Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội bám sát chương trình học

GD&TĐ - Năm nay, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá bám sát chương trình học, cấu trúc ổn định.

Thí sinh phấn khởi ra khỏi phòng thi. Ảnh Tú Anh
Thí sinh phấn khởi ra khỏi phòng thi. Ảnh Tú Anh

Đề thi gợi mở, thú vị

Theo đánh giá của cô Đinh Thị Thuỷ - giáo viên môn Ngữ văn Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Hà Nội): “Đề thi văn 2023 của Sở Giáo dục Hà Nội không quá thách thức với học sinh, hai phần nội dung của đề đã khơi gợi được những nhận thức sâu sắc về lý tưởng, về tinh thần và thái độ sống của người trẻ.

Đồng thời, trong đề thi đã chạm đến những vấn đề gần gũi (tình cảm gia đình), vấn đề mang tính thời sự (làm chủ cảm xúc) – đây là vấn đề đã, đang nhận được sự quan tâm của gia đình, xã hội hiện nay. Với những yêu cầu này, thí sinh có thể thoải mái thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình.

Đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm học 2023-2024.

Đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm học 2023-2024.

Đi sâu vào phân tích cấu trúc đề, cô Thuỷ nói: Cấu trúc đề thi đảm bảo sự kế thừa, tiếp nối cấu trúc đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội những năm gần đây với 2 phần.

Phần I (6.5 điểm). Kiểm tra kiến thức, năng lực văn học với 4 câu (02/04 câu ở mức độ Nhận biết; 02/04 câu ở mức thông hiểu và vận dụng).

Phần II. (3.5). Kiểm tra kiến thức, năng lực hiểu biết về vấn đề xã hội với 03 câu hỏi (01/03 câu ở mức độ Nhận biết; (02/03 câu ở mức độ Thông hiểu và Vận dụng)”.

Theo cô Thuỷ, phần kiểm tra kiến thức Văn học vào bài Những ngôi sao xa xôi của tác giả Lê Minh Khuê, đây là tác phẩm truyện ngắn có ý nghĩa, đánh thức tình yêu đất nước, lý tưởng sống, lối sống đẹp, biệt là tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội của những cô gái thanh niên xung phong thời kháng Mỹ.

Bên cạnh đó, đây là một trong những tác phẩm nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh trong kì thi năm nay.

Tuy vậy, ở phần I, trong câu viết đoạn văn 15 câu theo phép tổng phân hợp có nêu rõ yêu cầu vấn đề cần nghị luận: tình đồng đội, học sinh cần nhận thức rõ yêu cầu để viết đoạn văn đảm bảo cấu trúc, vấn đề trọng tâm; ngoài ra các em cũng cần chú ý đảm bảo yêu cầu phụ (phép nối và câu cảm thán)”.

Còn ở phần II, ngữ liệu là đoạn trích ngắn trong văn bản “Sống có giá trị” khơi gợi vấn đề gần gũi: tình cảm gia đình, cụ thể là tình cảm của cha với con, từ đó khơi gợi nhận thức của các em về tấm lòng, sự quan tâm, yêu thương thầm lặng của cha mẹ; nhắn nhủ các em hiểu được rằng chính những cảm xúc buồn, chưa tích cực của con cái lại để lại nhiều trăn trở, lo lắng cho cha mẹ.

“Với ngữ liệu đó, các em ý thức về việc rèn luyện bản lĩnh, biết làm chủ cảm xúc bản thân để cuộc sống của chính mình ý nghĩa, hạnh phúc. Điều đó cũng trở thành niềm hạnh phúc của mẹ, cha”, cô Thuỷ nhấn mạnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Trung tâm Edufly nhận xét, đề thi có cấu trúc quen thuộc. Các câu hỏi được diễn đạt sáng rõ, tường minh.

Cô Hà phân tích, về nội dung, đề thi bám sát với yêu cầu cần đạt về kiến thức văn bản và kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng làm văn của chương trình Ngữ văn 9. Cụ thể là kiến thức văn bản “Những ngôi sao xa xôi” – tác giả Lê Minh Khuê và kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học – nghị luận xã hội.

