Khó… như quyết toán đề tài nghiên cứu khoa học!

Khó… như quyết toán đề tài nghiên cứu khoa học!

(GD&TĐ) - Theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 28.11.2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc đối với giảng viên của các trường đại học thì đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai nhiệm vụ trọng tâm của trường đại học. Hiện nay, việc giảng viên (GV) ở các trường Đại học tham gia NCKH là chuyện không dễ dàng gì. Tuy nhiên, việc thanh quyết toán một đề tài NCKH lại làm không ít GV đau đầu. Một GV đã phải thốt lên rằng “với một quy trình rắc rối như vậy, những người làm NCKH phải ‘đạo’ ra những thứ giấy tờ mà ai cũng biết là để dối nhau…”.

Hết hạn thanh toán bị trừ lương

Một tiến sĩ trẻ (xin không nêu tên) của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có nhiều đề tài NCKH được xã hội quan tâm nhưng gần đây anh đã giảm nhiệt huyết. Sau mấy lần bị trừ vào lương tiền tạm ứng cho SV làm NCKH về robocon, anh tâm sự: “Trong quá trình hỗ trợ NCKH cho sinh viên làm robocon, do Việt Nam hiếm các linh kiện kỹ thuật và kinh phí hỗ trợ rất hạn hẹp nên các em SV mua đồ từ chợ trời cho rẻ dẫn tới việc không có hóa đơn để thanh toán. Đến cuối năm, hết hạn thanh toán thì bộ phận tài chính đổ xuống đầu GV hướng dẫn bằng cách trừ lương hoặc kỷ luật. Trong trường hợp này, GV hướng dẫn vừa không có lương vừa không được ưu đãi gì lại vừa bị "xử đẹp" lương như vậy. Trong khi các bộ phận chức năng như phòng NCKH, phòng tài chính chỉ biết chăm chăm chặt đẹp lương, gây sức ép với giáo viên mà không tìm cách tháo gỡ hợp lý dẫn tới chẳng ai còn tha thiết với NCKH nữa…”.

Giảng viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn nghiên cứu chế tạo thiết bị Test.chip và IC.
Giảng viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn nghiên cứu chế tạo thiết bị Test.chip và IC.
 

Thực ra, giải quyết 1 đề tài NCKH của SV không quá phức tạp, vì đề tài NCKH của SV chỉ là mở rộng tầm nhìn của SV về vấn đề đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kinh phí cho việc NCKH như thế nào? Một giảng viên trẻ của ĐH Tự nhiên TP.HCM cho rằng: Hiện nay kinh phí dành cho SV NCKH trung bình là1,5tr/đề tài mà chi phí in ấn đã 500.000đ đến 600.000đ rồi, chưa kể những chi phí trong khoa học như mua thiết bị, linh kiện và làm NCKH là phải chấp nhận thử, sai và hao tổn… Nếu là SV ở các trường như kinh tế, xã hội thì đỡ phần chi phí mua linh kiện, vật tư còn đối với SV ở các trường về công nghệ, kỹ thuật thì chi phí này lại rất tốn kém, điều này cũng lí giải phần nào SV không mấy mặn mà gì với NCKH. Bên cạnh đó, các trường chưa gắn kết được với các công ty bên ngoài để tìm đầu ra cho NCKH cũng là một điều gây trở ngại.

Là một trong những GV gắn bó nhiều với SV trong NCKH, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh – Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Trường ĐH SPKT TPHCM, cho rằng: Cách đối phó thứ nhất, do kinh phí dành cho đề tài rất hạn hẹp nên để mua thiết bị có hóa đơn chứng từ thì chịu thuế GTGT cao, một số GV và SV thường ra chợ Nhật Tảo (TPHCM) mua đồ cũ. Sau đó tìm đơn vị nào tương thích thì mua hóa đơn chứng từ để thanh toán. Cách đối phó thứ 2 là ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn thì không cần hóa đơn, nhưng thực ra cũng không thuê gì cả, chủ yếu là đáp ứng các thủ tục trong thanh toán.

Thực tế có nhiều GV, sắp hết hạn thanh toán phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi mua hóa đơn, hoàn tất các chứng từ để thanh toán với bộ phận tài chính của đơn vị. PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết: Nhiều lần muốn giải ngân phải sang mua hóa đơn ở một số trung tâm chuyển giao công nghệ. Mặc dù là đơn vị chuyển giao công nghệ nhưng một số trung tâm dạng này do một số trường thành lập chỉ chuyên bán hóa đơn đỏ để thanh toán NCKH. Dù biết chuyện mua hóa đơn để thanh toán trong NCKH là để đối phó, lừa nhau nhưng vì qui định phải làm như vậy. Như vậy, khó khăn trong NCKH không phải khó khăn về nghiên cứu mà chính là do việc thanh toán tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh hướng dẫn sinh viên thực hiện công trình nghiên cứu tại Open Lab
Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh hướng dẫn sinh viên thực hiện công trình nghiên cứu tại Open Lab
 

