Đề tài nghiên cứu khoa học: Dễ làm, khó… quyết toán

GD&TĐ - Bên cạnh hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) là nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên (GV). Thế nhưng, việc thanh quyết toán đề tài NCKH lại là vấn đề đau đầu với lực lượng nghiên cứu trong các ĐH.

Trường ĐH Lạc Hồng chuyển giao Máy đo và cuốn chỉ gỗ do trường làm cho Công ty gỗ An Cường. Ảnh: TG
Trường ĐH Lạc Hồng chuyển giao Máy đo và cuốn chỉ gỗ do trường làm cho Công ty gỗ An Cường. Ảnh: TG

Chứng từ thanh toán “dày” hơn công trình nghiên cứu

Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN vào ngày 27/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, quốc gia nào muốn phát triển đột phá, KH&CN đóng vai trò dẫn dắt, đột phá. Để tạo điều kiện cho hoạt động NCKH phát triển, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi các quy định về tài chính cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. “Đừng thiết kế một quy trình mà chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu”, Thủ tướng lưu ý, đồng thời chỉ đạo Bộ KH&CN cần quan tâm công tác thông tin - truyền thông, truyền cảm hứng, tôn vinh các nhà khoa học.

Chỉ đạo này của Thủ tướng góp phần tháo gỡ nút thắt khá nan giải lâu nay với việc thanh quyết toán trong NCKH tại các cơ sở GDĐH. TS Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ trên trang cá nhân: Chắc có lẽ những người làm nghiên cứu sẽ rất phấn khởi với chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thanh/ quyết toán các đề tài nghiên cứu. Thủ tướng có học vị Tiến sĩ, đồng thời có học hàm Phó Giáo sư nên chắc thấu hiểu cảnh khổ của những người làm khoa học, đặc biệt là trong việc thanh/ quyết toán các đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cần lưu ý thủ tục trong thanh/ quyết toán đề tài phải tuân thủ quy định về tài chính, đấu thầu... Cách tốt nhất là cái gì không rõ nên trao đổi trước với đơn vị phụ trách để mọi việc về sau được thuận lợi.

Liên quan đến vấn đề thanh quyết toán trong NCKH, PGS.TS Trịnh Ngọc Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế (QLKH&HTQT), Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho biết: Việc thanh quyết toán các đề tài, dự án NCKH ở IUH hiện được cải thiện rất nhiều. Dự toán tài chính cho đề tài, GV thực hiện trực tiếp trên phần mềm của trường nên công việc này rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, các hạng mục về nguyên vật liệu năng lượng và chi khác vẫn là phần GV hay bị vướng do thiếu các hồ sơ thanh toán (hóa đơn chứng từ, hợp đồng) và tính phù hợp của các hồ sơ này khi thực hiện thanh quyết toán. 

Nhóm nghiên cứu Robotics Trường ĐH Tôn Đức Thắng chế tạo thành công 2 robot khử khuẩn phục vụ phòng chống dịch Covid-19 (tháng 4/2020). Ảnh: TG
Nhóm nghiên cứu Robotics Trường ĐH Tôn Đức Thắng chế tạo thành công 2 robot khử khuẩn phục vụ phòng chống dịch Covid-19 (tháng 4/2020). Ảnh: TG

Làm sao để giảm gánh nặng?

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, có một số bất cập trong quy chế NCKH, đó là định mức nhân công thấp hơn so với giá thị trường, rất khó để thuê mướn nhân công thực hiện. Vì vậy, các đề tài thường đẩy số lượng ngày công lên để bù vào khoản chênh lệch dẫn đến mất cân đối trong tính toán ngày công.

Quá trình từ lúc đề xuất, phê duyệt danh mục, thông báo đấu thầu đến phê duyệt trúng thầu, kinh phí thực hiện tốn quá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tính thời sự của đề tài và tiến độ công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh đề xuất cần đơn giản hóa các thủ tục tài chính giúp cho nhà khoa học tập trung toàn thời gian vào nội dung khoa học để có được những đề tài chất lượng hơn.

“Trong những năm qua, các bộ ngành đã có nhiều cải tiến về mặt thủ tục hành chính nhưng chưa đạt được kỳ vọng của các nhà khoa học. Hy vọng trong thời gian tới việc này sẽ tiến triển mạnh mẽ hơn…”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.

GV và SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM làm NCKH tại Open Lab (phòng thí nghiệm mở). Ảnh: TG
GV và SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM làm NCKH tại Open Lab (phòng thí nghiệm mở). Ảnh: TG

Tương tự, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng: Kinh phí là vấn đề then chốt và vướng mắc nhất của NCKH.

Theo đó, liên quan đến thanh quyết toán đề tài NCKH có Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN về định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí với nhiệm vụ khoa học có sử dụng ngân sách (Thông tư 55) và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách (Thông tư 27).

Hai thông tư này đã “cởi trói” trong thanh quyết toán đề tài, tạo thuận lợi cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, văn bản này bộc lộ hạn chế. Thông tư 27 với điểm mới là các nhiệm vụ khoa học công nghệ được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhưng vẫn khiến nhà khoa học tốn nhiều thời gian công sức để hoàn thành đề cương nhiệm vụ với phần dự toán kinh phí dày trang hơn cả nội dung khoa học.

Thông tư 55 đề cập định mức kỹ thuật, ngày công lao động nhưng không được điều chỉnh từ nhiều năm. Đơn giá công nhân vẫn 80.000 đồng, cán bộ 120.000 đồng. Thực tế tiền thuê nhân công hiện nay có thể dao động 300.000 – 500.000 đồng. Vậy người làm NCKH bù lỗ khoản chi này từ đâu?

Ngoài ra, Thông tư 55 trả công theo ngày lao động, tức là cào bằng trong nghiên cứu. Chủ nhiệm đề tài bỏ công sức gấp 5 lần kỹ thuật, nhưng cách tính hệ số ngày công không thể hiện được đặc thù trong NCKH.

Trong trường hợp này, TS Bùi Kim Hiếu nêu quan điểm: Việt Nam nên vận dụng phương pháp quản lý quốc tế vào hoạt động xây dựng dự toán, thanh quyết toán nhiệm vụ như Quỹ Nafosted đã làm. Cấp chủ quản phê duyệt dự toán đề tài nhiệm vụ khoa học chỉ phê duyệt mấy dòng chi ngân sách: Nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao, mua sắm thiết bị, đoàn ra đoàn vào... sau đó trao cho đơn vị toàn quyền chủ động quyết định khoản chi. Cấp trên quản lý sản phẩm của đề tài theo đúng tinh thần khoán của Thông tư 27. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là đột phá trong công tác quản lý, dự toán, chi tiêu và quyết toán của đề tài nhiệm vụ KH&CN.

“Các khoản mua sắm giá trị lớn, cần thực hiện qua hình thức đấu thầu, đây là nội dung đa số GV không thực hiện được. Hiện nhà trường hỗ trợ GV thực hiện thông qua Phòng Kế hoạch đầu tư. Ngoài ra, với  các thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán, Phòng QLKH&HTQT của trường đã hỗ trợ GV làm và kiểm tra, rà soát trước khi gửi đến các bộ phận liên quan nên cũng giảm thiểu lỗi khi thực hiện và tiết kiệm thời gian…” - PGS.TS Trịnh Ngọc Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.