Phạm vi kiến thức bao quát từ tiếng Việt – văn bản – làm văn tới mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng sáng tạo, giúp đề có thể đánh giá kiến thức và kĩ năng của thí sinh một cách toàn diện.

Vấn đề “ý nghĩa làm chủ cảm xúc của bản thân” đặt ra trong yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội rất thiết thực và gần gũi với học sinh hiện nay – lứa tuổi đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lí và cũng chịu nhiều tác động từ môi trường xung quanh. Nhìn chung, cách ra đề năm nay không gây nhiều bất ngờ, vừa sức với học sinh. Với sự ôn luyện kĩ càng, chắc chắn các em sẽ có được kết quả xứng đáng.

Đề có kiến thức bao quát

Chị Quỳnh Trang động viên con trai sau khi thi xong môn Ngữ văn sáng 10/6.

Chị Quỳnh Trang động viên con trai sau khi thi xong môn Ngữ văn sáng 10/6.

Chị Quỳnh Trang - phụ huynh có con học tại Trường THCS Dương Nội, quận Hà Đông tâm sự: "Những ngày này chúng tôi cũng rất lo lắng vì kỳ thi năm nay cạnh tranh cao hơn năm ngoái. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn động viên con cố gắng hết sức để thể hiện tốt bài thi của mình. Cho dù kết quả có ra sao thì bố mẹ vẫn luôn đồng hành, ủng hộ con".

Nhiều thí sinh chia sẻ, các em còn khoảng 30 phút cuối để soát lại bài làm của mình.

Nhiều thí sinh chia sẻ, các em còn khoảng 30 phút cuối để soát lại bài làm của mình.

Kết thúc bài thi của mình, Nguyễn Đức Hoàng đến từ Trường THCS An Khánh vui vẻ nói: "Em đã ôn rất kỹ các tác phẩm văn học, trong đó có bài Những ngôi sao xa xôi. Đề thi hôm nay có kiến thức bao quát và không quá khó khăn nếu bạn nào có sức học khá trở lên. Em đã tập trung toàn lực hoàn thiện các phần câu hỏi trong khoảng 90 phút, thời gian còn lại để rà soát toàn bộ bài làm của mình".

Các thí sinh ra khỏi phòng thi với gương mặt rạng ngời vì làm tốt bài thi.

Các thí sinh ra khỏi phòng thi với gương mặt rạng ngời vì làm tốt bài thi.

Em Hoàng Trung Dũng, học sinh Trường THCS Dương Nội, quận Hà Đông cho biết, đề hôm nay dễ bám sát chương trình học của lớp 9. Đối với nội dung trong đề đều có sự sắp xếp từ dễ tới khó. Phần I về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi là phần em đã học khá kỹ. Tuy nhiên, để phân tích hay và đủ ý thì cần có tư duy tốt cũng như sự sáng tạo thì mới giành được điểm tuyệt đối. Em dự đoán mình được khoảng 7 điểm.

Nhiều thí sinh với tâm trạng phấn khởi bước ra khỏi khu vực thi.

Nhiều thí sinh với tâm trạng phấn khởi bước ra khỏi khu vực thi.

Bước ra khỏi trường thi với nụ cười rạng rỡ, bạn Ngô Thiên Lâm, học sinh Trường THCS Phúc Lợi, thi tại điểm thi Trường THPT Thạch Bàn vui vẻ cho biết: Đề thi Ngữ văn không trúng tủ những trúng kiến thức. Đề nghị luận văn học yêu cầu nói về một phẩm chất tình đồng đội, đây là điều em thấy lý thú và cùng tự đọc sách nhiều nên hiểu và có nhiều ý để viết. Câu nghị luận xã hội khá dễ và phù hợp với em. Em tự tin sẽ trúng tuyển vào Trường THPT Thạch Bàn theo như nguyện vọng đăng ký.

Thí sinh Ngô Thiên Lâm được mẹ đón, câu đầu tiên bạn trả lời mẹ: Không trúng tủ, nhưng trúng kiến thức!

