* Theo ông, đâu là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ BLHĐ ở nước ta hiện nay?
- Có mấy nguyên nhân chính dẫn đến BLHĐ:
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
- Thứ nhất, đa số học sinh, sinh viên (HS,SV) cảm thấy bị dồn nén. Các em có nhiều điều muốn nói, nhưng không biết phải giải tỏa như thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi nông nổi. Đánh nhau để khẳng định mình, đánh nhau để giải tỏa tâm lý, đánh nhau vì những mâu thuẫn không được giải quyết, đánh nhau để dằn mặt đối tượng, đánh nhau để gây scandal.
- Thứ hai, nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì làm sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội? Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người chưa thực sự được coi trọng, học để kiểm tra, học để thi cử, được các trường xem là yêu cầu tối quan trọng. Đó là chưa kể việc thiếu linh hoạt trong cách thức giáo dục, thiếu đầu tư cho việc tìm hiểu và tác động giáo dục. Không ít thầy cô giáo vẫn cho rằng mình là bề trên, thời gian đâu để lắng nghe, điều kiện đâu để tìm hiểu hoàn cảnh từng em HS, SV, như vậy thử hỏi BLHĐ, một hành vi bộc phát, sao không có cơ hội nảy sinh?
- Thứ ba, nếu cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên của từng con người, thì có bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa? Thời gian dành cho việc trò chuyện, uốn nắn con em hầu như không có. Nhiều vị phụ huynh rơi vào vòng xoáy kim tiền, bỏ mặc chuyện dạy dỗ con em cho nhà trường, làm sao con cái nên người được?
- Thứ tư, không thể bỏ qua nguyên nhân từ phía xã hội, xảy ra quá nhiều tiêu cực hết sức đáng lo, đang từng ngày bủa vây, tấn công tuổi trẻ học đường.
Còn nhiều nguyên nhân nữa có thể lý giải. Căn bản nhất là chúng ta không nhận ra chính văn hóa xung quanh ảnh hưởng đến tuổi trẻ học đường một cách tổng thể. Không thể tách giáo dục và văn hóa...
* Hiện nay, các trường học của ta đặc biệt chú trọng giáo dục HS, SV thay đổi hành vi, qua đó giúp các em nhận biết các nguy cơ dẫn đến bạo lực. Điều cấp thiết là phải giúp HS, SV nâng cao khả năng xử lý các tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực. Ông có thể nói rõ hơn?
- Nhìn toàn cục có thể thấy việc HS, SV đánh nhau xuất phát từ sự hung tính trong hành vi của mỗi con người. Từ những việc nhỏ, như cái nhìn thiếu thiện cảm, chọc ghẹo tuổi học trò, “thả thính” trùng nhau, mâu thuẫn nhóm trong các hoạt động khác nhau dẫn đến bạo lực. Sâu thẳm của vấn đề chính là hung tính của con người đã bị đẩy lên thiếu kiểm soát. Đó không phải là vấn đề của riêng nhà trường, mà nhìn rộng ra là văn hóa và xã hội.
Tuy nhiên, nhà trường cần nhận trách nhiệm chính, bởi việc giáo dục con người là trách nhiệm mang tính đặc trưng. Chính nhà trường cần nhìn lại chính mình trong công tác giáo dục giá trị và hành vi. Nhiều năm qua, không ít người đã xem nhẹ những hành vi BLHĐ và coi chúng là những điều tất yếu. Thậm chí, một số cá nhân còn xem đó là một phần tự nhiên của quá trình phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi học trò.
Một trong những vấn đề rất quan trọng với đông đảo HS, SV hiện nay là: Sự thiếu hụt về kỹ năng sống để xử lý những mâu thuẫn và xung đột. Sự thiếu kiểm soát hay kiềm chế bản thân trong những tình huống khó khăn, khi giải quyết vấn đề làm cho nhiều HS, SV trở nên hung hãn. Nhà trường phải chú ý tác động thường xuyên, để giúp HS, SV thay đổi hành vi, giúp các em nhận biết các nguy cơ dẫn đến BLHĐ để phòng tránh.
