Đề nghị tăng nặng hình phạt liên quan bạo lực gia đình

Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Trong đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN có nhiều ý kiến bổ sung vào các điều khoản liên quan tới phụ nữ, trẻ em.

Đề nghị tăng nặng hình phạt liên quan bạo lực gia đình

dai-bieu-qh-nguyen-thi-thu-ha.JPG

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (ngồi giữa) phát biểu sáng 21/10

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đồng ý với quan điểm cần xem xét, sửa đổi Bộ luật Hình sự một cách thận trọng, chắc chắn, không vội vàng thông qua trong kỳ họp này.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đồng thuận với phương án không xử lý hình sự đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 139) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội.

Đặc biệt, theo đại biểu Thu Hà, nhiều điều trong luật có sự mâu thuẫn, thiếu logic, biên độ hình phạt chưa hợp lý, cần phải sửa đổi. Ví dụ, tội cưỡng dâm (Điều 143) không thống nhất biên độ hình phạt.

Khoản 1 quy định xử phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nhưng khoản 2 có thêm các tình tiết tăng nặng lại quy định hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Với biên độ này “sẽ xảy ra trường hợp người có tình tiết tăng nặng lại bị xử phạt tù ít năm hơn”.

bao-luc-gia-dinh.jpg

58% số phụ nữ đã kết hôn cho rằng từng bị bạo lực ít nhất 1 lần cả về tinh thần và thể xác. Ảnh minh họa: Internet

Cạnh đó, đại biểu Thu Hà bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới những quy định liên quan tới phụ nữ. Trong đó, quy định xử phạt về tội loạn luân, Điều 184, dự thảo quy định người nào giao cấu mà biết rõ người đó có dòng máu trực hệ cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, trong Luật Hôn nhân gia đình thì quy định các đối tượng rộng hơn, bao gồm cả những người đã từng nuôi dưỡng, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, dượng với con riêng của vợ… Theo đó, đại biểu Thu Hà đề nghị bổ sung thêm đối tượng vi phạm tội loạn luân vào dự thảo Bộ luật Hình sự, nhằm răn đe, giáo dục, đảm bảo thuần phong mỹ tục và thống nhất với luật Hôn nhân gia đình.

Một bất cập khác về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185). Quy định có các “điều kiện” ràng buộc như: người vi phạm “có tính chất thường xuyên”; “đã bị xử phạt hành chính còn vi phạm”, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo đại biểu Thu Hà, gia đình là nơi yêu thương, gắn bó, thì những hành vi hành hạ của chính người thân trong gia đình đã diễn ra ở mức độ rất trầm trọng rồi mới bị xử phạt. Quy định như vậy sẽ dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình ngày càng trầm trọng hơn.

Đồng thời đại biểu Thu Hà cũng nhấn mạnh: “Tất cả những tội liên quan tới bạo lực gia đình, đều được quy định hình phạt ở mức rất nhẹ”, như Điều 130 về tội bức tử, Điều 131 về sử dụng người, Điều 155 làm nhục người khác… Những điều luật liên quan tới “bạo lực gia đình, hành hạ người khác đều cần được tăng nặng hình phạt”, đại biểu Thu Hà kiến nghị.

Theo báo cáo nghiên cứu cấp quốc gia về tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam mới đây, có 58% số phụ nữ đã kết hôn cho rằng từng bị bạo lực ít nhất 1 lần cả về tinh thần và thể xác. Theo nghiên cứu này, tổn hại về kinh tế từ bạo lực gia đình sẽ khoảng 1,4% của GDP/năm.
Theo phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.