Tháo nút

Theo quy định, khi thanh toán bằng hóa đơn thì tiền phải chuyển qua nơi bán bằng tài khoản của trường, phải có hợp đồng, như vậy thủ tục rất rườm rà nhưng vẫn không hiệu quả trong việc kiểm soát giá thành, do thiết bị của đề tài thường được mua trước khi thanh toán. Phí đăng báo khoa học không được tính vào chi phí nghiên cứu, nhưng trong kết quả nghiên cứu luôn bắt buộc phải có bài báo. Nếu đăng báo nước ngoài thì phí đăng báo có khi bằng chi phí đề tài. TS. Hoàng An Quốc – Phó trưởng phòng QLKH&QHQT - ĐH SPKT TP.HCM, thừa nhận có nhiều GV gặp khó khăn và bức xúc trong thanh toán đề tài NCKH, trong đó một phần do thủ tục, một phần do nhiều GV không đọc kỹ các quy trình thanh toán và đợi đến cận ngày mới lo hoàn tất các thủ tục nên không kịp thời gian. Một GV ĐH HUFLIT chia sẻ thêm: Tình trạng các hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học không cùng chuyên môn vẫn còn tồn tại đã làm cho các nhà nghiên cứu ngay từ bước đầu đã phải đương đầu với hội đồng phản biện không am hiểu về lĩnh vực chuyên môn mình nghiên cứu, làm giảm động cơ và nhiệt tình của họ, nhất là những GV trẻ.

PGS.TS Lê Thị Tuyết Hạnh (Học viện Quản lý giáo dục), chỉ ra rằng: nguyên nhân để các GV chưa coi việc NCKH là nhiệm vụ hàng đầu là do chính cách quản lý NCKH hình thức và máy móc, bằng sự phân chia kinh phí hay đăng ký trước đề tài, đã làm tiêu tan nhiệt tình của các nhà khoa học chân chính, tạo kẽ hở cho sự tiêu cực và tham nhũng nảy sinh. Ngoài ra, nguồn thu nhập chính yếu của các GV đại học hiện nay đến từ việc giảng dạy; trong khi NCKH tốn nhiều thời gian, công sức nhưng thu nhập lại ít ỏi. Nhiều GV đã dạy vượt quá số giờ quy định, với mục đích để tăng thêm thu nhập. Trên thực tế, GV thích đi dạy hơn, vì vừa có thêm phụ thu vừa không phải suy nghĩ phức tạp, không phải lo thủ tục, đặc biệt là thanh quyết toán, khỏi phải lo mượn phòng thí nghiệm, mướn người thực hiện. Tất cả những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng thiếu các nhà khoa học hàng đầu để dẫn dắt khoa học VN.

SV thi robot dancing
SV thi robot dancing
 

Có ý kiến cho rằng, cần có sự trao đổi, hiểu nhau giữa những người làm công tác tài chính và những người làm công tác NCKH. PGS.TS Vũ Cao Đàm (ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, Hà Nội), cho rằng: nguyên nhân cơ bản dẫn đến các khó khăn trong chế độ tài chính, có lẽ là do chưa có được sự đối thoại thật sự hiểu biết lẫn nhau giữa giới quản lý tài chính với giới quản lý khoa học và bản thân những người làm khoa học, cụ thể là giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài chính cùng với những người trực tiếp thực hiện công việc NCKH.

Có lẽ nguyên nhân cơ bản vẫn là những người làm NCKH chưa làm cho những người quản lý tài chính hiểu được đặc điểm cơ bản của hoạt động NCKH và nhất là đặc điểm về chính sách tài chính cho loại hoạt động này. TS. Nguyễn Bá Hải (ĐH SPKT TP.HCM) cho rằng: Cần thay đổi vì quy định trước đây quá lỗi thời. Nhiều cái muốn mua cho nghiên cứu, hoặc chi trả cho nghiên cứu thì không được duyệt vì không nằm trong danh mục được mua, được chi. Nên người làm NCKH phải nói dối, phải bịa ra đủ thứ chuyện để thanh toán được số tiền đó. Bản thân ai làm khoa học cũng không muốn điều này. Những người làm công tác quản lý khoa học phải trở thành những người phục vụ thực sự cho hoạt động NCKH…

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH SPKT TP.HCM, chia sẻ: Có một nghịch lý là tiền dành cho NCKH đã ít rồi mà còn phải đi mua hóa đơn đỏ. Mất khoảng 15% trở lên. Nếu làm hợp đồng thuê khoán chuyên môn thôi thì không hợp lý vì những đề tài có dính đến thiết bị đều phải mua. Chỗ giá rẻ thì không có hóa đơn nên đành phải hợp lý hóa bằng cách mua hóa đơn trôi nổi trên thị trường.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh: Người thanh toán mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ thanh toán thay vì tập trung nghiên cứu. Tốn phí khi phải thanh toán hóa đơn theo kiểu chuyển khoản từ tài khoản của trường. Cần thay đổi quy trình trong thanh toán NCKH theo hướng: Khi thanh toán hóa đơn thì được mua trước, lấy hóa đơn về thanh toán sau. Có mức tính chi phí đăng báo khoa học vào chi phí đề tài NCKH.

Như Ý

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