Thí sinh Ngô Thiên Lâm được mẹ đón, câu đầu tiên bạn trả lời mẹ: Không trúng tủ, nhưng trúng kiến thức!

Đưa con đi thi, chị Lê Thị Minh cho biết: Thiên Lâm là cháu thứ 2, cháu lớn đang học đại học năm thứ 2. Mẹ kế toán, bố kỹ sư nên ở nhà các cháu đều ý thức tự giác học tập, lại thêm ở trường các cô cũng bảo ban tận tình. Việc học của các cháu bố mẹ chỉ lo động viên và trợ giúp thôi, còn các con phải ý thức là chính. Thiên Lâm bước vào kỳ thi rất tự tin, bố mẹ lo nhiều chứ hỏi cháu trả lời: Mình có đủ, vững kiến thức rồi thì cứ thế mà làm bài, có gì phải lo đâu mẹ!

Còn Hoàng Đức Cường, học sinh Trường THCS Ái Mộ, dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho rằng: Đề ngữ văn không khó, nhưng vấn đề là để viết được câu nghị luận xã hội hay, đòi hỏi các bạn phải có tư duy tổng hợp tốt, cần viết thật cô đọng nhưng đảm bảo đủ ý. Ở trường em, cô giáo cho ôn tập và luyện khá kỹ nên em tự tin với bài làm của mình. Đưa ra dự đoán với bài thi trên sẽ đạt khoảng 8 điểm nên hy vọng sẽ trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Gia Thiều danh giá này. - Tùng cười nói.

Lực lượng đoàn viên hỗ trợ thí sinh nhiệt tình trước và sau mỗi buổi thi.

Lực lượng đoàn viên hỗ trợ thí sinh nhiệt tình trước và sau mỗi buổi thi.

Theo cô Đặng Nguyệt Anh, giáo viên Ngữ Văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam: Đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm nay được đánh giá vừa sức với các sĩ tử. Phần nghị luận văn học nói về tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của nhà văn Lê Minh Khuê.

Với Ngữ văn là môn thi đầu tiên của kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2023. Với điểm nhân hệ số 2, môn thi được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng. Đề thi như vậy vừa sức với thí sinh và cùng đảm bảo đánh giá năng lực học tập của các em.

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B nhận định, đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay nhìn chung vừa sức với thí sinh và giống với cấu trúc đề của những năm trước.

Theo đó, phần nghị luận văn học rơi vào tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” là một tác phẩm khá trọng tâm trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Phần này gồm các câu hỏi rất cơ bản từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.

Cô Nguyễn Hằng Nga đánh giá đề Văn của Hà Nội năm nay hay và vừa sức thí sinh.

Cô Nguyễn Hằng Nga đánh giá đề Văn của Hà Nội năm nay hay và vừa sức thí sinh.

Các câu hỏi đều rất quen thuộc với chương trình ôn tập của thí sinh nên thí sinh học khá sẽ trả lời được đầy đủ các câu hỏi. Yêu cầu viết đoạn văn cũng rất vừa sức. Đoạn văn Tổng - Phân - Hợp từ 10 - 12 câu trong đó có sử dụng phép nối và câu cảm thán.

Phần nghị luận xã hội ngữ liệu khá hay về tình cảm của người cha đối với con. Yêu cầu viết đoạn văn nghị luận 2/3 trang giấy về vấn đề làm chủ cảm xúc của bản thân cũng rất ý nghĩa đối với các bạn trẻ sắp bước vào THPT. Đây là phần vận dụng cao giúp phân loại thí sinh rất tốt.

"Tóm lại, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay là một đề thi hay và vừa sức với thí sinh. Đề có tính ổn định qua nhiều năm và phân loại rất tốt đối với trình độ của thí sinh" - cô Hằng Nga nhấn mạnh.

Vừa sức thí sinh

Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội đánh giá đề thi có cấu trúc quen thuộc, mang tính ổn định cao, vừa sức với thí sinh. Phổ điểm chủ yếu thí sinh có thể đạt được 6 – 7,5 điểm.