* BLHĐ giữa HS, SV với nhau không khó hiểu, vì các em bồng bột thiếu suy nghĩ chín chắn. Đau đầu nhất là hiện tượng một số thầy cô giáo cũng có hành vi BLHĐ. Các trường Sư phạm cần làm gì trong khâu đào tạo để hạn chế BLHĐ từ giáo viên?
- Với cả HS, SV và GV - nhiều người thuộc dạng tính cách và khí chất rất dễ thay đổi cảm xúc, dễ phát sinh những cảm xúc tiêu cực. Điển hình như, dễ bị kích thích (bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh), lo sợ, bất an, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường. Tất cả sẽ làm cho sự căng thẳng tâm lý bộc phát và nguy cơ BLHĐ có thể xảy ra.
Các trường Sư phạm chưa bao giờ đứng ngoài cuộc, rất quyết tâm để làm tốt nhất công tác GD&ĐT. Tuy nhiên, mỗi con người là chủ thể riêng biệt và việc nhà giáo phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, phải có những kỹ năng kiểm soát bản thân là điều mà các trường Sư phạm đang tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả trong đào tạo.
* Từ lâu, các trường học nước ta đã đề cao: “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Theo ông, làm sao để triển khai đạt hiệu quả cao nhất các nội dung này?
- Các trường học nước ta đã đề cao các nội dung nói trên, nhưng vấn đề là các trường cần tự đánh giá xem mình thực sự đã làm tốt việc giáo dục hành vi ứng xử theo giá trị hòa bình, tôn trọng chưa? Các gia đình chúng ta thực sự đã dẫn dắt con vào đời thế nào với những kỹ năng sống cần thiết? Có thể nhấn mạnh những chiến lược giáo dục, hay những dự án dài hơi về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái theo những chuẩn mực chưa được thực thi một cách bài bản. Đây chính là độ chênh lớn giữa sự phát triển kinh tế và sự chuẩn bị cân bằng với độ “sâu - bền” của xã hội.
Hơn ai hết, những người có trách nhiệm cần nhìn nhận vấn đề này bằng một thái độ cầu thị và chịu trách nhiệm. Nói như thế để thấy nhà trường có cố gắng nhưng cần cố gắng nhiều hơn nữa, và gia đình cần gương mẫu về văn hóa, để giúp sức và tác động đồng bộ lên nhân cách của giới trẻ.
Trong giờ tự thảo luận nhóm của SV ĐH Đà Lạt |
* Ông có nghĩ rằng, Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được triển khai (với định hướng chủ yếu là phát huy tối đa năng lực HS, tăng cường các hoạt động trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống cho HS) sẽ giúp hạn chế tối đa các vụ BLHĐ hay không?
- Có thể nói tình hình BLHĐ diễn biến hết sức phức tạp. Ở nhiều góc quan hệ khác nhau trong môi trường học đường, BLHĐ đã tồn tại. Không chỉ HS, SV nam mà HS, SV nữ cũng bạo hành. Nữ sinh vốn dĩ nhẹ nhàng dịu dàng đầy nữ tính, ai ngờ các em lại lăng nhục, đấu võ mồm, rồi choảng nhau dữ dội! Thậm chí, một số nữ sinh đã mượn tay phe nhóm đánh hội đồng bạn cùng trường.
Một trong những vấn đề cần xem xét từ kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước của chúng tôi về mô hình tư vấn tâm lý cho thấy: Vẫn còn 1/4 HS cho rằng mình đã từng bạo lực hay bị bạo lực; gần 1/3 HS có nhu cầu tư vấn tâm lý; gần 2/5 HS lúng túng khi có mâu thuẫn với bạn và không biết xử lý thế nào.
Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cụ thể để thích nghi cuộc sống, nên các nội dung giáo dục giá trị, rèn luyện kỹ năng sống rất được quan tâm. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng cường thời lượng, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục lối sống, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, tư vấn tâm sinh lý học đường. Chúng ta kỳ vọng sự thay đổi này sẽ có giá trị phát triển con người đúng nghĩa.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.