải có ai đó chịu trách nhiệm!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nửa cuối tháng 11 vừa qua, sự việc đau lòng đã xẩy ra tại Trường Ischool Nha Trang, 600 học sinh bị ngộ độc thực phẩm, một trẻ đã qua đời.

Nhiều năm qua, thực phẩm bẩn vẫn len lỏi, đầu độc sức khỏe người dân. Ảnh: Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh phối hợp bắt giữ 1 vụ vận chuyển thực phẩm bẩn.
Nhiều năm qua, thực phẩm bẩn vẫn len lỏi, đầu độc sức khỏe người dân. Ảnh: Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh phối hợp bắt giữ 1 vụ vận chuyển thực phẩm bẩn.

Đây là nỗi đau, sự mất mát không thể bù đắp của cha mẹ, người thân nạn nhân mà nó còn là nỗi đau chung của toàn xã hội. Có một thực tế rất rõ ràng là lãnh đạo nhà trường dù thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm nhưng chắc chắn không thể nhìn thấy vi khuẩn bằng mắt thường.

Thực phẩm bẩn tràn lan, đã, đang và sẽ tiếp tục gây nhức nhối trong xã hội, không loại trừ xã hội tiếp tục phải chứng kiến những cái chết thương tâm từ hệ quả kiểm soát, quản lý yếu kém an toàn thực phẩm (ATTP) từ cơ quan có trách nhiệm. Đã đến lúc cần phải trả lời cho câu hỏi trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai?

Nỗi đau không của riêng ai

Ngày 17/11, sau bữa ăn trưa bán trú với món cánh gà chiên, gà luộc xé, canh thịt heo tại trường Ischool Nha Trang, nhiều học sinh bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt…

Hệ quả hơn 640 em học sinh phải tới các bệnh viện thăm khám, kiểm tra vì ngộ độc thực phẩm. Trong số này có hơn 260 em được cho về nhà theo dõi; 380 em nhập viện điều trị nội trú. Một học sinh 6 tuổi không may bị tử vong.

Xác định của ngành y tế cho thấy tác nhân gây bệnh là Salmonella group (vi khuẩn trong dạ dày và ruột). Salmonella group được tìm thấy trong món cánh gà chiên mà các em học sinh ăn phải.

Vụ ngộ độc tập thể này là nỗi đau không của riêng Trường Ischool Nha Trang, không của riêng phụ huynh có con em đang theo học tại trường này mà là của toàn xã hội. Hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam đã, đang và vẫn hoang mang trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, thâm nhập, đầu độc sức khỏe người dân.

Để thực phẩm bẩn tràn lan, đầu độc người dân: Phải có ai đó chịu trách nhiệm! ảnh 1

Một học sinh tử vong trong vụ 600 học sinh trường iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm dấy lên mối lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đánh giá của các đại biểu tại hội thảo Hợp tác truyền thông ATTP do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Cục ATTP - Bộ Y tế tổ chức cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn biến nghiêm trọng ở một số địa phương.

Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011 - 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.

Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.

Phải có ai đó chịu trách nhiệm!

Thực tế là Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm (Luật số: 55/2010/QH12), trong đó quy định rất chi tiết về các điều khoản pháp lý có liên quan, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Chúng ta cũng đã có cả một bộ máy kiểm soát về ATTP. Nhưng có một thực tế rất rõ ràng là thực phẩm bẩn vẫn len lỏi, đầu độc sức khỏe người dân.

Vẫn biết thương nhân, tổ chức, hộ cá nhân sản xuất, cung cấp thực phẩm thiếu lương tâm, không có trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng vì lợi ích kinh tế mà bất chấp tính mạng người tiêu dùng là đối tượng phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi hệ quả xẩy ra, bị pháp luật trừng trị. Nhưng, đợi đến khi “ý thức bẩn” đó bị lôi ra ánh sáng, bị pháp luật xử lý thì câu chuyện đã quá muộn, hậu quả đã xẩy ra, người tiêu dùng đã bị trả giá về sức khỏe.

Vấn đề ở đây là đã đến lúc phải trả lời cho câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về sự buông lỏng quản lý này?

Trao đổi với GD&TĐ, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm: Chúng ta đã có luật, có chế tài xử lý, có bộ máy kiểm soát chặt chẽ mà thực phẩm bẩn vẫn len lỏi, đầu độc sức khỏe người dân thì rõ ràng bộ máy ấy “có vấn đề”.

Cơ quan chịu trách nhiệm cấp bộ về ATTP là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và chính quyền UBND các cấp. “Đã đến lúc cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm ATTP một cách nghiêm minh nhất, minh bạch nhất, kỷ luật, cách chức, điều chuyển vị trí công tác nếu để địa bàn quản lý xuất hiện thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”, luật sư Thu nêu quan điểm.

Theo luật sư Bùi Quang Thu thì cũng cần phải thanh tra, giám sát chặt chẽ cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP, về việc cấp Giấy phép chứng nhận ATTP. “Việc cấp giấy phép này có thể đúng về quy trình. Nhưng có lợi ích nhóm trong việc cấp giấy phép này không thì cần phải được thanh kiểm tra thường xuyên để làm rõ.

Thực tế Giấy phép chứng nhận ATTP trong tay gian thương nó không khác gì bùa hộ mệnh để họ kinh doanh trái lương tâm thu về lợi ích kinh tế tối đa, xem thường tính mạng cộng đồng. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp phép, tùy mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tinh thần bảo vệ, sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng là thượng tôn”, luật sư Bùi Quang Thu nêu quan điểm.

Các chuyên gia pháp lý khác khi được hỏi cũng nêu quan điểm là: Lâu nay, gần như việc xử lý vi phạm ATTP chỉ có cơ sở vi phạm bị xử phạt là chính, còn các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan trên địa bàn gần như rất ít khi bị xử lý hoặc là sờ tới. Dù cho quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan quản lý địa phương đã rất rõ trong Luật ATTP hiện hành.

“Vụ việc ở trường Ischool, cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án để điều tra, xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp thực phẩm trong vụ việc này chắc chắn sẽ được làm rõ. Trường học có hợp đồng với nhà cung cấp thì nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm thực phẩm an toàn đầu vào. Nhà trường không thể có “mắt thần” để nhìn thấy vi khuẩn trong thức ăn do nhà cung cấp mang tới cho học sinh”, luật sư Bùi Quang Thu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...