Phần I - Đọc - hiểu, ngữ liệu trong chương trình với tổng là 6,5 điểm (tức 65% số điểm toàn bài), gồm 4 câu hỏi, phân theo 3 mức độ nhận thức.

Câu 1 và câu 4 đều ở mức độ nhận biết (chiếm 25% số điểm), câu 2 ở mức độ thông hiểu (chiếm 15 % số điểm). Câu 3 là viết đoạn nghị luận văn học, mức dộ vận dụng (chiếm 35% số điểm).

Nhìn chung, đề đọc hiểu ở phần I vừa sức với thí sinh, hệ thống các câu hỏi rõ ràng, quen thuộc, đều nằm trong chương trình ôn tập.

Chẳng hạn như các dạng câu hỏi về hoàn cảnh sáng tác (câu 1) hay câu hỏi về những văn bản cùng đề tài hoặc cùng thời điểm,… đều là các dạng câu hỏi hết sức quen thuộc.

Câu nghị luận văn học bàn về tình đồng chí, động đội của các nhân vật Nho, Thao, Phương Định trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi” cũng là dạng đề quen thuộc, nằm ở phần trọng tâm của văn bản.

Tuy nhiên, đề thi này sẽ khó có thể tìm được những bài thi mang tính độc đáo, sáng tạo bởi lẽ chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh.

Phần II (Đọc - hiểu), ngữ liệu ngoài chương trình và nghị luận xã hội, chiếm 3,5 điểm (tức 35% số điểm toàn bài), gồm 3 câu hỏi, cũng phân theo 3 mức độ nhận thức.

Câu 1 (5% số điểm) ở mức độ nhận biết về phần Tiếng Việt (thành phần phụ chú), câu 2 ở mức độ thông hiểu (10%), câu 3 ở mức độ vận dụng (chiếm 20%) với yêu cầu: Trình bày suy nghĩ (2/3 trang giấy thi) về ý nghĩ của việc làm chủ cảm xúc bản thân.

Với phần II, ngữ liệu đưa ra nằm ngoài chương trình, tuy nhiên, ngữ liệu cũng khá quen thuộc, hệ thống câu hỏi rõ ràng, vừa sức với học sinh.

Đề thi nghị luận xã hội cơ bản không khó, nhưng phù hợp và có ý nghĩa với lứa tuổi học sinh đang ở tuổi dậy thì, kĩ năng làm chủ cảm xúc của bản thân là rất quan trọng. Như vậy, đề thi vừa sức, lại hướng tới những giá trị phù hợp, cần thiết với học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Dự kiến kiến phổ điểm khá cao

Các thầy cô trong tổ Ngữ văn - Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: Cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên như mọi năm với thời gian làm bài 120 phút và thí sinh sẽ thực hiện trả lời các câu hỏi ngắn, viết 2 đoạn văn.

Kiến thức Văn học và Tiếng Việt bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9, tuy nhiên trọng tâm vẫn rơi vào nội dung của học kì II . Dự kiến kiến phổ điểm trung bình không thấp, có thể từ 7 - 8 điểm, nhưng sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kì thi năm nay.

Cụ thể, phần I (6,5 điểm) hỏi vào tác phẩm Những ngôi sao xa xôicủa Lê Minh Khuê - một văn bản tương đối quen thuộc với thí sinh. Văn bản này đã xuất hiện nhiều lần trong đề thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Với yêu cầu tái hiện kiến thức của câu 1,2,4, các thí sinh sẽ không gặp bất cứ khó khăn nào.

Tuy nhiên, ở câu hỏi số 3 khi viết đoạn văn theo phép lập luận tổng – phân – hợp để phân tích về tình đồng đội của ba nhân vật Nho, Thao và Phương Định, thí sinh cần lưu ý về dung lượng (khoảng 15 câu) tránh viết lan man, không làm rõ yêu cầu của đề.

