Để sinh viên không còn “ngại” ngoại ngữ

GD&TĐ - Trong điều kiện đầu vào ngoại ngữ của SV không chuyên ngữ là không đồng đều như hiện nay, để đạt được chuẩn đầu ra như mong muốn, đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần có những bước đột phá trong phương thức tổ chức dạy - học.

Giờ học SV trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng trong phòng học tiếng
Giờ học SV trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng trong phòng học tiếng

Quan điểm dạy học điều chỉnh phương pháp dạy dựa trên trình độ, đối tượng SV để đạt chuẩn đầu ra đạt được mục tiêu cuối cùng là SV khi tốt nghiệp phải sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ đạt chuẩn đầu ra như yêu cầu đã được trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng triển khai từ gần 4 năm nay.

Xóa ranh giới năm học, trường lớp trong dạy ngoại ngữ

Theo đánh giá của các chuyên gia thì với thời lượng từ 7 - 10 tín chỉ như hiện nay là không đủ để SV không chuyên ngữ sử dụng thành thạo ngoại ngữ. PGS.TS Nguyễn Văn Long – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng phân tích: “Theo như khuyến cáo của Cambrige, trong tiếng Anh, để được một bậc lên một bậc cao hơn thì cần 100 - 200 giờ học, càng lên cao thì khoảng giờ càng lớn, ví dụ như từ không biết gì để đạt được trình độ A1 thì mất khoảng 100 giờ, từ A1 lên A2 thì khoảng 120 giờ học, từ A2 lên B1 thì mất khoảng từ 150 đến 200 giờ. Trong khi với 7 tín chỉ thì chỉ có 105 tiết tiết, tức là chỉ đảm bảo một bậc”.

Chưa kể là trình độ ngoại ngữ đầu vào của SV vừa thấp vừa không đồng đều, có những em gần như không biết cái gì, nhưng cũng có những SV đã đạt trình độ B1 rồi.

Với vai trò là đơn vị đảm nhận việc giảng dạy ngoại ngữ cho các cơ sở giáo dục ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đã triển khai kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào của SV bắt đầu từ khóa tuyển sinh đầu vào 2014 để xếp lớp theo đúng năng lực ngoại ngữ.

Ngoại trừ những SV thuộc diện được miễn thi do đã có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tất cả SV chính quy nhập học vào các trường thành viên đều phải dự kiểm tra tiếng Anh đầu vào theo hình thức thi trắc nghiệm gồm các phần nghe hiểu, ngữ pháp thực hành và đọc hiểu với thang điểm 100.

PGS.TS Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đánh giá: “Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là sự ra đời của khung năng lực 6 bậc của Việt Nam tại thông tư 01 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 24/1/2014. Khung năng lực này là cơ sở cho việc đánh giá năng lực ngoại ngữ theo hệ thống và chuẩn quốc gia. Chủ trương đánh giá năng lực ngoại ngữ làm điều kiện tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong mặt bằng kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, tạo ra nhận thức tốt cho toàn xã hội và người học. Tuy nhiên cho đến nay, Bộ vẫn chưa có văn bản giám sát quy định về tính hiệu quả của việc triển khai áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên. 

Các chương trình ngoại ngữ sẽ được thiết kế theo từng cấp độ, phân chia nội dung và thời lượng từ cấp thấp nhất A1 cho đến cao nhất C2. Trong mỗi cấp độ, còn có thể chia thành các cấp độ nhỏ hơn tùy theo từng ngành, từng trường và trình độ của SV như trong B1 có B1.1...

Các tín chỉ của lớp tiếng Anh dự bị và tiếng Anh tăng cường sẽ nằm ngoài chương trình chính khóa. SV có thể chọn học tại trường hoặc có thể đăng ký học ở ngoài, miễn sao đạt được lộ trình như nhà trường đưa ra để đạt được chuẩn ngoại ngữ đầu ra.

Một số trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng như trường ĐH Bách khoa, với các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến, từ khóa tuyển sinh 2018, ở năm thứ nhất, SV sẽ chỉ tập trung học ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của chương trình học và một số môn cơ bản như Toán, Vật lý…

Ứng dụng CNTT trong dạy – học ngoại ngữ

Triển khai nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án NNQG 2020 về nâng cao năng lực tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ ra trường đạt bậc 3 theo khung năng lực 6 bậc Việt Nam, từ năm 2012 Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đã thành lập một nhóm giáo viên chuyên gia (task force) và trình Ban quản lý Đề án duyệt cho phép nhóm nghiên cứu xây dựng và đề xuất một chương trình tiếng Anh tăng cường cho SV không chuyên ngữ thí điểm tại ĐH Đà Nẵng.

Sau khi chương trình này được Hội đồng nghiệm thu, Trường ĐH Ngoại ngữ đã đưa chương trình, giáo trình mới vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên ĐH Đà Nẵng từ năm 2013. Cho đến nay, chương trình này vẫn đang được sử dụng cho SV hệ đại trà. Ưu điểm của chương trình này là sự tiếp nối nhịp nhàng giữa chương trình chính khóa 7 tín chỉ thuộc chương trình đào tạo và khối lượng học phần tăng cường sau chính khóa. Giáo trình mới được lựa chọn có tính cân nhắc về đường hướng giảng dạy và chuẩn đầu ra.

Ngoài ra, cho đến nay, toàn ĐH Đà Nẵng đang triển khai nhiều chương trình dạy tiếng Anh cho SV khác nhau tùy theo hệ đào tạo, chương trình các em đang theo học. Ví dụ: chương trình đại trà, chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết nước ngoài. Mỗi chương trình được thiết kế một chương trình đào tạo khác nhau với chuẩn đầu ra khác nhau, phù hợp với yêu cầu đào tạo của chương trình và kỳ vọng xã hội đặt ra cho chương trình.

PGS.TS Trần Hữu Phúc cho biết, ngoài đẩy mạnh bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên, nhà trường đặc biệt tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy và học thông qua các hội thảo, diễn đàn toàn quốc và quốc tế. “Để khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, nhà trường đã thực hiện tính hệ số cho giảng viên có tham gia sử dụng CNTT trong dạy học”. Giảng viên cũng phải sử dụng Moodle để mở các khóa học online, sử dụng các phần mềm học ngoại ngữ tiên tiến như Dyned để hỗ trợ SV học và luyện tập thêm ở nhà...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