Phần II (3,5 điểm): Ngữ liệu được trích trong cuốn “Sống có giá trị” tương đối ngắn, thí sinh có thể hoàn thành được câu hỏi đọc – hiểu và tiếng Việt dễ dàng. Đề tài Làm chủ cảm xúc là vấn đề được quan tâm trong nhiều năm trở lại đây, thí sinh có thể dễ dàng tìm được các chứng cứ từ thực tế cuộc sống, đưa ra được quan điểm của bản thân để hoàn thành yêu cầu của đề bài.

Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể dễ dàng hoàn thành được bài thi môn Ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Tuy nhiên, những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn và đem lại kết quả cao.

Đề thi an toàn

Theo thầy Nguyễn Thế Lượng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ), nhìn tổng thể, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 các trường THPT công lập, hệ không chuyên của Hà Nội bao hàm kiến thức cơ bản về nghị luận văn học, nghị luận xã hội, các câu hỏi ở từng phần được hỏi theo từng mức độ nhận thức của học sinh.

Trong mỗi phần, có câu hỏi liên hệ, mở rộng, có tính phân loại. Ở phần I, cách hỏi ở câu hỏi 2, 3 bắt buộc học sinh phải huy động kiến thức, kỹ năng của bản thân để trả lời, không thể trả lời theo kiểu bài văn mẫu có sẵn.

Phần II, để trả lời câu hỏi, học sinh cần bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân, tư duy xã hội độc lập về vấn đề xã hội. Vấn đề xã hội gợi dẫn trong đề phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp 9.

Ở cả hai phần của đề thi, đều bao hàm kiến thức về Văn học, Tiếng Việt, Làm văn. Đồng thời, mỗi câu hỏi của từng phần đều thể hiện yêu cầu về kỹ năng trình bày, tư duy của học sinh khi trả lời câu hỏi. “Nhìn chung đề thi có tính phân hóa” – thầy lượng nhận xét.

Thầy Nguyễn Thế Lượng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Thế Lượng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Cô Lưu Thị Thanh Nga – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) nhận xét, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 các trường THPT công lập, hệ không chuyên của Hà Nội khá “an toàn”.

Cấu trúc và bố cục tương tự những năm trước. Đề thi có nhiều câu hỏi của đề thi yêu cầu thí sinh học thuộc lòng. Thí sinh nắm chắc các ngữ liệu, văn bản, kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được bài.

Nhìn chung, với đề thi này, học sinh học chắc kiến thức trên lớp, ôn kỹ các bài trong sách giáo khoa là có thể đạt 6-7 điểm. Nếu cẩn thận, chỉn chu thì các em có thể đạt điểm cao hơn. Với học sinh giỏi có thể đạt điểm 9 trở lên.

Cô Lưu Thị Thanh Nga - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Cô Lưu Thị Thanh Nga - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: NVCC.

“Trước ngày thi, cá nhân tôi kỳ vọng đề thi vào lớp 10 năm nay của Hà Nội sẽ “phá cách” hơn. Tuy nhiên, tôi hơi thất vọng một chút vì đề thi năm nay chưa thực sự hay, thậm chí có phần vụn vặt. Nếu so sánh, tôi thích đề thi của TP Hồ Chí Minh hơn” – cô Nga bày tỏ.

Theo cô Nga, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội chưa khuyến khích được tính sáng tạo của thí sinh. Với đề thi này, các em có “ít đất” để thí sinh thể hiện khả năng viết lách, cảm thụ văn học của mình.

Cô Nguyễn Thị Duyên – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Duyên – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Duyên – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) cho rằng, cấu trúc và cách thức ra đề giống như mấy năm gần đây. Đề thi yêu cầu nhỏ, lẻ làm giảm khả năng tư duy, cảm xúc và sáng tạo của thí sinh.

Ngoài ra, phần lớn các yêu cầu trong đề thi vẫn hướng tới kiểm tra kiến thức gắn với ngữ liệu trong sách giáo khoa. Tính phân hóa trong câu hỏi để phân biệt học sinh khá và giỏi chưa rõ.

Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng, các ngữ liệu liệu trong đề thi khá phù hợp với năng lực, tâm lí, lứa tuổi của học sinh. Riêng câu hỏi 3 ở cả phần I và phần II có kết hợp các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.